Hết hạn thuê nhà nhưng không được hoàn cọc
Tranh chấp hợp đồng thuê nhà là tình huống phức tạp thường xảy ra trong quá trình đi thuê và cho thuê nhà, khi xuất hiện mâu thuẫn giữa 2 hên trong quá trình thỏa thuận, ký kết và thực hiện hợp đồng. Tại Trung Quốc, có một trường hợp tranh chấp đã xảy ra vào năm 2023 và thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Cụ thể, vào tháng 1 năm 2023, cô Lưu khi đó 28 tuổi, làm nhân viên văn phòng tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Để thuận tiện cho việc đi lại, cô Lưu đã thuê căn hộ thuộc quyền sở hữu của ông Dương với mức giá 16.000 NDT (khoảng 50 triệu đồng) và đặt cọc 16.000 NDT. Căn nhà nằm ở trung tâm thành phố, gần ga tàu, đường lớn và cách công ty của cô Lưu chỉ khoảng 4km.
Cô Lưu thuê một căn hộ nhỏ ở trung tâm thành phố với giá 16.000 NDT. Ảnh minh họa.
Một năm sau, khi hợp đồng thuê nhà hết hạn, cô Lưu đã báo cho ông Dương về việc chuyển đi và yêu cầu được hoàn lại tiền cọc. Tuy nhiên, phía chủ nhà lại từ chối, cho rằng việc cô Lưu ở lại một năm đã gây ra thiệt hại đáng kể cho ngôi nhà.
Khi đi kiểm tra nhà, ông Dương đã chỉ ra một số vấn đề về hạ tầng với cô Lưu, bao gồm tường bị bong tróc nghiêm trọng, ghế sofa bị rách, một vài đồ nội thất trong hợp đồng bị thất lạc và cả mùi hôi từ việc nuôi thú cưng,... Ông Dương sau đó đã yêu cầu cô Lưu nhanh chóng khôi phục lại toàn bộ ngôi nhà về tình trạng ban đầu, nếu không sẽ phải trả toàn bộ chi phí khắc phục.
Sau đó, ông Dương đã đưa cho cô Lưu một danh sách báo giá về thiệt hại nhà, bao gồm: loại bỏ keo dán trên tường (1000 NDT), vệ sinh sàn gỗ (2000 NDT), sơn lại tường (2500 NDT), sửa rèm cửa (200 NDT), vệ sinh nệm và sofa (1000 NDT), mua lại bàn sofa (800 NDT), mua ghế bàn ăn (870 NDT),... Chưa hết, cộng thêm tiền nước, tiền điện, phí bảo trì, cô Lưu cần phải trả cho ông Dương tổ số tiền là gần 20.000 NDT (khoảng 64 triệu đồng).
Nghe đến đây, cô Lưu tỏ ra vô cùng khó hiểu và bất mãn khi phải thanh toán số tiền gần 20.000 NDT trước khi chuyển đi. Sau nhiều lần thương lượng nhưng không thành, cô Lưu quyết định đâm đơn kiện chủ nhà ra tòa để đòi lại quyền lợi cho bản thân. Cô cho rằng, yêu cầu của ông Dương là vô căn cứ nên nhất quyết không trả số tiền 20.000 NDT này.
Phán quyết của tòa án
Tiếp nhận vụ án, tòa án thành phố Thượng Hải nhanh chóng xem xét các tình tiết liên quan để tiến hành xét xử. Theo quy định của Bộ luật Dân sự (Trung Quốc), nếu bên thuê sử dụng tài sản thuê theo đúng phương pháp đã thỏa thuận hoặc theo tính chất của tài sản thuê, thì khi gây thiệt hại cho tài sản thuê, bên thuê không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Trong trường hợp này, cô Lưu không phải chịu trách nhiệm bồi thường cho những hao mòn thông thường của ngôi nhà. Nói cách khác, cô Lưu sẽ không cần phải bồi thường các khoản phí như: vệ sinh sàn gỗ, sơn lại tường, loại bỏ keo dán trên tường.
Cô Lưu đã nhờ pháp luật vào cuộc để đòi quyền lợi cho bản thân. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, một số đồ nội thất được liệt kê trong hợp đồng thuê nhà đã bị mất, cũng như bị tổn hại vì tác động của thú cưng do cô Lưu nuôi. Vì vậy, cô gái phải có trách nhiệm sửa chữa và hoàn trả theo yêu cầu của chủ nhà. Những món đồ mà cô Lưu phải có trách nhiệm bồi thường có thể kể đến như: mua lại bàn sofa, mua ghế bàn ăn, sửa rèm cửa,... Trong trường hợp cô Lưu không đủ điều kiện để thực hiện các hạng mục này, thì có thể yêu cầu chủ nhà thực hiện, sau đó chi trả các chi phí liên quan được thống kê.
Cuối cùng, tòa án đã đưa ra phán quyết rằng cô Lưu phải bồi thường cho ông Dương 2.000 NDT cho chi phí sửa chữa, đồ đạc và trả tiền nước, điện. Phía ông Dương cũng phải trả lại 16.000 NDT tiền đặt cọc thuê nhà cho cô Lưu trong vòng 10 ngày kể từ ngày phán quyết có hiệu lực.
Sau phiên tòa, cả cô Lưu và ông Dương đều chấp thuận và không bên nào kháng cáo.
Theo Toutiao