Người đàn ông vội tất toán sổ tiết kiệm 200 triệu đồng để gửi cho cháu trai chữa bệnh bị từ chối giao dịch: Ngân hàng khẳng định “ông đang bị lừa”

Đinh Anh, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 13:50 13/02/2025
Chia sẻ

Phải cho đến khi cảnh sát trực tiếp gọi điện cho người cháu để xác thực thông tin, cụ ông này mới nhận ra suýt chút nữa đã chuyển tiền cho kẻ lừa đảo.

Theo Sohu, vào khoảng 10 giờ sáng ngày 5/7/2024, một người đàn ông họ Du (67 tuổi, Từ Châu, Trung Quốc) đến ngân hàng địa phương để yêu cầu tất toán 1 sổ tiết kiệm trị giá 60.000 NDT (khoảng 209 triệu đồng). Sau khi nhập thông tin, giao dịch viên tên Triệu phát hiện sổ tiết kiệm của cụ ông chỉ còn 1 tháng nữa là đến hạn. Nên cô nhắc nhở khách hàng nên cân nhắc chờ thêm vì bởi nếu rút trước hạn sẽ bị mất toàn bộ tiền lãi. 

Người đàn ông vội tất toán sổ tiết kiệm 200 triệu đồng để gửi cho cháu trai chữa bệnh bị từ chối giao dịch: Ngân hàng khẳng định “ông đang bị lừa”- Ảnh 1.

Có chút tiếc nuối, cụ ông lại rút ra 1 sổ tiết kiệm khác trị giá 50.000 NDT (khoảng 174 triệu đồng) và yêu cầu tất toán luôn. Ông Du cho biết ngày đáo hạn của sổ là cuối tháng nên không quan tâm đến khoản lãi bị mất mà chỉ mong muốn được rút tiền ngay lập tức. Đồng thời, ông yêu cầu sau khi lấy khoản tiền này sẽ chuyển cho cháu trai 40.000 NDT (gần 140 triệu đồng).  

Trong quá trình giao dịch, cô Triệu nhận thấy cụ ông này có vẻ lo lắng. Nhận thấy có gì đó không ổn, nhân viên ngân hàng gặng hỏi ông về mục đích chuyển cho cháu trai số tiền lớn như vậy.

Ban đầu, ông không tiết lộ, chỉ liên tục giục nữ nhân viên nhanh chóng xử lý công việc. Có nhiều năm kinh nghiệm tại vị trí này, cô Triệu nhận thấy có chuyện không ổn. Cô nhất quyết từ chối cho khách hàng tất toán sổ tiết kiệm nếu không đưa ra được lý do hợp lý. 

Đến lúc này, cụ ông mới chịu tiết lộ. Ông cho biết cháu trai học trên thành phố vừa thông báo rằng đang bị bệnh, phải nằm viện nên cần tiền để chữa bệnh. Người này sợ bố mẹ lo lắng và sốt ruột nên chỉ có thể nhờ ông ngoại giúp đỡ. Vì vậy, ông vội đến ngân hàng tất toán sổ tiết kiệm để nhanh chóng gửi tiền cho cháu. 

Người đàn ông vội tất toán sổ tiết kiệm 200 triệu đồng để gửi cho cháu trai chữa bệnh bị từ chối giao dịch: Ngân hàng khẳng định “ông đang bị lừa”- Ảnh 2.

Lo sợ ông lão bị lừa, cô Triệu ra sức thuyết phục khách hàng cần kiểm tra lại thông tin này bởi hiện nay có rất nhiều chiêu thức lừa đảo lợi dụng sự cả tin và kém hiểu biết của những người cao tuổi. Tuy nhiên, ông cụ khăng khăng khẳng định không có chuyện đó. 

Nhận thấy khách hàng khá cứng rắn, nữ giao dịch viên đã nói dối rằng do ông rút tiền trước kỳ hạn nên cần sự giúp đỡ của người quản lý mới có thể hoàn tất thủ tục. Thực tế, trong thời gian đó, cô đã gọi điện cho cảnh sát địa phương và lặng lẽ thông báo tình hình này. 

Sau khi tiếp nhận thông tin trên, cảnh sát đã có mặt tại trụ sở ngân hàng. Người này yêu cầu ông Du cung cấp thông tin của cháu trai để kiểm tra tính xác thực. Ngay trước mặt cụ ông này, cơ quan chức năng đã liên lạc với người cháu. Điều không ngờ là người này cho biết sức khỏe vẫn rất tốt, không có chuyện nhập viện và cần số tiền lớn đến như vậy. Đến lúc này, ông cụ mới nhận ra mình đã dính vào bẫy lừa đảo.

Cháu trai của ông Du cũng cho biết tài khoản mạng xã hội của anh vừa bị hack. Sau khi bị chiếm đoạt tài khoản, đối tượng xấu này đã nhắn tin cho người thân của nạn nhân để mượn tiền. Chỉ suýt chút nữa vì sự cả tin và thiếu hiểu biết của bản thân, ông lão này đã chuyển tiền cho kẻ lừa đảo. 

Khi nhận ra sự thật này, ông Du rối rít cảm ơn cô Triệu cũng như viên cảnh sát đã kịp thời ngăn cản. Về nữ nhân viên ngân hàng, cả cảnh sát và giám đốc ngân hàng đều dành cho cô lời khen. Đặc biệt, cô còn được ngân hàng thưởng nóng khi đã nhạy bén phát hiện ra vụ việc và xử lý để ngăn chặn lừa đảo.

Thông qua vụ việc trên, cảnh sát địa phương đã đưa ra cảnh báo. Với những thủ đoạn tinh vi, đa dạng của các đối tượng lừa đảo, mọi người dùng mạng xã hội cần phải cẩn trọng kiểm tra tính xác thực của thông tin trước khi đưa ra quyết định của mình. Phương thức kiểm tra tính xác thực thông tin có thể là gọi điện, nhắn tin trực tiếp qua số điện thoại với người là chủ tài khoản của mạng xã hội. Kiểm tra tính xác thực sẽ hạn chế tối đa việc lừa đảo trên.  

Trường hợp của ông Du cũng chính là lời cảnh báo dành cho việc mọi người vẫn có thể bị lừa bởi những chiêu trò cũ nếu mất cảnh giác. Ngoài ra, khi phát hiện các trường hợp lừa đảo tương tự, người dân nên trình báo ngay cho cơ quan cảnh sát gần nhất để được giải quyết.

 (Theo Sohu)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày