Kinh ngạc về cốc chè "tuổi đời" gần 50 năm ở Hà Nội, có giá bằng 2 bát phở!

Dương Dương, Theo Trí Thức Trẻ 15:40 16/09/2022
Chia sẻ

Ở quán Chè thập cẩm cũ 1976 này, cốc rẻ nhất là 45 nghìn, đắt nhất là 90 nghìn.

Ngày càng có nhiều thứ đồ ăn vặt “thâm nhập” vào cuộc sống của người dân Hà Thành, thế nhưng, top 1 thức ăn chơi được yêu thích nhất vẫn là các món chè. Chẳng vậy mà, mấy năm trở lại đây, thương hiệu chè hiện đại vẫn mọc lên như nấm, ngang nhiên cạnh tranh với các quán chè truyền thống.

Tuy nhiên, có một hàng chè, đã tồn tại ở góc phố cũ ngót nghét 46 năm, trở thành địa điểm quen thuộc của nhiều người. Mà đáng nói hơn nữa, cho đến tận bây giờ, chuyện hương vị cũng như giá thành nơi đây vẫn luôn là vấn đề tranh cãi không hồi kết trong nhiều cuộc thảo luận.

GIÁ MỘT CỐC CHÈ NGANG 2 TÔ PHỞ

Chè thập cẩm cũ 1976 nằm trong con ngõ 72 Trần Hưng Đạo, cách hồ Hoàn Kiếm không xa. Ấn tượng đầu tiên với nhiều người khi tới đây chính là không gian quán cực kỳ đơn giản, chỉ là một căn nhà nhỏ, bên trên treo chiếc biển đã nhuốm màu thời gian và bàn ghế cũng không phô trương.

Vậy nhưng, khi cầm trên tay chiếc menu, nhiều thực khách không khỏi choáng váng bởi chỉ một mặt đã có tới 72 lựa chọn được đánh số thứ tự. Theo như tìm hiểu, đa phần, những món chè thập cẩm ở đây sẽ có giá từ 45.000đ đến 50.000đ. Cốc đắt nhất ở đây có giá 90.000đ là sầu riêng dầm cốt dừa. Ngoài ra, cốm xào cũng có giá dao động từ 70.000đ đến 90.000đ.

Ảnh: HM, Hiền Hin

“Topping nhiều gấp 3 lần những chỗ mình hay ăn, một cốc thập cẩm đầy đủ có 3 viên chân trâu to ú nu, 1 miếng cốm xào, rất nhiều rau câu sợi và thêm ngô, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, khoai môn hay hạt lựu... tùy vào bạn gọi. Mình đã xin đến bát đá thứ hai rồi mà dường như vẫn còn nguyên nửa cốc”.

“Lắm khi mình và người yêu đến đây chỉ dám gọi 1 cốc thập cẩm đầy đủ rồi 2 đứa ăn chung. Nếu giá cốc chè bằng 2 tô phở bình dân thì ăn 1 cốc chè cũng no như ăn 1 tô phở vậy”, là cảm nhận của nhiều khách ăn chè.

NGƯỜI “CŨ” NHỚ VỊ XƯA

Bác Minh: “Trước kia, mẹ tôi thường trao thưởng rằng nếu học giỏi, cuối tuần, mẹ sẽ cho đi ăn chè thập cẩm. Vào cái thời của tôi chỉ có 7 ngàn là được một cốc đầy như vậy. Bao năm rồi cả mùi vị chè lẫn nước cốt dừa, chất lượng không thay đổi chút nào”.

Trước khi chuyển vào Bình Thuận sinh sống, gia đình Lan Anh có 8 năm sống ở Hà Nội: “Lúc còn ở thủ đô, tôi hoàn toàn không nhận ra sự đặc biệt của quán chè cũ 1976. Ai ngờ, khi chuyển đi rồi, tôi mới nhớ da diết cái vị ngọt thanh thanh, đặc biệt là những viên trân châu 3 vị không lẫn vào đâu được ấy. Tôi cũng đi ăn thử ở nhiều quán nhưng chưa có nơi nào khác nấu được vị như vậy”.

“Giờ đây, mỗi lần có việc ra Hà Nội, kể cả bận tới đâu tôi cũng phải kiếm cớ đi mua, nếu không sẽ đặt ship một vài cốc về ăn dần cho thỏa nỗi nhớ”, chị Lan Anh nói thêm.

Ảnh: Hiền Hin

Và thường thì những “khách hàng thân thiết” này sẽ tìm tới Chè thập cẩm cũ 1976 vào ngày nghỉ lễ hay cuối tuần. Do đó, nếu gặp trúng dịp, ta sẽ phải chứng kiến cảnh khách xếp hàng mua chè dài từ trong quán ra tận đầu ngõ, thậm chí, có người phải bỏ về vì không đợi nổi.

Nhưng còn ngày thường, lắm khi, quán không thực sự đông khách như những gì “giang cư mận” đồn đại. Túc tắc chỉ 2 đến 3 bàn có khách ra vào lần lượt. Mà một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng này được cho rằng phụ thuộc vào suy nghĩ của lượng khách hàng trẻ tuổi hơn.

NGƯỜI TRẺ PHÂN VÂN ĐỦ ĐIỀU

“Với em, quán chè này, nếu được xếp thứ hai thì chẳng có hàng nào ở Hà Nội xứng đáng xếp đầu, cả về chất lượng đến giả cả. Tuy nhiên, có thèm em cũng thi thoảng mới dám qua thôi vì ăn nhiều sẽ nghèo mất. Cốc chè đậu xanh chân trâu hạt lưu cốt dừa em thường ăn có giá 45 ngàn, còn món ăn thích nhất là cốm xào cốt dừa thì ngang giá 2 tô phở khiến em rén nhiều chút”, Thu Hằng cho biết.

Kinh ngạc về cốc chè tuổi đời gần 50 năm ở Hà Nội, có giá bằng 2 bát phở! - Ảnh 3.

Phương Dung cũng thừa nhận cách chế biến của hàng chè này vô cùng “vào miệng”, từ chân trâu sợi, chân trâu viên 3 màu có nhân đậu xanh, ca cao, nho khô, rồi tới ngô được bào mỏng, dễ ăn. Thế nhưng, bạn trẻ này cho rằng: “Nếu so với giá tiền trung bình là 50 ngàn thì độ đầy đặn của một cốc chè ở đây rất xứng đáng. Chỉ có điều, để chọn là quán ăn chơi chơi thì tôi sẽ không chọn đâu”.

“Bạn biết không, mỗi lần hội bạn hay đồng nghiệp rủ qua đây ăn tôi toàn phải nhịn một bữa chính đấy. Không thì ăn xong về khai với PT sẽ bị cho ăn hành vài tiếng không thương tiếc mất”, Dung nói thêm.

Ảnh: @eatwithbeann_

Đồng tình với quan điểm trên, Thanh Dương nói: “Sức ăn của con trai vượt trội hơn hẳn các bạn nữ mà mình chưa bao giờ ăn hết một cốc ở đây. Lần nào đi cũng bỏ lại nửa non. Sau bao lần tôi cũng hiểu tại sao hội chị em công ty tôi thà uống một cốc trà sữa 60 cành để lưng lưng bụng thôi chứ nhất quyết không kêu chè”.

SỨC HÚT ĐẾN TỪ “CÁI TÂM” CỦA NGƯỜI BÁN

Thực ra, suốt bao năm mở bán, cô chủ quán Chè thập cẩm cũ 1976 đã quá quen khi có khách phản hồi về giá bán. Song, còn về chất lượng, cô luôn dám chắc rằng, có mười khách đến cũng tới chín khách “ưng cái bụng” lúc ra về.

Ảnh: Ly Dang, HM

“Hãy nhìn vào khu chế biến và tận mắt thấy quy trình nấu chè, nặn ra một viên chân trâu hay là cách bày trí đồ, bạn sẽ hiểu tại sao cốc chè ở đây chát như vậy. Với tôi, giá tiền một sản phẩm, ngoài nguyên liệu làm ra nó thì 50% còn phụ thuộc vào cái tâm của người thợ.”, chị My My nói về “quán ruột” của hai vợ chồng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày