Dân văn phòng trần tình những khoản chi tưởng nhỏ nhưng lãng phí hàng triệu mỗi tháng

Nguyệt , Theo Đời sống & Pháp luật 22:00 09/02/2025
Chia sẻ

Đến cuối năm tổng kết lại, nhiều dân văn phòng không khỏi giật mình khi nhìn vào số tiền mình đã tiêu vào những khoản chi lặt vặt.

Mỗi ngày một ly trà sữa, đôi ba lần "cà phê chém gió", hay vài món đồ online tưởng chừng chẳng đáng bao nhiêu... Nhưng đến cuối năm tổng kết lại, nhiều dân văn phòng không khỏi giật mình khi nhìn vào số tiền mình đã tiêu. Đến lúc đó, họ mới tìm cách tiết kiệm, cắt bớt những khoản mua sắm lãng phí, để tránh rơi vào vòng xoáy kiếm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu.

Cú sốc của dân văn phòng: Những khoản chi không hề nhỏ!

Ngọc Hà (Hà Nội) được bạn bè nhận xét là người thường xuyên "quay cuồng" với công việc. Cũng vì thế, mỗi khi đi mua sắm ở siêu thị, cô bạn thường sẽ mua đủ thực phẩm cho 2 tuần. Ngoài ra, Ngọc Hà thích mua đồ theo combo, sắm những món đồ đang giảm giá hoặc được tặng hàng đính kèm. Tưởng chừng thói quen mua sắm này sẽ tiết kiệm hơn vì mua được nhiều sản phẩm với giá hời. Song, phần lớn các món đồ này sẽ bị lãng quên theo thời gian do không có nhu cầu dùng đến. Hoặc cho đến ngày cần chúng, Ngọc Hà không thể nhớ được đã để những món đồ đó ở đâu.

"Mình đang tập luyện thói quen không mua đồ quá nhiều. Thật sự điều này khá khó vì lúc nào mình cũng có cảm giác mua nhiều đồ sẽ được chiết khấu lớn, và những sản phẩm có hàng tặng kèm cũng khiến mình thấy vui vì 'tranh' được một món hời. Mình đã từng cho rằng đây là những khoản chi khôn ngoan, nhưng trên thực tế nó lại vô cùng lãng phí. Do vậy, mình đang cố gắng kiểm soát cảm xúc và mua sắm lí trí hơn", Ngọc Hà nói.

Dân văn phòng trần tình những khoản chi tưởng nhỏ nhưng lãng phí hàng triệu mỗi tháng- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Một trường hợp khác, Thuỳ Chi (26 tuổi) lại là người "nghiện" mua sắm mỹ phẩm và đồ skincare. Thuỳ Chi cho hay, trong nửa năm gần đây vào buổi tối rảnh rỗi, thay vì xem phim và đọc sách, cô nàng lại thích theo dõi các kênh dạy makeup.

Với cô nàng, thói quen này có tính 2 mặt. Chúng vừa giúp Thuỳ Chi trở nên xinh đẹp hơn nhờ trình độ makeup tăng cao, song ở diễn biến ngược lại cũng tiêu tốn từ cô nàng bộn tiền lương. Bởi tháng nào Thuỳ Chi cũng dành ít nhất 5 triệu đồng cho tiền mua mỹ phẩm và chăm sóc da mặt. Với người làm công ăn lương như Thuỳ Chi, con số này đáng báo động.

Cô nàng cho hay: "Mình bắt đầu 'cai nghiện' mua sắm bằng cách đặt ra 1 tháng chỉ được phép tiêu bao nhiêu tiền cho mỹ phẩm và chăm sóc da. Thời gian đầu tương đối khó khăn vì mình đã quen vung tiền quá tay, tuy nhiên giờ tình hình tài chính giờ đã bắt đầu đi theo kế hoạch đề ra.

Công tâm mà nói, số tiền đầu tư cho mỹ phẩm và đồ skincare trước đó với mình là cần thiết. Tuy nhiên, mình chỉ được phép dành số tiền lớn như vậy cho mỹ phẩm khi tiền lương đã tăng cao, chứ không phải ở thời điểm lương thấp như hiện tại. Chúng khiến mình nghèo đi và lấy đi không ít cơ hội để có tiền đầu từ vào bản thân, chẳng hạn theo đuổi khoá học hoặc xây dựng quỹ tiết kiệm".

Không nghiện mua sắm như hai cô nàng trên, Tuấn Dũng (29 tuổi) lại tốn tiền đăng ký dịch vụ ở các nền tảng trả phí, từ nghe nhạc, xem phim cho đến tốn kém nhất là đọc báo nước ngoài. Mỗi tháng, anh cần trả từ 500 ngàn - 700 ngàn đồng cho khoản tiền này - một con số mà chàng trai từng cho rằng không quá lớn.

"Tuy nhiên, có một thời gian vì bận rộn công việc nên mình không vào một số nền tảng trả phí. Cho đến 2-3 tháng sau mình kiểm tra tài khoản ngân hàng thì thấy tiền tự động bị trừ và con số không phải là nhỏ. Lúc này, mình mới nhận ra bản thân đang lãng phí tiền nong như thế nào.  Đa số khoản tiền bị trừ hàng tháng rất nhỏ, nhưng tích luỹ qua thời gian lại thành con số khổng lồ và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính", Tuấn Dũng tâm sự.

Dân văn phòng trần tình những khoản chi tưởng nhỏ nhưng lãng phí hàng triệu mỗi tháng- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Làm sao để không hết sạch tiền vì những khoản chi tiêu lặt vặt?

Thực tế, có hẳn một hiệu ứng để miêu tả tình trạng chi tiêu không mấy tích cực của 3 bạn trẻ này, đó là Latte Factor (Hiệu ứng Latte). Hiệu ứng này nhằm ám chỉ những khoản chi tiêu thường xuyên, có giá trị nhỏ nhặt khác nhau sẽ gộp thành khoản chi lớn ngoài sức tưởng tượng, từ đó tác động tiêu cực đến tài chính của chúng ta.

Muốn tiết kiệm hiệu quả và không bị hiệu ứng Latte chi phối, điều quan trọng nhất là kiểm soát chi tiêu. Hãy hình thành thói quen cắt giảm những khoản mua sắm không thực sự cần thiết – từ những món đồ nhỏ như váy áo, cốc cà phê đắt tiền, thỏi son ít dùng, đến các khoản đầu tư lớn hơn như cổ phiếu, bất động sản, hay xe cộ.

Tuy nhiên, tránh hiệu ứng Latte không đồng nghĩa với việc bạn phải cắt giảm mọi chi tiêu, mà là đánh giá lại tài chính cá nhân, loại bỏ những khoản phù phiếm và chỉ giữ lại những gì thực sự mang lại giá trị lâu dài.

Thay vì chi tiền cho những nhu cầu không thiết yếu như ăn ngoài, mua sắm tùy hứng hay đăng ký hàng loạt dịch vụ trực tuyến, bạn có thể lựa chọn những giải pháp tiết kiệm hơn. Ví dụ: Tự nấu ăn thay vì gọi đồ, pha cà phê tại nhà, tắt chế độ gia hạn tự động của các ứng dụng giải trí, mua sắm thông minh với quần áo bền bỉ thay vì săn sale vô tội vạ, và tìm hiểu về đầu tư để bảo vệ tài chính cá nhân.

Theo Ramit Sethi, tác giả cuốn sách I Will Teach You To Be Rich (Tôi Sẽ Dạy Bạn Cách Làm Giàu), một kế hoạch chi tiêu có ý thức nên chia thành bốn nhóm:

- Chi phí cố định: Tiền thuê nhà, ăn uống, đi lại, khoản vay...

- Tiết kiệm: Quỹ khẩn cấp, tiền cho các kỳ nghỉ.

- Đầu tư: Cổ phiếu, vàng, bất động sản, hưu trí.

- Chi tiêu không có lỗi: Những khoản giúp bạn tận hưởng cuộc sống mà không áy náy.

Khi đặt giới hạn rõ ràng cho từng khoản, bạn sẽ có trách nhiệm hơn với tài chính cá nhân, tránh lãng phí vào những chi tiêu không đáng. Và nếu tuân thủ kế hoạch tài chính, bạn vẫn có thể tận hưởng những khoản chi tiêu cho thú vui mà không cảm thấy tội lỗi!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày