Mới đây, cô Amy Parkin-Low (32 tuổi) và chồng của mình đã đưa cả gia đình tới Mexico du lịch một chuyến. Trong chuyến đi chơi này, cô Amy thấy trên đường có một quầy bán kem chanh được làm thủ công từ những nguyên liệu tự nhiên. Thấy cậu con trai Henry (5 tuổi) ngỏ ý muốn ăn thử nên cô Amy đã mua cho con trai một cây kem chanh ăn ngay trên đường.
Tới đầu giờ chiều, khi cả gia đình đang đi chơi thì cô Amy phát hiện thấy xung quanh miệng Henry xuất hiện những đốm mẩn đỏ. Đến tối thì những đốm đỏ này dần biến thành các nốt mụn nước, sưng phồng rộp rõ rệt.
Ngày thứ nhất: Các vùng màu đỏ bị viêm bắt đầu xuất hiện quanh miệng của Henry sau khi cậu bé ăn một cây kem chanh bán ở ven đường.
Ngày thứ hai: Tình trạng trở nên tồi tệ hơn và các mảng bị viêm ngày càng nghiêm trọng.
Ngày thứ ba: Mụn nước bắt đầu hình thành trên khuôn mặt của Henry, phản ứng ngày càng nghiêm trọng, gây tổn thương cho da.
Ngày thứ tư: Các mảng đỏ đã biến thành những nốt mụn nước lớn, giòn.
Cô Amy chia sẻ: "Ban đầu, gia đình chúng tôi nghĩ Henry bị lở mồm long móng". Nhưng sau đó, cô Amy lại thấy khu vực bị đỏ xuất hiện ở quanh miệng, phần cánh tay, ngực và chân. Đây đều là những nơi mà Henry bị rớt kem chanh khi ăn.
Sau đó, cô Amy đã liên lạc với bác sĩ của gia đình nhưng không được nghe máy. Vì vậy, cô Amy quyết định tự lên mạng tìm kiếm thông tin và nhanh chóng tìm ra nguyên nhân đằng sau. Theo những dấu hiệu mà Henry gặp phải, cô Amy đoán con mình đang mắc một chứng bệnh gọi là viêm da ánh sáng. Đây là một tình trạng được kích hoạt bởi phản ứng hóa học giữa ánh sáng mặt trời với một số hóa chất thực vật, phổ biến nhất là chanh.
Khi hai vợ chồng đưa Henry đến một cơ sở y tế gần khu nghỉ mát ở Mexico, dược sĩ ở đây đã đưa cho cậu bé một loại kem bôi kháng sinh. Một tuần sau chuyến du lịch, bác sĩ của gia đình đã cho Henry bôi thêm một loại kem steroid. Hiện tại, Henry vẫn còn những mảng rộp đỏ ở miệng và chân, những khu vực mà nước kem chanh chảy xuống. Anh Matt (chồng của cô Amy) chia sẻ: "Bác sĩ nhi khoa nói với chúng tôi rằng vết bỏng sẽ biến mất sau khoảng 2 tháng nhưng tôi không có lòng tin vào điều đó. Tôi nghĩ, vết sẹo sẽ ở lại trên người con trai tôi vĩnh viễn".
Bệnh viêm da ánh sáng thường được kích hoạt khi làn da tiếp xúc với nước chanh hoặc các loại trái cây có tính axit cao. Nó xảy ra khi các hợp chất trong thực vật (furvitymarin) phản ứng với tia UV từ ánh sáng mặt trời, gây tổn thương cho da.
Dấu hiệu dễ nhận thấy của bệnh này là lúc da đột ngột chuyển sang màu đỏ, mẩn ngứa trên vùng da đã tiếp xúc với các loại thực vật có tính axit cao, xuất hiện khoảng 12 giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mạnh.
Bác sĩ da liễu Sweta Rai (Bệnh viện Đại học King, London) cho biết: "Chúng ta thường thấy các trường hợp mắc bệnh viêm da ánh sáng xuất hiện vào mùa xuân và đầu mùa hè. Khi mọi người tiếp xúc nhiều hơn với ánh nắng mặt trời và lúc các gia đình có xu hướng đi nghỉ mát vào mùa hè ở các nước nhiệt đới".
Trong những trường hợp nghiêm trọng, người mắc bệnh viêm da ánh sáng có thể bị nhiễm vi khuẩn hay nấm nghiêm trọng và thậm chí sẽ phải nhập viện để điều trị tình trạng da bị nhiễm trùng để ngăn ngừa sẹo vĩnh viễn.
Source (Nguồn): Dailymail