Lần đầu tiên tại Việt Nam: Một bệnh viện ứng dụng công nghệ phá vôi lòng mạch bằng sóng xung siêu âm

G.H , Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 20:19 23/07/2025
Chia sẻ

Một bệnh viện vừa thực hiện thành công 2 ca can thiệp mạch vành đầu tiên tại Việt Nam với công nghệ phá vôi lòng mạch bằng sóng xung siêu âm (Intravascular Lithotripsy - IVL).

Ngày 23/7, Bệnh viện FV cho biết đã triển khai thành công 2 ca can thiệp mạch vành đầu tiên tại Việt Nam bằng công nghệ phá vôi lòng mạch bằng sóng xung siêu âm (IVL). Đây là kỹ thuật tiên tiến, tạo bước đột phá trong điều trị các tổn thương vôi hóa nặng ở lòng mạch mà các phương pháp truyền thống không xử lý được.

Cả hai bệnh nhân đều mắc bệnh mạch vành với mức độ vôi hóa nặng – một dạng tổn thương khó xử lý do mảng vôi khiến lòng mạch không thể nong rộng, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả đặt stent.

Lần đầu tiên tại Việt Nam: Một bệnh viện ứng dụng công nghệ phá vôi lòng mạch bằng sóng xung siêu âm- Ảnh 1.

TS.BS Hồ Minh Tuấn (giữa) cùng ekip thực hiện kỹ thuật phá vôi lòng mạch bằng IVL. Ảnh: BV

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân nữ, 67 tuổi, từng đặt stent mạch vành vài năm trước tại một bệnh viện ở TP.HCM. Tuy nhiên, vùng mạch có vôi hóa nặng khiến stent không thể mở hoàn toàn, dẫn đến tình trạng hẹp tái phát. Dù đã được can thiệp nhiều lần bằng bóng nong và thiết bị RotaPro (đầu khoan kim cương), kết quả vẫn không khả quan.

Theo TS.BS Hồ Minh Tuấn – Trưởng khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp, các bác sĩ đã quyết định sử dụng bóng IVL – thiết bị phát sóng xung siêu âm nhằm phá hủy mảng vôi hóa. Sau 6 chu kỳ sóng, tổn thương đã được xử lý triệt để, stent nở tối đa, dòng máu lưu thông tốt. Bệnh nhân nhanh chóng hết tức ngực và khó thở sau can thiệp. Hình ảnh kiểm tra cho thấy lưu lượng máu về tim đã phục hồi hoàn toàn.

Lần đầu tiên tại Việt Nam: Một bệnh viện ứng dụng công nghệ phá vôi lòng mạch bằng sóng xung siêu âm- Ảnh 2.

Trường hợp thứ hai phức tạp hơn là một bệnh nhân nữ 89 tuổi bị hẹp nặng thân chung mạch vành trái – vùng nuôi sống đến 70% cơ tim. Mảng vôi hóa dày đặc khiến nguy cơ tử vong rất cao nếu không được can thiệp kịp thời. Sau khi loại bỏ lớp vôi nông bằng RotaPro, các bác sĩ đã tiếp tục dùng IVL để xử lý lớp canxi sâu bên trong. Kết quả hình ảnh sau thủ thuật cho thấy lòng mạch được khai thông hoàn toàn, stent được đặt đúng vị trí, và tình trạng bệnh nhân cải thiện rõ rệt.

Theo TS.BS Hồ Minh Tuấn, với tốc độ già hóa dân số và tỷ lệ mắc bệnh mạch vành ngày càng tăng tại Việt Nam, số lượng ca có tổn thương vôi hóa nặng sẽ không ngừng gia tăng. Do đó, công nghệ IVL sẽ trở thành một trong những giải pháp tối ưu, thay thế cho phẫu thuật mổ hở hoặc giảm thiểu nguy cơ tái hẹp sau can thiệp.

So với các phương pháp truyền thống như bóng nong hay RotaPro, IVL nổi bật ở khả năng xử lý các mảng vôi “cứng đầu” mà vẫn bảo vệ được mô lành xung quanh, hạn chế tối đa các biến chứng trong và sau thủ thuật.

“Một trong những điểm mạnh của IVL là khả năng làm nứt các mảng vôi hóa ngay cả ở những vùng hẹp sâu – điều mà trước đây luôn là nỗi lo của các bác sĩ can thiệp. Sóng siêu âm từ bóng IVL tác động chính xác lên cấu trúc vôi, mở rộng lòng mạch, giúp stent có thể bung ra tối ưu. Nhờ vậy, không chỉ giúp cải thiện nhanh các triệu chứng như tức ngực, khó thở mà còn mang lại lợi ích lâu dài cho chất lượng sống của người bệnh”, bác sĩ Hồ Minh Tuấn cho biết.

Công nghệ phá vôi bằng sóng siêu âm IVL hiện được tích hợp trong quy trình can thiệp mạch vành hiện đại, với sự hỗ trợ của các công cụ định hướng và chẩn đoán tiên tiến như IVUS (siêu âm trong lòng mạch) và OCT (chụp cắt lớp quang học). Những hình ảnh nội mạch chi tiết giúp bác sĩ đưa ra quyết định điều trị chính xác, phù hợp với từng loại tổn thương.

Ngoài ra, lựa chọn giữa IVL và RotaPro cũng sẽ được cá thể hóa tùy vào tình trạng mạch máu của mỗi bệnh nhân. Những tổn thương có lòng mạch còn rộng và mảng vôi ăn sâu sẽ phù hợp với IVL, trong khi RotaPro sẽ hiệu quả hơn đối với các trường hợp vôi hóa nông nhưng lòng mạch hẹp nghiêm trọng. Sự kết hợp linh hoạt giữa hai công nghệ hàng đầu hiện nay giúp quá trình can thiệp đạt được độ chính xác và an toàn tối ưu cho từng ca bệnh.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày