Chiều 14-2, giá vàng miếng SJC được các Công ty SJC, PNJ niêm yết mua vào 88,3 triệu đồng/lượng, bán ra 91,3 triệu đồng/lượng, duy trì ở mức cao so với buổi sáng, sau khi tăng 600.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua.
Giá vàng miếng biến động liên tục và có sự cách biệt giữa các đơn vị. Các ngân hàng ACB, Eximbank, Sacombank giao dịch vàng miếng SJC từ 90,5 triệu đồng đến 91 triệu đồng/lượng. Công ty Mi Hồng bán ra vàng miếng 89,8 triệu đồng/lượng.
Tương tự, giá vàng nhẫn và vàng trang sức 24K các loại cũng neo ở mức cao quanh 88,3 triệu đồng/lượng mua vào, 91,1 triệu đồng/lượng bán ra, ổn định so với buối sáng sau khi tăng 600.000 đồng mỗi lượng so với cuối ngày hôm qua.
Biên độ chênh lệch giá mua – bán tiếp tục duy trì mức cao nhất lên tới 3 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước neo vùng đỉnh trong bối cảnh giá thế giới tiếp tục trụ vững trên mốc 2.930 USD/ounce. Hiện, giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết khoảng 90,5 triệu đồng/lượng, chỉ thấp hơn vàng miếng SJC và vàng nhẫn chưa tới 1 triệu đồng/lượng.
Diễn biến của giá vàng ngược với đà giảm mạnh của giá USD ở các ngân hàng. Chiều nay, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.562 đồng/USD, giảm 10 đồng/USD so với hôm qua. Đây là ngày đầu tiên, tỉ giá trung tâm hạ nhiệt sau 5 ngày liên tiếp tăng mạnh.
Giá bán USD của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường liên ngân hàng cũng hạ nhiệt sau 3 ngày tăng liên tiếp, xuống 25.740 đồng/USD, giảm 10 đồng mỗi USD so với hôm qua.
Diễn biến đi xuống của tỉ giá trung tâm giúp các ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh giảm giá USD. Vietcombank giao dịch giá USD mua vào 25.220 đồng/USD, bán ra 25.580 đồng/USD, giảm tới 80 đồng/USD so với hôm qua. Trong 2 ngày, giá USD tại ngân hàng này mất gần 200 đồng.
Tương tự, Eximbank, ACB, Sacombank, BIDV cũng đồng loạt điều chỉnh giảm giá giao dịch USD xuống sau nhiều ngày tăng trước đó.
Giá USD trong nước giảm trong bối cảnh đồng USD trên thị trường quốc tế cũng đi xuống. Chỉ số đồng USD hiện được giao dịch ở mức 106,79 điểm, mất tới khoảng 1% so với phiên trước đó.
Theo giới phân tích, những ngày qua khi giá USD ngân hàng tăng nhanh, Ngân hàng Nhà nước chưa mạnh tay bán ngoại tệ dự trữ để bình ổn tỉ giá mà sử dụng công cụ điều chỉnh tỉ giá trung tâm, cho thấy đang ưu tiên theo dõi sát sao diễn biến của thị trường như biến động của đồng USD, chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương lớn…
Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian qua đã điều hành tỉ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ trong từng giai đoạn, thời điểm và sẽ có các biện pháp phù hợp để duy trì ổn định tỉ giá, tâm lý thị trường.