Pháo hoa được sử dụng ở Lễ khai mạc Olympic mùa đông 2022 tại Bắc Kinh.
ASIAD 19 , với 40 môn thể thao, 61 nội dung thi đấu, sẽ khai mạc vào ngày 23/9 tới tại Trung tâm thể thao Olympic Hàng Châu, Trung Quốc. Điều đáng ngạc nhiên là pháo hoa sẽ không được sử dụng trong buổi lễ, mặc dù đây là điều không thể thiếu trong văn hóa Trung Hoa ở các dịp lễ hội, cưới hỏi, khai trương, khánh thành...
Sha Xiaolan, Tổng giám đốc Lễ khai mạc Á vận hội 2023, cho biết: "Lễ khai mạc sẽ phá vỡ truyền thống bắn pháo hoa. Thay vào đó, một số công nghệ mới sẽ được sử dụng để neeu bật chủ đề 'con người, vẻ đẹp và cảm xúc'. Tôi tin chương trình sẽ chạm đến trái tim khán giả. Họ sẽ được thưởng thức những hiệu ứng hình ảnh tuyệt vời, cảm nhận bầu không khí đầy xúc động của Lễ khai mạc".
Về lý do không bắn pháo hoa, ông Sha tiết lộ "ASIAD 19 tuân thủ triết lý xanh, truyền bá ý thức bảo vệ môi trường", và "bỏ trình diễn pháo hoa giúp chúng tôi giảm lượng khí thải carbon nhiều nhất có thể".
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB), Trung Quốc thải ra 27% lượng khí carbon dioxide toàn cầu và 1/3 lượng khí nhà kính trên thế giới. Báo cáo cho biết: "Để đạt mức phát thải ròng xuống bằng 0 vào năm 2060, ước tính Trung Quốc cần 14-17 nghìn tỷ USD đầu tư cho cơ sở hạ tầng xanh cũng như công nghệ riêng trong lĩnh vực điện và giao thông".
Pháo hoa là một trong những niềm tự hào của Trung Quốc, khi các đạo sỹ luyện đan (nhà giả kim) vô tình tạo ra thuốc nổ từ diêm tiêu và lưu huỳnh. Thành phố Lưu Dương, Hồ Nam được coi là quê hương của pháo hoa khi một người tên Li Tian phát minh ra pháo hoa thô sơ, nhồi thuốc nổ vào ống tre. Là niềm tự hào của Trung Quốc, các sự kiện thể thao lớn mà đất nước tỷ dân từng đăng cai như Olympic 2008 hay Olympic mùa đông 2022 đều không thể thiếu màn pháo hoa rực rỡ.