Kiểm tra 1 tin nhắn hủy dịch vụ, người phụ nữ bị "dắt mũi" mất sạch 1.000 tỷ đồng, kẻ lừa đảo còn "tốt bụng" gửi lại 35 triệu làm "sinh hoạt phí"

Thùy Linh, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 14:38 18/02/2025
Chia sẻ

Thực chất, đây chỉ là một chiêu trò nhằm đánh lạc hướng và giúp chúng có thời gian tẩu tán số tiền chiếm đoạt.

Mới đây, một vụ lừa đảo diễn ra vào đầu tháng 1 năm 2025 đã gây nhiều chú ý trong cộng động mạng Trung Quốc. Một người phụ nữ tại đây đã bị kẻ gian lừa mất 300 triệu NDT (khoảng hơn 1.000 tỷ đồng). Điều đáng nói là sau khi chiếm đoạt số tiền khổng lồ này, kẻ lừa đảo còn chuyển lại 10.000 NDT (khoảng hơn 35 triệu đồng) kèm lời nhắn: "Đây là sinh hoạt phí của bà".

Bị dắt mũi từng bước, hơn 1.000 tỷ đồng "bốc hơi" chỉ trong phút chốc

Theo chia sẻ từ 1 kênh truyền thông tại Trung Quốc, sự việc bắt đầu khi bà Phú (*tên riêng đã được thay đổi) nhận được một tin nhắn thông báo rằng bà đã đăng ký thành viên VIP của một nền tảng livestream và sẽ bị trừ tự động 4,5 triệu đồng mỗi tháng. Nếu không thanh toán đúng hạn, điểm tín dụng của bà sẽ bị ảnh hưởng.

Quá lo lắng, bà Phú gọi ngay số điện thoại trong tin nhắn để tìm cách hủy dịch vụ. Kẻ lừa đảo, đóng giả nhân viên chăm sóc khách hàng, hướng dẫn bà kết nối với một nhân viên của "Ngân hàng Liên kết Trung Quốc" qua ứng dụng chat QQ để xử lý. 

Tin tưởng vào hướng dẫn, bà làm theo mọi yêu cầu của đối phương. Chỉ sau một loạt thao tác trên ứng dụng ngân hàng, bà Phú bàng hoàng nhận ra toàn bộ khoản tiền gửi có kỳ hạn đã bị chuyển đổi thành không kỳ hạn, và 300 triệu NDT (khoảng hơn 1.000 tỷ đồng) sau đó đã bị rút sạch.

Trong lúc hoang mang, bà nhắn tin với đối phương: "Bây giờ tôi không còn tiền, tôi sống thế nào đây?"

Bất ngờ thay, kẻ lừa đảo "tốt bụng" trả lời: "Chúng tôi sẽ gửi lại 35 triệu đồng vào ví WeChat để bà có tiền sinh hoạt."

Nhưng thực chất, đây chỉ là một chiêu bài nhằm đánh lạc hướng và giúp chúng có thời gian tẩu tán số tiền chiếm đoạt. Lúc này, bà Phú mới vội vàng báo cảnh sát Trung Quốc, đồng thời chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội để cảnh báo mọi người.

"Không hiểu sao lúc đó tôi cứ nhắm mắt làm theo mọi yêu cầu của họ, giờ nghĩ lại vẫn thấy khó tin", bà buồn rầu cho biết.

Sự việc nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, hàng loạt bình luận bày tỏ sự khó hiểu "Sao lại dễ bị lừa thế?"; "Tôi cũng từng nhận được tin nhắn lừa đảo kiểu này, suýt nữa thì mắc bẫy"; "Tài khoản ngân hàng của tôi cũng từng bị kẻ gian theo dõi, may mà phát hiện kịp."

Nhiều người cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của ngân hàng: "Hạn mức chuyển khoản cá nhân mỗi ngày chỉ 5.000 NDT, sao bọn lừa đảo có thể rút 300 triệu NDT dễ dàng vậy?"; "Bình thường tôi đi gửi tiền phải qua đủ thứ thủ tục, sao bọn lừa đảo có thể đổi từ tài khoản có kỳ hạn sang không kỳ hạn một cách dễ dàng thế?";  "Ngân hàng chắc cũng phải phối hợp với cảnh sát để điều tra vụ này cho ra ngô ra khoai để tăng cường bảo mật thôi"...

Vụ việc hiện vẫn đang được tiếp nhận điều tra tại Trung Quốc. Điều đáng nói là, đây không phải lần đầu tiên những vụ lừa đảo qua điện thoại diễn ra, dẫu các cơ quan chức năng tại đất nước tỷ dân đã đưa ra cảnh báo rất nhiều lần. 

Trước đó, một người đàn ông họ Bành nhận được cuộc gọi lừa đảo từ kẻ mạo danh nhân viên WeChat, nói rằng ông sẽ bị trừ 72.000 NDT (khoảng hơn 253 triệu đồng) phí bảo hiểm y tế hàng năm. Lo sợ bị mất tiền, ông Bành đã nghe theo hướng dẫn, tải ứng dụng họp trực tuyến để làm thủ tục "hủy dịch vụ". Kẻ gian lợi dụng cơ hội này để yêu cầu ông thực hiện một số thao tác làm lộ đoạn code hoặc những thông tinq uan trọng để chúng có thể nhanh chóng xâm nhập và thao túng tài khoản ngân hàng của ông. Cuối cùng, ông Bành bị mất sạch 918.800 NDT (hơn 3,2 tỷ đồng).

Kiểm tra 1 tin nhắn hủy dịch vụ, người phụ nữ bị "dắt mũi" mất sạch 1.000 tỷ đồng, kẻ lừa đảo còn "tốt bụng" gửi lại 35 triệu làm "sinh hoạt phí"- Ảnh 1.

 

Làm sao để tránh trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo này?

1. Tuyệt đối không tin vào những cuộc gọi, tin nhắn thông báo trừ tiền, hủy dịch vụ từ số lạ. Nếu nghi ngờ, hãy truy cập trực tiếp vào ứng dụng chính thức của dịch vụ để kiểm tra. 

2. Không bao giờ nhấn vào đường link do người lạ gửi qua tin nhắn, email hay các ứng dụng chat. 

3. Không chia sẻ mã OTP, mật khẩu hay bất cứ thông tin cá nhân nào qua điện thoại hoặc tin nhắn. 

4. Nếu nghi ngờ bị lừa đảo, hãy báo ngay cho ngân hàng và cơ quan chức năng tại địa phương để kịp thời xử lý.

Với sự phát triển của công nghệ, các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, nhưng nếu nâng cao cảnh giác và không dễ dàng tin vào những cuộc gọi hay tin nhắn đáng ngờ, bạn có thể tự bảo vệ mình khỏi những cạm bẫy nguy hiểm này.

(Nguồn: Aboluowang)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày