Mới đây, một tài khoản mạng xã hội tự xưng là "lương y" đã nêu thông tin sai sự thật về một loại gia vị chúng ta ăn hằng ngày. Cụ thể, người này nói "đường tinh chế chúng ta ăn hàng ngày độc hơn chất độc hóa học... mà chúng ta không hề biết".
Người này phân tích rằng đường trong mía, củ cải có nhiều chất khoáng, vitamin, khi chúng ta tiêu thụ các loại thực phẩm này "thì đã đủ đường cho cơ thể". Tuy nhiên nếu sử dụng đường tinh chế, "các khoáng chất đã bị loại bỏ hết, chỉ còn chất ngọt mà cơ thể không tiêu hóa được… từ đó gây hại cho cơ thể", người này nói.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nói rằng tin đồn "đường độc hơn hóa chất" là hoàn toàn sai sự thật và phản khoa học. Bà phân tích đường thuộc nhóm có chất carbohydrate, cung cấp năng lượng cho cơ thể.
"Một ngày cơ thể chúng ta chỉ nên ăn dưới 25g đường/ngày, tương đương với khoảng dưới 5% tổng năng lượng nạp vào cơ thể/ngày", PGS Lâm nói.
Các nhà nghiên cứu từ Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) cho biết lượng đường thêm vào tối đa một ngày với nam giới là 150 calo (khoảng 37,5 g hoặc 9 muỗng cà phê đường), với phụ nữ là 100 calo (khoảng 25g hoặc 6 muỗng cà phê đường).
Đường có thể gây hại cho cơ thể khi chúng ta tiêu thụ quá nhiều đường tinh chế thông qua tiêu thụ trực tiếp, các loại nước ngọt, nước có ga… Khi sử dụng nhiều đường sẽ gây ra một số loại bệnh như rối loạn đường máu, huyết áp, tiểu đường…
Ăn một lượng đường nhất định trong ngày sẽ giúp cơ thể có nhiều năng lượng (Ảnh minh họa)
Nhiều loại thực phẩm chứa nhiều đường cũng sẽ cung cấp nhiều calo. Trong khi đó, nguyên nhân chính của tình trạng tăng cân và béo phì lại chính là do tiêu thụ quá nhiều calo. Ngoài ra, ăn nhiều đường chỉ cung cấp calo chứ không có nhiều chất dinh dưỡng. Những loại thực phẩm chứa nhiều đường, đặc biệt thiếu chất xơ có thể gây ra cảm giác thèm tinh bột hoặc đường - 2 chất có xu hướng làm bạn tăng cân.
Lượng đường trong máu tăng cao có thể dẫn đến việc kích thích các hormone gây ra tình trạng cáu kỉnh, bực bội. Vì vậy, bạn nên học cách kiềm chế trước các món ăn ngọt.
"Ngoài đường tinh chế, đường còn có nhiều ở hoa quả và một số loại thực phẩm tự nhiên khác, chúng ta có thể bổ sung đường bằng những loại thực phẩm đó để cơ thể hấp thụ đầy đủ năng lượng cũng như các loại dinh dưỡng khác thông qua thực phẩm có đường tự nhiên", PGS Lâm cho hay.
Khi liên tục giảm tổng lượng đường ăn vào, cảm giác thèm đồ ngọt của bạn sẽ giảm bớt hoặc bạn dễ dàng nhận ra một số loại thực phẩm có vị quá ngọt.
Dưới đây là một số mẹo giảm lượng đường trong chế độ ăn hàng ngày:
- Thay vì uống nước tăng lực, nước ngọt, nước trái cây, trà có đường, bạn nên uống nước lọc, các loại nước không đường.
- Bạn nên dùng nước ép từ quả mọng để tạo vị ngọt cho sữa, sữa chua… thay vì thêm đường hay sữa đặc.
- Thay vì uống sinh tố trái cây có pha đường và sữa, bạn nên ăn trái cây.
- Thay kẹo thành các loại trái cây, quả hạch hoặc chocolate đen.
- Nếu bạn chọn thưởng thức món ăn yêu thích có nhiều đường, hãy tập ăn một phần nhỏ hơn bình thường, nhai chậm.