Gây chú ý nhờ kịch bản đi sâu vào đời tư ít ai biết đến của các vĩ nhân, biểu tượng văn hóa đại chúng, nhân vật nhiều tai tiếng… phim tiểu sử luôn đứng ở những ranh giới ngặt nghèo giữa sự thực và hư cấu hay hiểu biết chung với sáng tạo cá nhân…
Trong một bài viết đăng tải trên Entertainment Weekly, nhà báo Nina Terrero từng viết: "Công thức chuẩn cho một bộ phim tiểu sử âm nhạc nên bắt đầu bằng một nhạc sĩ được quảng đại quần chúng yêu mến. Kế đó, ta thêm vào phim một loạt bản hit bắt tai, hợp thị hiếu của họ. Trộn chung âm nhạc với liều lượng vừa đủ những mâu thuẫn hậu trường. Cuối cùng, gây sốc bằng một cái kết mà nhân vật hát khúc khải hoàn hoặc chết".
Công thức này đúng với hai tác phẩm tiểu sử vừa ra rạp và gặt hái thành công thương mại thời gian qua là Em và Trịnh (cùng bản phim phái sinh đã bị gỡ khỏi rạp Trịnh Công Sơn) cùng Elvis. Từ công thức này, trong những thập niên qua, thế giới đã đón nhận hàng trăm - cũng có thể là hàng nghìn hoặc nhiều hơn - bộ phim tiểu sử với tham vọng dùng ngôn ngữ điện ảnh để "truyền thần" một con người từng tồn tại bằng xương bằng thịt.
Phim tiểu sử là kiểu tác phẩm giàu thử thách với nhà làm phim và diễn viên, nhưng nếu làm tốt, sẽ là lối tắt dẫn họ đến với sự tung hô của giới phê bình.
Không dễ để một tác phẩm điện ảnh giành được sự yêu mến của cả khán giả đại chúng lẫn giới phê bình. Thử thách đặt ra với phim tiểu sử còn cao hơn, bởi ngoài hai ngọn núi mang tên khán giả đại chúng và giới phê bình, nhà làm phim phải vượt qua "con rồng lửa" ngự trên đỉnh ngọn núi thứ ba: nguyên mẫu nhân vật. Nguyên mẫu ấy có thể còn hiện diện trên trần thế, có thể ẩn mình sau những người được trao quyền thừa kế; và đông đảo hơn cả, là cộng đồng người hâm mộ.
Tiểu sử không phải một thể loại tồn tại ngang hàng với kinh dị, giật gân, tâm lý, chính kịch hay tội phạm, hài kịch… Nó giống một đề tài bao quát nhiều thể loại, là chất liệu để nhà làm phim đầu tư sáng tạo. Trong một giới hạn nào đó, phim tiểu sử có thể coi như tập hợp con của những tác phẩm "dựa trên sự kiện có thật".
Trang Studio Binder đưa định nghĩa về phim tiểu sử: "Phim tiểu sử là loại tác phẩm kịch hóa cuộc đời phi hư cấu của các cá nhân có thật. Nó có thể kể lại toàn bộ cuộc đời hay chỉ khoảnh khắc đặc biệt quan trọng trong đời họ. Đối tượng của phim tiểu sử là bất cứ ai - từ vĩ nhân tới ngôi sao giải trí dù còn sống hay đã lìa đời". Phim tiểu sử dùng các diễn viên đóng vai nguyên mẫu có thật thay vì để chính họ cất lời.
Các sự kiện được kể lại trong phim tiểu sử, về mặt lý thuyết, đã xảy ra trong đời thực. Nhưng chúng không tránh khỏi việc bị nhào nặn, hư cấu dưới góc nhìn của nghệ thuật điện ảnh phục vụ mục đích tạo kịch tính, tô đậm một quan điểm hay thông điệp mà nhà làm phim muốn truyền tải. Khán giả đã theo dõi Em và Trịnh hay Trịnh Công Sơn hẳn còn nhớ dòng thông báo miễn trừ trách nhiệm có nội dung tương tự hiện ra trước khi phim bắt đầu.
Phim tài liệu và phim tiểu sử lần lượt kể về những sự kiện, con người có thật dưới góc nhìn phi hư cấu và hư cấu. Lấy ví dụ, trong một phim tài liệu về Trịnh Công Sơn, khán giả sẽ được xem video tư liệu vị nhạc sĩ ngồi đàm đạo với Trần Tiến, nhà thơ Nguyễn Duy trong khu vườn ở sân sau Idecaf, nhưng sẽ không bao giờ thấy một "Trịnh Công Sơn" Trần Lực khiêu vũ cùng "em" dưới ánh hoàng hôn phủ xuống một con dốc Đà Lạt.
Dòng phim tiểu sử đòi hỏi người nghệ sĩ hư cấu lịch sử vì mục tiêu nghệ thuật. Nhưng sáng tạo ấy tựa màn biểu diễn người đi trên dây. Nếu ngả quá sâu về hướng liệt kê chính xác các mốc thời gian sự kiện, phim sẽ thất bại trong việc thuyết phục khán giả bỏ tiền mua vé xem phim. Vì "Chỉ có thế thì ở nhà Google cho nhanh, mà nó còn miễn phí".
Ngược lại, nếu chỉ chăm chăm kiến giải mọi thứ theo cảm quan cá nhân, nhà làm phim dễ sa vào lối tự cho mình quá nhiều quyền hạn, cốt làm sao cho sướng mình là được mà thiếu đi sự cầu thị và cả những đồng cảm, tôn trọng dành cho nhân vật. Họ sẽ cho ra đời một thành phẩm đẹp mắt, chỉ "lòe" được khán giả đại chúng nhưng khó nhận được cái gật đầu của người trong cuộc.
Em và Trịnh thất bại trong việc tạo ra những bức chân dung điện ảnh được cả khán giả lẫn người trong cuộc đồng tình
Danh ca Khánh Ly từng bức xúc chia sẻ đoàn phim Em và Trịnh không tiếp thu ý kiến của mình. Bà đặt câu hỏi: "Các con tôi sẽ nghĩ gì khi xem phim thấy cảnh mẹ chủ động đi tìm ông Trịnh Công Sơn?". Sau Khánh Ly, nữ ca sĩ Thanh Thúy - nàng thơ của ca khúc Ướt mi - cũng lên tiếng về việc đoàn phim xuyên tạc hình ảnh mình. Bà chia sẻ "Đó là một cô gái sành sỏi nào đó chứ không phải ca sĩ Thanh Thuý".
Trong phim, Khánh Ly do Bùi Lan Hương như được nặn ra từ ảo mộng tình yêu của cánh mày râu: nàng đẹp, sành sỏi kiểu đàn bà nhưng vẫn giữ trọn nét ngây thơ của một cô gái còn nhiều bỡ ngỡ trước cuộc đời. Ngược lại, Thanh Thúy của Phạm Nhật Linh có nét mơ màng, sắc lạnh nhưng cũng đa tình - tựa một Trương Mạn Ngọc từ Tâm Trạng Khi Yêu vừa cất bước qua.
Phan Gia Nhật Linh, Bình Bồng Bột và ê-kíp đã xoay sở để cho ra đời một bộ phim ca vũ nhạc đúng thị hiếu. Nhưng đồng thời họ cũng tự để lộ bản thân là những nhà bảo tồn văn hóa non tay, thừa nhiệt huyết nhưng thiếu đi một tầm nhìn. Em và Trịnh thất bại trong sứ mệnh phục dựng những bức chân dung lịch sử và tiến quá sâu vào địa hạt hư cấu. Sự chân thực của phim nằm ở đâu khi chính nguyên mẫu còn không nhận ra mình qua bàn tay tô vẽ của nhà làm phim?
Hồi 2021, bà Patrizia Reggiani từng lên báo phàn nàn về cách Lady Gaga hóa thân thành mình trong House of Gucci, phiền muộn vì nữ diễn viên/ca sĩ không dành thời gian tới trò chuyện, tìm hiểu về nguyên mẫu. Con cháu nhà cổ sinh vật học Mary Anning từng chỉ trích bộ phim Ammonite (2020) đã bóp méo hình ảnh tổ tiên mình. Năm 2002, đoàn phim A Perfect Storm (2000) từng bị góa phụ Jodi Tyne - vợ của nguyên mẫu nam chính trong phim - khởi kiện vì xây dựng nhân vật chồng mình không giống thật.
Chia sẻ về trải nghiệm với dòng tác phẩm tiểu sử, nhà làm phim Norman C. Berns viết trên Quora: "Tôi đã làm phim tiểu sử ba lần. Lần nào cũng như chết đi sống lại. Vấn đề không phải lúc nào cũng nằm ở khâu gọi vốn hay việc thu thập dữ liệu, phỏng vấn nhân vật và viết lách phải xong xuôi phim mới bấm máy được. Nó phụ thuộc nhiều vào sự tin tưởng và quan hệ với nguyên mẫu nhân vật".
Sau khi có được đáp án cho câu hỏi phim kể về ai và kể những gì, nhà làm phim đối mặt khó khăn tiếp theo: Kể như thế nào. Họ cần có sự cho phép của nhân vật hoặc người sở hữu di sản để đưa câu chuyện và cũng như tư liệu lúc sinh thời của nguyên mẫu lên màn ảnh. Với các tác phẩm tiểu sử âm nhạc, vấn đề phức tạp và tốn nhiều thời gian hơn khi nhà làm phim phải xin được bản quyền sử dụng các ca khúc. Quá trình này có thể tiêu tốn hàng năm trời, đôi khi kết thúc bằng việc nguyên mẫu can thiệp quá sâu, làm thay đổi tầm nhìn của cả bộ phim.
Năm 2018, Bohemian Rhapsody, bộ phim tiểu sử về giọng ca Freddie Mercury của nhóm nhạc Queen được tung ra rạp. Tác phẩm thành công vang dội về thương mại song song chiến thắng bốn tượng vàng Oscar một năm sau đó. Tuy nhiên, các nhà phê bình không đánh giá cao Bohemian Rhapsody trên khía cạnh phim tiểu sử do phim sai lệch quá nhiều với những gì từng xảy ra.
Theo Slash Film, quá trình sản xuất Bohemian Rhapsody chịu sự can thiệp quá sâu từ Brian May và Roger Taylor - những người chịu trách nhiệm với di sản của Queen, đồng thời là nhà sản xuất phim. Kịch bản biến căn bệnh AIDS mà Freddie Mercury mà mắc phải thành động lực cho buổi hòa nhạc Live Aid tổ chức năm 1985 (mục tiêu của buổi hòa nhạc là quyên tiền cứu trợ cho nạn nhân của nạn đói ở châu Phi). Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người đồng tính mà Mercury hứng chịu cũng được "bọc đường" để vừa vặn với giới hạn độ tuổi PG-13.
Vai phản diện của Tom Hanks trong Elvis bị giới phê bình chê cười
Câu chuyện tương tự cũng xảy đến với tác phẩm Rocketman ra mắt một năm sau đó. Chia sẻ về đứa con tinh thần, đạo diễn Dexter Fletcher chia sẻ: "Điều tôi quan tâm khi thực hiện bộ phim này là nắm bắt những khoảnh khắc đầy tính điện ảnh và nhạc điệu. Tầm nhìn nghệ thuật của tôi cần được cấp phép, đó là điều Elton nói tôi phải đạt được. Anh ấy là con người dồi dào sáng tạo, đầy chất nghệ và đó là cách chúng tôi tiếp cận dự án này".
Trong bài viết Rocketman: Fact-Checking the Elton John Biopic (Rocketman: Phim tiểu sử Elton John có bao phần sự thật?), tờ The Rolling Stone mô tả tác phẩm là "phim ca vũ nhạc hư cấu, kể từ góc nhìn của Elton - bệnh nhân trong một trại cai nghiện hồi đầu thập niên 1990 - về quãng đời thác loạn, kiệt quệ vì chất cấm của mình". Cũng trong bài báo, cây bút Andy Greene đã liệt kê ít nhất 12 tình tiết trong phim không đúng với sự thật. Đầu năm 2020, Rocketman nhận một tượng vàng Oscar cho âm nhạc xuất sắc.
Trên thực tế, việc những bộ phim tiểu sử với tính xác tín ở mức tương đối, đôi khi chỉ dựa trên giai thoại, xuất hiện không phải hiếm. Một số còn được đánh giá cao bởi các giải thưởng điện ảnh danh giá - tiêu biểu là Bohemian Rhapsody, Rocketman hay Amadeus (1984). Lúc này, giá trị bộ phim, với tư cách là tác phẩm Nghệ thuật thứ bảy, đã chiến thắng vai trò và sứ mệnh "tiểu sử" của nó.
Trước khi "fact-check" lịch sử, khán giả đã bị hút hồn bởi nhân vật người nghệ sĩ đa chiều, với niềm đam mê âm nhạc song hành với định mệnh cô độc và những bi kịch không thể sẻ chia qua màn hóa thân của các ngôi sao. Toàn cảnh phần trình diễn tại Live Aid của Queen được đưa vào cuối Bohemian Rhapsody cùng màn hóa thân của Rami Malek đã làm nức lòng khán giả. Màn hóa thân của Taron Egerton cùng âm nhạc của Elton John cũng làm nên điều tương tự với Rocketman. Amadeus, với nhân vật chính là nhà soạn nhạc Mozart, được giới chuyên môn nhận xét là "Một bộ phim xa hoa, đầy tính giải trí, một tuyên ngôn mạnh mẽ về cuộc đời và ảnh hưởng - cả tích cực lẫn tiêu cực - của một trong những nghệ sĩ vĩ đại của nền văn hóa phương Tây".
Một đạo diễn phim tiểu sử cần phải đảm bảo những gì được thể hiện trên phim sát với sự thật nhất, đồng thời không khiến bất cứ ai mất lòng. Đây là một thử thách khó khăn, bởi mọi câu chuyện có thật đều tồn tại ít nhất hai góc nhìn. Trọng trách của nhà làm phim là chọn lựa chính xác một góc nhìn gần với "sự thật" nhất cho tác phẩm của mình.
Trong trường hợp của Elvis, đạo diễn Baz Luhrmann đã thành công tái hiện cuộc đời nhiều thăng trầm của ông hoàng Elvis Presley. Khán giả được thấy chân dung Presley không ngừng thay đổi - từ một anh chàng điển trai với ánh mắt mơ màng phảng phất nỗi buồn chuyên đi hát lót ở hội chợ tới ngôi sao âm nhạc bị giới cầm quyền buộc phải lặng im khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp tới hình ảnh ngôi sao hết thời tìm được cú đà mới để "tiến vào sự vĩnh hằng".
Xem phim, khán giả tìm được câu trả lời cho câu hỏi điều gì làm nên Elvis Presley cũng như thứ đã đẩy ông vào bi kịch. Tuy nhiên, phim lại được kể qua góc nhìn người quản lý của Presley, Đại tá Tom Parker (Tom Hanks). Parker là kẻ đã thao túng, lợi dụng, lừa đảo, bòn rút tiền bạc của danh ca từ thuở mới chập chững lên sân khấu cho tới ngày cuối đời. Qua miệng Parker, sự bóc lột được dát vàng thành quan hệ hợp tác bền vững, khiến khán giả không khỏi hoài nghi về tính xác thực của toàn bộ câu chuyện.
Một chuyến hành trình có còn giá trị không nghi người nắm tay dắt ta đi là một tên lừa đảo? Tuy nhiên, phải thừa nhận việc chọn Tom Parker, một kẻ dối trá, một con buôn sành sỏi làm người dẫn chuyện dù không giúp khán giả nhìn sâu vào bản chất người nghệ sĩ Presley, nhưng tô đậm giá trị của ông với tư cách một biểu tượng văn hóa đại chúng.
Thủ vai huyền thoại Elvis Presley trong Elvis là Austin Butler. Màn hóa thân của ngôi sao trẻ tưởng thành từ Disney Channel nhận được sự tung hô nhiệt liệt của giới phê bình. Màn hóa thân của anh giống như điểm nhãn khai quang, mang đến linh hồn cho sự dàn dựng khoa trương, hoa mỹ mà Baz Luhrmann dày công chuẩn bị. Anh biến bộ phim thành một thế giới sống động, đầy cảm xúc mãnh liệt. Ở Austin Butler, khán giả tìm thấy sức sống tiềm tàng, sự mong manh, trong sáng xen lẫn vẻ gợi tình của Elvis Presley. Sẽ không bất ngờ nếu mùa giải thưởng điện ảnh 2023 vinh danh Austin Butler và màn hóa thân của anh nhiều hơn một lần.
Tại phòng vé, phim tiểu sử chấp nhận lép vế trước những bom tấn hành động, siêu anh hùng. Nhưng không thể phủ nhận nó chính là chiếc chìa khóa vàng giúp các tài tử, minh tinh mở cánh cửa bước vào thế giới của các ngôi sao hạng A, hoặc chỉ đơn giản là củng cố ngai vàng của mình. Slash Film thống kê kể từ năm 2000 đến nay, có 45 tài tử từng nhận đề cử Oscar cho nam diễn viên chính xuất sắc nhờ vai diễn trong phim tiểu sử (chiếm 42,8% trong số 105 cái tên). Con số này với các nữ diễn viên là 33 người.
Dù hết mình với vai Trịnh Công Sơn, Trần Lực vẫn không thể vượt qua trở ngại đầu tiên - thần thái của anh không hòa hợp với nguyên mẫu nhân vật
Trên sân khấu Oscar 2022, giải Nam chính xuất sắc được trao cho Will Smith với vai Richard Williams trong phim tiểu sử King Richard. Hạng mục nữ chính xuất sắc gọi tên Jessica Chastain với màn hóa thân trong phim tiểu sử The Eyes of Tammy Faye. Không sai khi nói rằng nếu muốn một sự nghiệp đi vào sử sách, các tài tử, minh tinh hãy thử thách bản thân trong những dự án táo bạo. Nhưng nếu muốn gia tăng cơ hội nhận Oscar, các diễn viên hãy đóng phim tiểu sử.
Thử thách lớn nhất của một diễn viên khi đóng phim tiểu sử đôi khi không đến từ bản thân vai diễn mà xuất phát từ hàng ghế khán giả. Hồi 2014, Zendaya từng được nhắm vào vai giọng ca Aaliyah trong phim tiểu sử Aaliyah: Princess of R&B tuy nhiên bị phản đối vì màu da chưa đủ sậm. Vai diễn sau cùng được trao cho Alexandra Shipp.
Nicole Kidman cũng từng bị phản đối khi được chọn thủ vai Lucille Ball trong dự án phim tiểu sử Being the Ricardos (2021). Minh tinh bị nhận xét không có cả khiếu hài hước trời ban của nguyên mẫu lẫn lối biểu cảm như bà. Kidman không bắt chước được giọng của Ball, lại càng không tương đồng với nguyên mẫu về độ tuổi… Tuy nhiên, danh tiếng ngôi sao, gia tài diễn xuất và cả những đạo cụ sillicone vẫn giúp cô thành công và nhận một đề cử Oscar năm 2022.
Dưới bàn tay phù phép của các phù thủy trang điểm và tiến bộ của công nghệ làm phim, một diễn viên có thể hoàn toàn lột xác chỉ nhờ việc đắp thêm mũi giả, độn thêm gò má hay gắn vào cái cằm ngấn mỡ… Đây là lợi thế không nhỏ giúp sức cho sự phát triển của các bộ phim tiểu sử. Nhưng cũng không ít lần, chính lớp trang điểm lại phản chủ, gây cản trở cho màn hóa thân của các diễn viên.
Đơn cử, lớp hóa trang đã khiến Tom Hanks không thể diễn xuất trong Elvis. Dù cố gắng, nam diễn viên vẫn không thể khiến phần hóa trang ở nửa dưới khuôn mặt vận động tự nhiên theo diễn xuất. Kết quả, Đại úy Tom Parker giống như một người bị liệt cơ mặt, chỉ có thể cử động miệng và trán. Cùng với đó, ngữ điệu Hanks dùng khi thủ vai Parker cũng gây bối rối cho khán giả vì thiếu tự nhiên. Dù Elvis được khen, vai diễn của Tom Hanks lại bị giới phê bình chê cười.
Tại Việt Nam, màn hóa thân của Trần Lực ở tuổi gần 60 vào vai Trịnh Công Sơn trong Em và Trịnh cũng vướng phải dư luận trái chiều. Ngôi sao của màn ảnh nhỏ một thời bị nhận xét quá lả lơi, vồ vập và thiếu đứng đắn khi vào vai cố nhạc sĩ. Trần Lực khó vào vai Trịnh Công Sơn bởi anh ấm áp, toát ra vẻ gần gũi của con người hiện đại thay vì phong thái ung dung, có phần giấu mình và xa cách đã gắn liền với Trịnh Công Sơn suốt cuộc đời.
Ở tuổi lục tuần, Tom Hanks thử sức với một vai phản diện. Đó không phải nhân vật phản diện được nhào nặn dưới ngòi bút cường điệu của biên kịch mà là một người bằng xương bằng thịt từng bước đi trên mặt đất này. Với Trần Lực, vai Trịnh Công Sơn đánh dấu sự trở lại màn ảnh của anh sau 10 năm. Cả hai vai diễn không hẹn mà gặp đều phản ánh nỗ lực làm mới mình của những ngôi sao gạo cội bằng một phim tiểu sử - công thức ăn tiền điển hình. Nhưng trớ trêu, nỗ lực tối đa chỉ mang lại thành công tối thiểu.
Từng có quan điểm tại Hollywood cho rằng các vai tiểu sử không sớm thì muộn sẽ làm thui chột khả năng của diễn viên. Bởi vai diễn trong phim tiểu sử giống như một khuôn mẫu, mà thành tựu của người đóng là bắt chước sao cho giống thay vì dùng trí tưởng tượng nhào nặn một nhân vật của riêng mình. Tuy nhiên, thành bại của các phim tiểu sử đã chứng minh dòng tác phẩm này chưa bao giờ là sự sao y bản chính. Nó đòi hỏi cả nhà làm phim và diễn viên tài năng, trăn trở và cả liều lĩnh không thua kém bất kỳ bộ phim thuần hư cấu nào.