Lên thành phố làm 6 năm không đủ tiền mua mảnh đất ở quê: Cha mẹ ngày xưa bán đất, giờ con phấn đấu mãi cũng không đủ mua lại

Vân Anh , Theo Đời sống & Pháp luật 21:59 14/02/2025
Chia sẻ

Nhiều dân văn phòng giật mình vì giá đất ở quê đã tăng vọt.

Nhiều người hay nói về công thức tài chính phổ biến: Chưa mua được bất động sản thành phố lớn thì hãy đi mua đất vùng ven hoặc tỉnh, sau đó bán đi ăn chênh lệch rồi hiện thực hóa ước mơ mua nhà. Khi giá nhà ở thành phố lớn đi đến đâu cũng thấy thấp nhất là 3-4 tỷ đồng/căn, nhiều người nuôi giấc mơ sở hữu bất động sản bắt đầu từ mua đất nhưng rồi lại ngã ngửa, vì ngay cả đất ở quê cũng tăng giá chót vót. Họ ngậm ngùi thừa nhận: Đi làm miệt mài nhiều năm ở thành phố lớn nhưng cũng không đủ tiền mua mảnh đất ở quê.

Làm việc 6 năm ở thành phố nhưng không đủ tiền mua đất ở quê

Trịnh Duy (28 tuổi, Hà Nội) đang làm trong ngành công nghệ thông tin. Sau 6 năm ra trường, mức lương của anh chàng tăng dần từ 8 triệu/tháng lên 40 triệu/tháng. Hiện Duy có quỹ tiết kiệm 500 triệu và thu nhập được đánh giá khá cao nhưng anh chàng vẫn không dám mua nhà. Suy đi tính lại, Duy quyết định về quê mua đất để tích lũy tài sản nhưng hiện thực không như anh mong muốn.

“Mình muốn mua đất ở quê để hạn chế rủi ro. Vì khi về quê, bạn đã hiểu rõ về mảnh đất mình dự định mua sẽ như thế nào. Nếu mua đất ở vùng xa xôi, mình có thể gặp khó khăn trong việc quản lý mảnh đất. Nếu mua ở quê thì bản thân sẽ không cần quá đắn đo trong khâu giữ gìn vì đã có người thân ở cạnh”, Duy nói về tính toán của mình.

Lên thành phố làm 6 năm không đủ tiền mua mảnh đất ở quê: Cha mẹ ngày xưa bán đất, giờ con phấn đấu mãi cũng không đủ mua lại- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Thế nhưng, Duy phát hiện những mảnh đất đẹp, thuận tiện giao thông mà anh nhắm đến đã tăng giá lên 1,5-1,7 tỷ đồng, đó còn chưa tính đến những chi phí khác như đóng thuế, sang tên bất động sản. 

Chàng trai chia sẻ: “Mình cảm thấy khá buồn vì đi làm đã lâu nhưng đến một mảnh đất ở quê cũng khó mua được. Nhiều người bạn của mình đi làm ở thành phố nhiều năm, giờ về quê sinh sống thì cũng chỉ sống được trên mảnh đất mà ông bà cho. Nhiều người mà gia đình bán hết đất rồi thì còn khó mua lại nổi. Vì đất đấu giá ở quê giờ không kém gì giá đất trên thành phố. Hồi xưa, cha mẹ bán đất tưởng được giá cao, nhưng giờ mua lại thì giá đã tăng gấp 4-5 lần. Thế nên, nhiều người bạn của mình giờ muốn mua đất để xây nhà dưỡng già cũng khó”.

Một trường hợp khác, Thục Hạnh (26 tuổi, Hà Nội) cho hay cô nàng đã bắt đầu đi làm từ năm 20 tuổi. Cho đến nay, cô bạn có quỹ tiết kiệm 400 triệu, dự định mua đất ở quê để đầu tư nhưng giá thành vượt xa mức tài chính đang có.

“Bây giờ một mảnh đất thổ cư ở quê mình đã có giá hơn 1,5 tỷ đồng rồi. Nếu tính theo m2 thì rẻ hơn đất ở thành phố, tuy nhiên mảnh đất ở quê chỉ bán theo diện tích lớn, không chia nhỏ ra để bán nên nên tổng giá thành không phải là rẻ”, Thục Hạnh nói. Cô bạn tính toán, nếu mỗi tháng để dành được 10 triệu - một mức tiết kiệm khá lý tưởng, thì sau 3 năm số tiền có được cũng chỉ khoảng 360 triệu. Con số này không đủ để đặt cọc một mảnh đất đấu giá ở quê. 

Giấc mơ mua nhà và đất xa vời thì mục tiêu phấn đấu là gì?

Mua nhà ở thành phố lớn thì khó, nhưng về quê mua đất cũng chẳng dễ dàng, là tình trạng chung của nhiều người trẻ. Thục Hạnh chia sẻ, cô nàng đang tính toán sẽ góp vốn cùng người thân để mua đất đầu tư, khi đó áp lực tài chính sẽ giảm đi rất nhiều. “Bên cạnh đó, nếu áp lực mua nhà quá lớn thì mình sẽ chấp nhận ở thuê cả đời. Khi về già, mình tích lũy đủ số vốn sẽ chuyển về vùng quê sinh sống, thay vì cố gắng bám trụ ở thành phố lớn”, cô nàng cho biết.

Lên thành phố làm 6 năm không đủ tiền mua mảnh đất ở quê: Cha mẹ ngày xưa bán đất, giờ con phấn đấu mãi cũng không đủ mua lại- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Trong khi đó Trịnh Duy chia sẻ hiện mua nhà và đất chưa phải là mục tiêu của anh. “Giá bất động sản đang rất cao nên mình không muốn vào thị trường quá sớm. Hơn nữa, đây là giai đoạn mình đang cần tập trung cho sự nghiệp, thế nên mình muốn dùng số tiền tích lũy để tái đầu tư vào tài sản hoặc bản thân. 

Mua nhà và đất với mình không phải là đích đến, bắt buộc phải có thì cuộc sống mới ý nghĩa. Hiện tại mình chưa thể đạt được mục tiêu này thì mình phải có những lựa chọn khác trong cuộc sống, không bị bó hẹp trong một tư duy nào đó rằng mình phải ‘như này như kia’ mới đủ. Bản thân mình sẽ coi chúng là động lực để sống và làm việc chăm chỉ hơn. Tuy nhiên, mình sẽ không coi chúng là cái ràng buộc khi suy tính về chuyện tiền nong và ảnh hưởng đến các kế hoạch tài chính về lâu dài”, anh chàng bộc bạch.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày