Kiểu nhúng rau khi ăn lẩu nhiều người thích nhưng có thể gây tổn thương gan, "dẫn lối" cho ung thư

Ngọc Minh, Theo Đời sống pháp luật 08:22 27/11/2024
Chia sẻ

Khi thời tiết chuyển lạnh, món lẩu là lựa chọn ưa thích của nhiều người. Lẩu là món ăn ngon, nhưng nếu ăn không đúng cách có thể gây hại cho sức khỏe.

Rau là một nguyên liệu không thể thiếu khi ăn lẩu. Các loại rau thường được dùng để nhúng lẩu bao gồm: rau muống, rau cần, cải xoong… Đây là những loại rau thủy sinh, nếu không được chế biến đúng cách thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong quá trình thăm khám, bác sĩ đã từng gặp một số bệnh nhân bị nhiễm sán lá gan, tổn thương gan do có sở thích ăn sống các loại rau thủy sinh hoặc ăn rau nhúng lẩu chưa chín kỹ.

Khi bệnh nhân có triệu chứng, đi khám thì mới ngỡ ngàng phát hiện bản thân mắc sán lá gan.

Theo bác sĩ Thiệu, nhiều người cho rằng khi nhúng rau vào lẩu thì chỉ cần nhúng nhanh, như vậy rau sẽ giòn, ngọt và ngon miệng hơn. Tuy nhiên, cách ăn rau này có thể tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là khi sử dụng các loại rau thủy sinh.

Kiểu nhúng rau khi ăn lẩu nhiều người thích nhưng có thể gây tổn thương gan,

Rau nhúng lẩu. (Ảnh minh họa)

Các loại rau thủy sinh mọc dưới nước như rau cần, rau ngổ, rau rút, rau cải xoong,… dễ bị ô nhiễm khi nguồn nước không sạch. Bác sĩ Thiệu cho hay môi trường nước là điều kiện lý tưởng để ấu trùng đuôi và nang trùng sán lá gan phát triển. Ấu trùng có thể bám vào các loại rau sống dưới nước. Ngoài ra, các loại rau này cũng có thể bị nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn, các loại giun sán khác nếu sinh trưởng ở những nơi có chất thải sinh hoạt, chất thải từ động vật.

"Những người ăn phải các loại rau bị nhiễm ký sinh trùng không được nấu chín kỹ sẽ có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng rất cao", bác sĩ Thiệu nói.

Với sán lá gan, khi ấu trùng sán đi vào cơ thể, chúng sẽ tiến vào dạ dày, xuống tá tràng, tự tách vỏ và xuyên qua thành tá tràng vào khoang phúc mạc đến gan, đục thủng bao gan và xâm nhập vào nhu mô gan, gây tổn thương gan.

Bác sĩ Thiệu cho hay: Sán lá gan lớn ký sinh chủ yếu ở mô gan, nhưng trong giai đoạn xâm nhập, sán có thể di chuyển lạc chỗ và gây tổn thương ở các cơ quan khác như thành ruột, thành dạ dày, thành bụng.

Sau thời gian khoảng 2-3 tháng, khi sán xâm nhập vào mô gan, sán sẽ di chuyển vào đường mật, trở thành sán trưởng thành và đẻ trứng. Tại đường mật, sán trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh trong nhiều năm nếu không người bệnh không phát hiện và điều trị kịp thời.

Tại đường mật, sán có thể gây tổn thương biểu mô đường mật, tắc mật, viêm và xơ hóa đường mật thứ phát, thậm chí có thể gây ung thư biểu mô đường mật.

Ăn rau đúng cách giúp phòng ngừa nhiễm ký sinh trùng

Để đảm bảo an toàn khi dùng các loại rau thủy sinh ăn lẩu, bác sĩ Thiện lưu ý: Người dân cần thay đổi thói quen ăn uống, đảm bảo rau được nấu chín kỹ trước khi sử dụng”.

Để phòng ngừa các bệnh do giun sán, ký sinh trùng, bác sĩ Thiệu khuyến cáo người dân cần tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc sau:

- Chỉ nên ăn ác loại rau thủy sinh sau khi đã được nấu chín kỹ.

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân và nơi ở, tránh để môi trường ẩm ướt và ô nhiễm.

- Tẩy giun sán định kỳ cho chó, mèo.

- Người dân nên uống thuốc giun định kỳ mỗi năm 3 lần, mỗi lần cách nhau 4 tháng (liều lượng tùy vào độ tuổi hoặc theo chỉ định của bác sĩ).

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày