Trong suốt 2 năm trời, cô bé 12 tuổi, Nita Juggi, sống tại Gujarat, miền Trung Ấn Độ đã phải chịu đựng những cơn đau đầu, động kinh và kiệt quệ sức lực đến mức không thể tự cầm nổi một cốc nước. Dần dà, tình trạng của Nita bắt đầu nặng hơn, bệnh nhân nhỏ tuổi đã liệt luôn một nửa người bên phải nhưng các bác sĩ tại địa phương cũng không thể tìm được nguyên nhân gây bệnh.
Nita đã bị liệt nửa người bên phải mà các bác sĩ không tìm được nguyên nhân.
Bố của Nita, anh Kishor Parbat Jogi, cho hay: "Chúng tôi đưa con gái đến nhiều bác sĩ, nhưng không ai trong số họ có thể giúp được con bé. Tôi nghĩ chúng tôi đã chọn sai bác sĩ. Chúng tôi đã hoàn toàn bất lực nhìn sức khoẻ của Nita ngày càng trở nên tồi tệ hơn”.
Đến giữa năm 2016, Nita được đưa tới gặp bác sĩ Chirag Solanki, một chuyên gia thần kinh và là bác sỹ phẫu thuật cột sống tại bệnh viện Sterling. Sau quá trình xét nghiệm và chụp MRI não, bác sĩ phát hiện ra trong đầu Nita chứa một nang có kích thước khổng lồ, nặng đến 675 gram.
Nang khổng lồ chiếm đến nửa hộp sọ của bệnh nhân.
Sự phát triển quá mức của nang này đã ép bộ não của Nita lệch hẳn sang một bên vì thế ảnh hưởng đến chức năng thần kinh và vận động của cô bé. Điều đáng sợ nhất là bác sĩ xác định được nang khổng lồ đó chính là nang sán dây, chứa ấu trùng của loài ký sinh trùng này.
“Tôi tin rằng nang này đã tồn tại và lớn dần trong đầu bệnh nhân từ 8-10 năm rồi”, bác sĩ nói. “Càng lớn dần, nó càng gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của cô bé và cơn đau đầu càng dữ dội hơn”.
Thực tế, nang sán dây này đã phát triển đến kích thước bằng một nửa bộ não của Nita, và nó có thể vỡ ra bất cứ lúc nào, đe dọa đến tính mạng của cô bé.
Nang sán dây có thể vỡ bất cứ khi nào và giết chết bệnh nhân.
Được biết gia đình của Nita sống tại vùng nông thôn có điều kiện vệ sinh không sạch sẽ và đó cũng chính là nguyên nhân khiến cho cô bé bị nhiễm sán dây. Nang sán đã chui lên não cô bé và phát triển tại đó trong một thời gian quá dài, trở thành một khối nang khổng lồ.
Sau quá trình phẫu thuật 2 tiếng rưỡi, bác sĩ Chirag đã thành công tách nang sán ra khỏi não của bệnh nhân nhỏ tuổi. Điều đáng mừng là cô bé đã phục hồi rất nhanh chóng và được xuất viện chỉ sau hai tuần.
Bố mẹ của Nita đã phải bán hết trang sức và nhiều đồ quý giá trong nhà để trang trải chi phí phẫu thuật cho con gái. Tuy kinh tế gia đình lâm vào khó khăn nhưng nhìn thấy Nita khỏe mạnh, vui vẻ hơn mỗi ngày, họ cảm thấy tất cả đều rất xứng đáng.
“Chúng tôi cho rằng bác sĩ Chirag quả thật là một vị thần. Ông ấy đã phẫu thuật cho Nita rất tốt. Giờ đây con bé đã có thể tìm lại cuộc sống bình thường. Mỗi ngày chúng tôi giúp con tập luyện và hỗ trợ con trong cuộc sống hết mức có thể”, bố Nita nói.
Nang sán dây khổng lồ sau khi được tách ra khỏi não của bệnh nhân.
Cô bé Nita cũng rất hạnh phúc khi có thể vui chơi cùng với các bạn bè.
“Cháu từng rất mệt mỏi và buồn rầu nhưng giờ thì hết rồi. Cháu lại có thể cùng chơi với các bạn. Cháu rất vui mừng”.
Bác sĩ Chirag nhấn mạnh cách tốt nhất để tránh bị nhiễm ký sinh trùng là phải giữ vệ sinh sạch sẽ cơ thể và môi trường sống. Nếu trong nhà có vật nuôi, mọi người đừng quên cho chúng xổ giun và uống thuốc chống sán.
“Con người rất dễ bị nhiễm sán khi tiếp xúc với động vật mang trứng và ấu trùng sán. Đặc biệt khi bạn sờ vào những con vật hoang, hãy chắc rằng bạn phải rửa tay thật sạch ngay sau đó”.
(Nguồn: Dailymail, The Sun)