Năm 2022, bà Cao, ở Thẩm Dương, Liêu Ninh, Trung Quốc, mang tiền đến một ngân hàng lớn trên địa bàn gửi tiết kiệm để hưởng chút tiền lãi khi về hưu. Khi biết tin bà Cao gửi tiết kiệm 3 triệu NDT (hơn 10,4 tỷ đồng), Phó giám đốc ngân hàng họ Giang liền dẫn người phụ nữ này đến phòng VIP. Tại đây, vị sếp này cho biết ngân hàng đang tung ra một vài sản phẩm tài chính với lãi suất cao. Nếu bà Cao tham gia sẽ được hưởng khoản lãi vô cùng lớn, lên tới 5,6%/năm, cao gấp đôi lãi suất tiền gửi thông thường là 2,1%/năm. Đây là giai đoạn các ngân hàng Trung Quốc liên tục hạ lãi suất vì tăng trưởng kinh tế giảm tốc.
Bà Cao nghe vậy thì rất vui mừng, nghĩ bụng với “khoản đầu tư” này, vợ chồng bà sẽ không phải lo nghĩ về tiền dưỡng già nữa. Với sự giúp đỡ của Phó giám đốc Giang, bà Cao đã hoàn tất thủ tục gửi tiền thông qua app ngân hàng.
Một năm sau, bà Cao đến ngân hàng để rút toàn bộ tiền gửi và tiền lãi. Sau khi kiểm tra tài khoản của người phụ nữ này, nhân viên ngân hàng cho biết gói tiền gửi mà bà Cao lựa chọn là chứng chỉ quỹ. Với lãi suất 0,538%, sau 1 năm, số tiền lãi mà bà nhận được là 16.000 NDT (hơn 55 triệu đồng).
Nghe đến đây, bà Cao vô cùng sửng sốt, vội hỏi lại: “1 năm trước, lãnh đạo ngân hàng đã nói với tôi rằng lãi suất tiền gửi ở đây là 5,6%/năm, tương ứng với 174.000 NDT (hơn 606 triệu đồng) tiền lãi. Sao bây giờ lại giảm xuống còn 0,538%, thấp hơn cả lãi suất tiền gửi tiết kiệm của một ngân hàng nhỏ như thế?”
Trước câu hỏi của bà Cao, nhân viên ngân hàng trở nên lúng túng: “Thưa bà, ngân hàng chúng tôi chưa từng đưa ra mức lãi suất 5,6% đó. Chắc có gì nhầm lẫn ở đây”.
Để làm rõ vấn đề, bà Cao đã đến gặp Phó chủ tịch Giang để yêu cầu giải thích. Người phụ nữ này cũng yêu cầu vị lãnh đạo này phải trả số tiền chênh lệch giữa số tiền mà bà được nhận với số tiền lãi mà ông đã hứa một năm trước. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Giang đã thẳng thừng từ chối yêu cầu của người phụ nữ này. Đường cùng, bà Cao đã kiện ngân hàng ra tòa để đòi lại quyền lợi cho mình.
Sau khi xem xét vụ việc, tòa án cho rằng yêu cầu của bà Cao về việc ngân hàng phải bồi thường thiệt hại do không đạt được lợi nhuận như mong đợi là không có căn cứ thực tế và pháp lý. Theo đó, bà Cao không có đủ chứng cứ chứng minh phía ngân hàng từng cam kết mức lãi suất tiền gửi là 5,6% khi mua chứng chỉ quỹ. Hơn nữa qua điều tra, tòa án biết được trước khi gửi 3 triệu NDT vào ngân hàng, cụ bà này còn từng mua nhiều sản phẩm tài chính trước đây, bao gồm cả quỹ tín thác. Tòa án cho rằng là một người có kinh nghiệm đầu tư nhất định, bà Cao nên hiểu rằng khi đầu tư chứng chỉ quỹ thì sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Ảnh minh họa: 163.com
Bà Cao không hài lòng với phán quyết của tòa án địa phương nên đã làm đơn kháng cáo. Trong vụ việc này, bà Cao tin rằng ngân hàng đã không thực hiện tốt nghĩa vụ của mình là tư vấn cụ thể thông tin về các sản phẩm tài chính cho khách hàng. Bà Cao cho biết khi gửi tiền vào ngân hàng, bà không hề được Phó giám đốc Giang cho biết tiền của bà sẽ được dùng để mua chứng chỉ quỹ. Ngoài ra, cụ bà này cũng trình lên tòa thông tin trò chuyện trên WeChat giữa bà và Phó giám đốc Giang vào thời điểm đó để chứng minh rằng vị lãnh đạo này đã giúp bà mua chứng chỉ quỹ.
“Nội dung trong đó nêu rõ việc Phó giám đốc Giang có nói là đã giúp tôi mua sản phẩm tài chính, đảm bảo cả tiền gốc lẫn lãi cho tôi”, bà Cao cho biết.
Sau khi xem xét các bằng chứng mà người phụ nữ này đưa ra, tòa án cấp cao cho rằng bằng chứng cứ do bà Cao cung cấp không đủ để chứng minh việc Phó giám đốc Giang và các nhân viên khác của ngân hàng đã hứa trả mức lãi 5,6%/năm cho bà và họ phải chịu trách nghiệm nếu không đạt được mức lợi nhuận đó. Cuối cùng, đơn kháng cáo của bà Cao đã bị bác bỏ và phán quyết ban đầu vẫn được giữ nguyên.
Qua vụ việc trên, tòa án Trung Quốc cũng khuyên người dân nếu muốn gửi tiền ở các đơn vị tài chính cần phải tìm hiểu kỹ và trang bị cho bản thân những thông tin, kiến thức cần thiết. Đồng thời, cần cảnh giác khi được nhân viên trao đổi riêng, chào mời lãi suất cao, giao dịch tại nhà hoặc giao dịch tại phòng riêng để tránh bị lợi dụng như trường hợp trên.
Hiện nay, chứng chỉ quỹ và gửi tiền tiết kiệm ngân hàng là 2 hình thức được các nhà đầu tư thuộc trường phái an toàn ưa chuộng. Nếu gửi tiết kiệm thì đúng kỳ hạn, người gửi sẽ nhận lại lãi suất như cam kết từ ngân hàng. Trong khi đó, lãi suất của chứng chỉ quỹ lại thay đổi theo thời gian và bị tác động trực tiếp từ biến động của thị trường tài chính. Một khi đã xác định đầu tư, khách hàng cần xác định tâm thế cùng nhau hưởng lợi và cùng nhau gồng lỗ.
Do đó, khách hàng cần xem xét các yếu tố khác để đánh giá rủi ro trước khi đưa ra quyết định. Không ít trường hợp nhiều người vì bị mê hoặc bởi những lời hứa về lãi suất cao mà phải gánh chịu rủi ro. Qua việc hiểu đúng về lãi suất, họ có thể tránh những sai lầm đáng tiếc và tối ưu hóa tiềm năng lợi nhuận từ đầu tư vào chứng chỉ quỹ.
Theo 163.com