Khi luộc hoặc hầm xương và thịt, hầu hết mọi người đều thấy một lớp bọt nổi lên trên mặt nước. Nhiều người cho rằng đây là tạp chất bẩn cần loại bỏ hoàn toàn, nhưng một số khác lại tin rằng đó là tinh chất dinh dưỡng từ thịt. Vậy thực chất, lớp bọt này là gì và có cần vớt hết đi không? Hãy cùng tìm hiểu sự thật để tránh hiểu lầm khi chế biến thực phẩm.
Lớp bọt xuất hiện khi nấu thịt là kết quả của nhiều yếu tố, bao gồm:
- Máu và tạp chất còn sót lại: Thịt chứa nhiều mao mạch nhỏ, và khi đun nóng, máu còn sót lại sẽ bị đẩy ra ngoài, tạo thành bọt màu nâu hoặc đỏ sẫm. Ngoài ra, bụi bẩn, lông vụn hay các chất bảo quản trên bề mặt thịt cũng có thể hòa vào nước, góp phần tạo bọt.
- Protein và chất béo nhũ hóa: Dưới nhiệt độ cao, một số protein tan trong nước sẽ kết hợp với chất béo, tạo ra bọt trắng hoặc trắng đục. Đây là thành phần tự nhiên của thịt, không phải chất bẩn.
- Khác biệt giữa các loại thịt: Những phần thịt có nhiều mao mạch như chân giò, sườn sẽ tạo nhiều bọt hơn so với các phần thịt nạc.
Dựa vào màu sắc và thời điểm xuất hiện, bọt khi nấu thịt và xương có thể chia thành hai loại:
- Bọt màu nâu hoặc đỏ sẫm: Thường xuất hiện ngay khi nước bắt đầu sôi, chứa máu, tạp chất và một số thành phần không mong muốn. Lớp bọt này nên được vớt bỏ để giúp nước trong hơn và tránh mùi tanh.
- Bọt trắng hoặc trắng đục: Xuất hiện sau một thời gian đun sôi, chủ yếu là protein, axit amin và các hạt chất béo. Đây là phần dinh dưỡng của thịt, giúp nước dùng ngọt và đậm đà hơn, không nên vớt bỏ.
Như vậy, không phải toàn bộ bọt đều là chất bẩn. Vớt bỏ bọt màu nâu khi nước sôi lần đầu là điều cần thiết, nhưng giữ lại bọt trắng sẽ giúp món ăn giữ được dinh dưỡng.
Để đảm bảo thịt sạch và giữ lại giá trị dinh dưỡng, bạn có thể áp dụng các mẹo sau:
- Chần thịt trước khi nấu: Chần sơ thịt với nước nóng khoảng 2 - 3 phút để loại bỏ phần máu thừa và tạp chất. Có thể thêm gừng và rượu trắng để khử mùi.
- Vớt bọt màu nâu khi nước sôi lần đầu: Dùng muôi hoặc rây để vớt bọt này ra, giúp nước trong và không bị tanh.
- Giữ lại bọt trắng khi ninh lâu: Đây là phần dinh dưỡng tự nhiên, giúp món ăn có vị ngọt tự nhiên hơn.
- Điều chỉnh nhiệt độ: Sau khi nước sôi, hạ nhỏ lửa để duy trì trạng thái sôi nhẹ, giúp protein kết tủa từ từ và tránh làm đục nước.
Kết luận: Lớp bọt nổi lên khi luộc thịt, hầm xương không hoàn toàn là bụi bẩn hay chất bẩn. Bọt màu nâu hoặc đỏ sẫm chứa máu và tạp chất, cần vớt bỏ. Trong khi đó, bọt trắng chủ yếu là protein và dưỡng chất có lợi, nên được giữ lại. Hiểu rõ về bọt khi nấu thịt giúp bạn có thể chế biến thực phẩm ngon, sạch và bổ dưỡng hơn.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, Sohu