Cây dâu da xoan hay còn có tên gọi khác là hồng bì dại, châm châu, dâm bôi... là loại cây không mấy xa lạ với người Việt Nam.
Trước kia, cây dâu da xoan thường mọc dại trong rừng. Hiện nay, cây được trồng trong vườn nhà và trên các con phố để lấy bóng mát. Tuy nhiên, ít ai biết cây dâu da xoan còn chứa nhiều giá trị, có thể dùng làm thuốc để nâng cao sức khoẻ.
Theo nhà khoa học, Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, cây dâu da xoan là một vị thuốc toàn năng. Lá, hạt và vỏ thân của cây dâu da xoan là dược liệu trong các bài thuốc chữa bệnh ho, vảy nến, eczema, đau nhức, sưng xương khớp hoặc cải thiện hiệu quả chứng đầy bụng, khó tiêu, đau bụng…
Lá dâu da xoan có đặc tính kháng khuẩn, có thể diệt sạch vi khuẩn gây mụn nên có tác dụng làm đẹp, dưỡng nhan. Mọi người có thể dùng lá dâu da xoan xay nhuyễn kết hợp với mật ong đắp mặt giúp giảm mụn trứng cá hiệu quả, làm ẩm da, mờ sẹo.
Bác sĩ, Lương y Nguyễn Hữu Trọng, Hội Nam y Việt Nam, cho hay cây dâu da xoan có tên khoa học là Clausena excavata Burm, thuộc họ Cam quýt (Rutaceae). Cây được trồng bằng hạt hoặc chiết cành vào mùa xuân. Cây được trồng ở nơi nhiều nắng. Lá, vỏ thân cây dâu da xoan được thu hái gần như quanh năm để làm thuốc. Hạt dâu da xoan được lấy ở những quả chín, từ tháng 6 đến tháng 8 và được dùng ở dạng tươi hoặc khô.
Trong quả dâu da xoan chín có nhiều chất dinh dưỡng quý như protid, glucid, các muối khoáng canxi, photpho... Trong lá, thân cây dâu da xoan có chứa tinh dầu và các hoạt chất khác.
Bài thuốc hay từ cây dâu da xoan
- Chữa ho: Dùng 10g vỏ cây dâu da xoan, thêm nước, sắc lên và chia ra uống 2-3 lần trong ngày.
- Chữa đau bụng: Dùng 6-10g hạt dâu da xoan, thêm nước sắc uống trong ngày.
- Đau nhức, sưng đầu gối: Dùng lá dâu da xoan giã nát, trộn giấm hay rượu đắp lên khu vực bị đau nhức hoặc sưng.
- Chữa mụn nhọt, sưng tấy hoặc dị ứng: Lá dâu da xoan, giấm trắng với lượng tuỳ dùng. Rửa sạch lá dâu da xoan, ngâm trong nước muối pha loãng 10 – 15 phút để loại bỏ vi khuẩn, đất cát và bụi bẩn. Lá giã hoặc dùng máy xay nhuyễn sau đó đem trộn đều với giấm trắng. Dùng hỗn hợp này lau sạch vùng da bị mụn nhọt, sưng tấy, dị ứng. Chờ một lúc thì rửa sạch lại bằng nước lọc.
Lưu ý khi dùng cây dâu da xoan làm thuốc
Theo ông Sáng, để tránh gặp các tác dụng phụ và đảm bảo hiệu quả điều trị, mọi người chỉ dùng lá, hạt và vỏ thân cây dâu da xoan có nguồn gốc. Người dân không nên dùng các bộ phận của cây làm thuốc nếu thấy chúng đã có dấu hiệu hư hỏng.
Trước khi sử dụng lá, hạt và vỏ thân cây dâu da xoan, mọi người cần rửa sạch để loại bỏ hết bụi bẩn, vi khuẩn. Đặc biệt, khi sử dụng dược liệu tươi, mọi người cần phải ngâm rửa kỹ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình thực hiện.
Vị chuyên gia cũng lưu ý thêm, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú, người cao tuổi, người mắc các bệnh lý nguy hiểm, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người đang dùng thuốc tây nên cẩn trọng khi dùng cây dâu da xoan chữa bệnh. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không lạm dụng lá, hạt và vỏ thân cây dâu da xoan.
Để dược liệu phát huy hiệu quả tốt nhất, người dân nên tham khảo ý kiến chuyên gia, bác sĩ hoặc người có chuyên môn trước khi sử dụng các bộ phận của cây dâu da xoan làm thuốc.