Không muốn “oằn mình” gánh nợ mua nhà, người trẻ chọn cách đi thuê

Kỳ Thư, Theo An ninh tiền tệ 08:39 08/04/2025
Chia sẻ

Trong bối cảnh giá nhà không ngừng leo thang, nhiều người trẻ Việt Nam đang dần rẽ hướng sang lựa chọn thuê nhà thay vì “gồng mình” vay nợ để mua nhà.

Không muốn “oằn mình” gánh nợ mua nhà, người trẻ chọn cách đi thuê- Ảnh 1.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), giá căn hộ tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đã tăng mạnh trong 5 năm qua, lần lượt 72,4%; 49,9% và 34,3%. Trong khi đó, thu nhập bình quân của người dân chỉ tăng khoảng 6-10% mỗi năm. Sự chênh lệch ngày càng lớn giữa giá nhà và thu nhập khiến giấc mơ sở hữu căn hộ của người trẻ trở nên xa vời.

Hiện nay, những căn hộ hai phòng ngủ có giá dưới 3 tỷ đồng gần như “biến mất” khỏi thị trường. Ngay cả khi có thể tích góp được khoảng 30% giá trị căn hộ, người mua trẻ vẫn phải đối mặt với khoản vay lớn lên đến hơn 2 tỷ đồng – đồng nghĩa với áp lực trả nợ trong suốt 15-25 năm.

“Lựa chọn vay mua nhà đồng nghĩa với việc phải trả nợ trong 15-25 năm, hoặc phải "bóp mồm bóp miệng" cắt giảm nhiều khoản chi tiêu khác để có thời gian trả nợ ngắn hơn. Đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Lãi suất thả nổi khó "dự báo" cũng làm nhiều người trẻ không dám vay mua nhà”, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS đánh giá.

Ông Đính cũng cho rằng, thay vì "oằn" mình gánh nợ để sở hữu một căn hộ, nhiều người chấp nhận thuê để có cuộc sống linh hoạt hơn. Thuê nhà giúp họ dễ dàng dịch chuyển, tận hưởng cuộc sống mà không bị ràng buộc bởi một tài sản cố định.

Ngày nay, thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ gen Z (người sinh từ cuối năm 1997) đề cao sự linh hoạt, yêu thích trải nghiệm và không ngần ngại thay đổi nơi ở, nơi làm việc. Thuê nhà giúp họ dễ dàng dịch chuyển, tận hưởng cuộc sống mà không bị ràng buộc bởi một tài sản cố định.

Thậm chí, nhiều người trẻ dù sở hữu thu nhập cao và có tài sản vẫn chọn thuê những căn hộ dịch vụ cao cấp, sẵn sàng chi hàng nghìn USD mỗi tháng để hưởng thụ không gian sống tiện nghi, đầy đủ dịch vụ hiện đại.

Khảo sát từ Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, xu hướng tìm thuê nhà gia tăng gần 22% trong năm 2024. Nhóm khách hàng trong độ tuổi 25-34 tìm thuê cao nhất (gần 62%), ngay cả nhóm thu nhập cao từ 21-40 triệu đồng mỗi tháng cũng có tỷ lệ tìm thuê nhà đến 42% trong năm qua.

Không muốn “oằn mình” gánh nợ mua nhà, người trẻ chọn cách đi thuê- Ảnh 2.

Nguồn: Batdongsan.com.vn

Tuy nhiên, VARS nhận định rằng, dù nhu cầu thuê nhà đang tăng, thị trường cho thuê vẫn còn nhiều bất cập.

“Phần lớn nguồn cung nhà cho thuê tại Việt Nam do cá nhân sở hữu và quản lý, chưa có sự tham gia của các chủ đầu tư chuyên nghiệp. Trong khi đó, tại các nước phát triển, mô hình "build-to-rent" (xây dựng để cho thuê) đã trở nên phố biển, giúp người thuê có nhiều lựa chọn hơn với giá cả hợp lý và dịch vụ tốt hơn.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn chưa có chính sách bảo vệ người thuê nhà. Đa số các hợp đồng thuê ở Việt Nam đều có thời hạn ngắn (6-12 tháng) và không có ràng buộc về điều kiện và mức tăng giá, khiến người thuê phải đối mặt với rủi ro về sự ổn định và quyền lợi”, báo cáo của VARS nêu rõ.

Đồng thời, giá thuê tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM cũng ở mức khá cao – một căn hộ hai phòng ngủ tại trung tâm có thể dao động từ 12-20 triệu đồng/tháng, chiếm đến 30-50% thu nhập của nhiều người trẻ. Những lựa chọn thuê rẻ hơn thường nằm ở vùng ven, nơi hạ tầng giao thông chưa phát triển, khiến việc đi lại bất tiện và chất lượng sống bị ảnh hưởng.

Theo đó, VARS khuyến cáo rằng, dù thuê nhà mang lại sự linh hoạt và giảm áp lực tài chính ngắn hạn, người trẻ vẫn cần cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo phù hợp với khả năng chi trả và nhu cầu sinh hoạt. Theo khuyến nghị, chi phí thuê nên được kiểm soát ở mức không quá 30% thu nhập cá nhân. Bên cạnh đó, vị trí, chất lượng nhà, độ an toàn và uy tín của chủ nhà là những yếu tố không thể bỏ qua.

Trong dài hạn, VARS nhận định xu hướng thuê nhà thay vì mua sẽ tiếp tục phát triển, đặc biệt nếu các mô hình thuê hiện đại như “thuê dài hạn với quyền mua lại” (Rent-to-Own) hay “sở hữu chung” (Shared Ownership) được triển khai.

Với mô hình Rent-to-Own, người thuê có thể tích lũy quyền sở hữu sau 5-10 năm thuê, thông qua việc trừ dần tiền thuê vào giá mua nhà. Trong khi đó, mô hình Shared Ownership cho phép người mua sở hữu một phần căn hộ (30-50%) và tiếp tục thuê phần còn lại, với quyền tăng sở hữu theo thời gian.

Tuy nhiên, để các mô hình này phát triển, cần có sự tham gia của các doanh nghiệp bất động sản vào lĩnh vực xây dựng nhà cho thuê, cùng với các chính sách bảo vệ người thuê, hạn chế tăng giá thuê đột biến và hỗ trợ hợp đồng dài hạn. Ngoài ra, ngân hàng cũng có thể tham gia cung cấp các gói tín dụng đặc thù cho mô hình thuê-mua.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày