'Cú nổ' của xe đạp Thống Nhất: Cổ phiếu đột ngột tăng gần 180% trong 6 ngày sau thời gian dài 'bất động'

Ngọc Diệp, Theo An ninh tiền tệ 13:06 14/02/2025
Chia sẻ

Xe đạp Thống Nhất là thương hiệu Việt nổi danh những năm 80-90 của thế kỷ trước, cùng với những cái tên quen thuộc như kem đánh răng Dạ Lan, xà bông Cô Ba, cao su Sao Vàng, mì Miliket, thuốc lá Thăng Long, Vinataba...

Cổ phiếu Thống Nhất Hà Nội tăng 177,5% trong vòng 6 ngày

Phiên giao dịch ngày 13/2, cổ phiếu TNV của CTCP Thống Nhất Hà Nội đã nhanh chóng tăng trần (14,88%) lên 24.700 đồng/cp. Đây là phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp của TNV. 

Cổ phiếu TNV bắt đầu giao dịch từ ngày 8/11/2024 trên thị trường đăng ký giao dịch UPCoM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 8.900 đồng/cp. Tuy nhiên, đến ngày 6/2, cổ phiếu TNV mới có phiên giao dịch đầu tiên và ghi nhận mức tăng trần 39%. Nối tiếp sau đó là chuỗi tăng trần 5 phiên với biên độ mỗi phiên gần 15%.

Sau 6 ngày, cổ phiếu TNV đã tăng 177,5%. Tuy nhiên thực tế, khối lượng cổ phiếu giao dịch mỗi ngày chỉ 100 - 400 cổ phiếu.

'Cú nổ' của xe đạp Thống Nhất: Cổ phiếu đột ngột tăng gần 180% trong 6 ngày sau thời gian dài 'bất động'- Ảnh 1.

Cùng với việc sở hữu thương hiệu xe đạp Thống Nhất quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ qua, Thống Nhất còn đang được giao quản lý những khu "đất vàng" tại những vị trí đắc địa của Thủ đô, đã phối hợp với các đối tác thực hiện các dự án bất động sản.

Năm 2011, Thống Nhất đã liên doanh với công ty TNHH phát triển Bắc Việt, góp 30% vốn thành lập công ty TNHH Thống Nhất - Bắc Việt để thực hiện dự án xây dựng tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ trên diện tích gần 18.000m2 tại số 82 Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Dự án mang tên Thống Nhất Complex bao gồm 2 tòa tháp căn hộ cao 25 tầng nổi, 2 tầng hầm với 552 căn hộ, 48 căn liền kề. Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2016 và hoàn thiện bàn giao vào năm 2018.

Khu đất 198B Tây Sơn, nằm ở ngã tư Tây Sơn - Thái Hà được Thống Nhất thuê trả tiền hàng năm từ năm 1996, với thời hạn thuê 30 năm với diện tích 441m2. Thống Nhất đã hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Liên donh đầu tư tài chính Hòa Bình để thực hiện Dự án Khách Sạn Novotel Thái Hà gồm một khối cao 21 tầng (giai đoạn 1) và khối 9 tầng (giai đoạn 2). Dự án đã được khởi công vào năm 2009 và dự kiến hoàn thành năm 2011. Tuy nhiên, sau khi xây xong phần thô khối nhà 21 tầng, dự án bất ngờ bị dừng lại. Sau cả thập kỷ nằm đắp chiếu tại vị trí đất vàng Thủ đô, dự án khách sạn Novotel Thái Hà từ khối bê tông khổng lồ đã hoàn thiện và đi vào hoạt động từ tháng 10/2020.

Ngoài ra. trụ sở của xe đạp Thống Nhất hiện nay nằm trên khu đất vàng 800m2 tại số 10B phố Tràng Thi, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cũng không thể bỏ qua lô đất vàng 329,7m2 tại số 10 Tràng Thi của công ty được UBND TP. Hà Nội giao cho tự quản và không thu tiền sử dụng đất từ năm 1982. Năm 2015, Thống Nhất kết hợp với Công ty cổ phần Địa ốc VIHA làm chủ đầu tư thực hiện dự án Tòa nhà văn phòng, dịch vụ thương mại tại đây.

Ngoài các mảnh đất vàng này, Thống Nhất còn đang sở hữu 10.000 m2 tại lô A2CN3 cụm công nghiệp tập trung vừa và nhỏ huyện Từ Liêm làm Nhà máy sản xuất. Hợp đồng thuê đất được ký vào 22/12/2008 và có thời hạn 50 năm kể từ 15/5/2008. Công ty cũng có 454,7 m2 tại số 4 ngõ 260 Cầu Giấy, phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội. Tuy nhiên, khu đất này đang chờ quy hoạch của Hà Nội để thực hiện dự án đầu tư.

Với việc cổ phần hóa, Thống Nhất Hà Nội bắt đầu công bố báo cáo tài chính từ năm 2017 với kết quả lỗ năm đó khoảng 8,7 tỷ đồng. Kể từ năm 2018, doanh thu của công ty liên tục tăng trưởng nhưng lợi nhuận của 3 năm 2018, 2020 và 2021 vẫn lỗ trên 10 tỷ đồng. Công ty lãi lớn nhất vào năm 2022 với lợi nhuận sau thuế 13,7 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý 4/2024, TNV ghi nhận doanh thu thuần năm 2024 đạt gần 183 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 4,5 tỷ đồng, tăng 70%.

'Cú nổ' của xe đạp Thống Nhất: Cổ phiếu đột ngột tăng gần 180% trong 6 ngày sau thời gian dài 'bất động'- Ảnh 2.

Cho đến cuối năm 2024, tài sản lớn nhất của Thống Nhất chính là 117 tỷ đồng góp vốn vào Công ty TNHH Thống Nhất - Bắc Việt (chiếm gần 40% tổng tài sản).

Từ chiếc "siêu xe" xa xỉ đến sự biến mất khỏi thị trường

Được biết, Thống Nhất Hà Nội là doanh nghiệp sản xuất xe đạp Thống Nhất - thương hiệu Việt nổi danh những năm 80-90 của thế kỷ trước, cùng với những cái tên quen thuộc như kem đánh răng Dạ Lan, xà bông Cô Ba, cao su Sao Vàng, mì Miliket, thuốc lá Thăng Long, Vinataba….

Công ty Thống Nhất Hà Nội, thành lập vào ngày 30/6/1960. Xe đạp Thống Nhất ra đời từ trong chiến tranh chống Mỹ nên nó đi vào cả chiến trường với biệt danh "con ngựa sắt", vượt mưa bom bão đạn đem gạo, muối, thuốc men… ra tiền tuyến.

Năm 1965, nhà nước ra quyết định phân phối xe đạp giá cung cấp. Cán bộ, công nhân viên chức nhà nước được mua một chiếc 1 lần duy nhất. Ai được phân phối sẽ có kèm theo một sổ mua phụ tùng. Tuy nhiên, số lượng sản xuất xe đạp Thống Nhất rất hạn chế, nên người được phân phối xe chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, xe đạp Thống Nhất càng trở nên quý hiếm, xa xỉ. Một chiếc xe đạp Thống nhất có giá lên tới nửa cây vàng lúc bấy giờ.

Từng chiếm lĩnh thị trường mạnh mẽ như vậy, song khi Việt Nam mở cửa, Thống Nhất cũng như những thương hiệu vang tiếng một thời đều vấp phải sự cạnh tranh của hàng ngoại, dần đánh mất thị phần, thậm chí là biến mất khỏi thị trường.

Trong một bài phỏng vấn với The Leader, ông Đinh Vũ Minh Việt, Tổng giám đốc Công ty CP Thống Nhất Hà Nội chia sẻ kênh phân phối của Thống Nhất khi đó cực kỳ nghèo nàn, gần như đã đứt gãy hoàn toàn. Cả nước chỉ có khoảng 33 điểm bán hàng phủ trên khoảng 11 tỉnh, thành phố.

Trong 11 tỉnh đó, thị trường trọng điểm nhất của Thống Nhất lúc bấy giờ là Hà Nội và Thanh Hóa. Tuy nhiên, khi đi khảo sát cửa hàng, chỉ có đúng một mẫu xe nữ rất cũ, từ rất lâu. Ở các tỉnh thành khác hầu như không có sự hiện diện của Thống Nhất. Tại một chợ xe đạp truyền thống nổi tiếng ở Bà Triệu, khi công ty khảo sát, không có một chiếc xe đạp Thống Nhất nào.

Hợp đồng 1.700 xe đạp cho công an Hà Nội và cuộc tái cấu trúc

Theo ông Việt, bước ngoặt đối với sự phát triển của Thống Nhất đó chính công ty chính thức cổ phần hoá vào ngày 27/02/2017. Sau cổ phần hoá, công ty đã có một định hướng chiến lược mới từ quản trị, nhân sự, dây chuyển sản xuất đến sản phẩm.

Một trong những đơn hàng lớn đầu tiên công ty nhận được tại thời điểm cổ phần hóa là hợp đồng cung cấp 1.700 xe đạp cho công an TP. Hà Nội.

Tổng giám đốc Thống Nhất Hà Nội chia sẻ, sau khoảng 7 tháng đầu tiên sau cổ phần hoá, công ty đã đạt doanh thu cao gấp đôi so với năm trước đó. Từ 33 điểm bán, công ty đã có hơn 100 điểm bán trên phạm vi cả nước. Đến thời điểm hiện tại, trên cả nước đã có khoảng 1.000 điểm bán hàng có mặt sản phẩm của Thống Nhất.

Ông Việt cho biết, Thống Nhất đã xác lập lại một mức giá phù hợp cho sản phẩm của mình, điều chỉnh chính sách bán hàng mới để phủ rộng thị trường và thay đổi mạnh mẽ sản phẩm để đáp ứng được thị hiếu của khách hàng hiện đại.

Cùng với đó, Thống Nhất đã thực hiện mạnh mẽ việc tái cấu trúc, từ nhân sự, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm đến khâu bán hàng và hậu mãi dành cho khách hàng... 

'Cú nổ' của xe đạp Thống Nhất: Cổ phiếu đột ngột tăng gần 180% trong 6 ngày sau thời gian dài 'bất động'- Ảnh 3.

Đặc biệt là thay đổi trong thiết kế, tất cả những mẫu xe cũ được thay thế bằng những sản phẩm mới, đi theo hướng hiện đại, với thiết kế mới màu sắc, trẻ trung hơn. Xe đạp Thống Nhất những năm gần đây đã có sự thay đổi lớn trong thiết kế, quan tâm nhiều hơn tới tâm lý, sở thích của các phân khúc khách hàng trẻ em, phụ nữ, thanh niên,... 

 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày