"Zero Waste" là một chuyên đề do Kênh14 thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ về bảo vệ môi trường, đồng thời đem đến cho các bạn cái nhìn gần gũi, tự nhiên hơn về chủ đề nghe có vẻ thô cứng này. Đến với chuyên đề "Zero Waste", bạn sẽ được lắng nghe những câu chuyện từ chính những bạn trẻ đã và đang cố gắng từng ngày bằng những hành động thiết thực nhất nhằm cứu lấy môi trường.
...Và như đã biết, những chiếc túi nhựa ấy sẽ không biến mất ngay tức khắc, hoặc trong ít nhất là vài trăm tới cả nghìn năm nữa. Theo đường xả thải, chiếc túi nhựa sẽ tìm đường ra biển khơi, rồi lại bị sóng đánh dạt lên bờ, nằm gọn trên những bãi cát trắng (đã từng) thơ mộng của chúng ta.
Tưởng tượng một ngày nắng đẹp, khi bạn thức giấc đầy sảng khoái trong căn nhà sát biển. Thắt chặt lại dây đôi giày thể thao, đã đến lúc thực hiện cuốc chạy bộ 10km thường nhật; duy chỉ có điều địa điểm bây giờ không phải là Hồ Gươm, Hồ Tây hay phố đi bộ Nguyễn Huệ nữa, mà là trên một bãi biển đẹp tựa hồ như trong tranh vẽ.
Nhưng, khi mới bắt đầu vòng chạy đầu tiên, đôi giày thể thao của bạn lỡ đá phải chiếc lon nhựa từng đong đầy nước giải khát; ít phút sau, đôi giày vướng tiếp mảnh lướt đánh cá trôi dạt về bờ theo những con sóng biển, rồi thêm chiếc túi ni-lông bẩn, những món đồ nhựa vương vãi,...
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu thay vì giẫm lên những món đồ ấy, hoặc chỉ đơn giản bước qua chúng để tiếp tục cuốc chạy bộ buổi sáng của mình, thì bạn - và hàng triệu triệu người chạy bộ khác trên khắp thế giới - quyết định làm một hành động mang tính bước ngoặt là nhặt miếng rác nhựa lên? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu những mẩu rác được thu gom ấy lại quay trở về đất liền và phục vụ cho chính cuộc sống của chúng ta? Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu những mẩu rác nhựa ấy lại chính là thứ cấu thành nên đôi giày thể thao bạn đang đi trên chân?
Đó là ý tưởng vĩ đại nhen nhóm cho sự kết hợp giữa "Gã khổng lồ người Đức" adidas và tổ chức bảo vệ môi trường biển mang tên: Parley for the Oceans.
Bước đột phá bắt nguồn từ năm 2015, khi giới mộ điệu và cả những nhà hoạt động môi trường trên toàn thế giới dần rỉ tai nhau về sự ra mắt của một mẫu giày chạy mới - Parley x adidas Ultra BOOST - là sự kết hợp của một mặt là chất liệu đế boost từng đặt nền móng cho cả văn hóa shoegame đậm tính công nghệ ở thời hiện đại, nhưng mặt khác lại là thứ phế liệu nhựa đang ngày ngày đầu độc đại dương.
Tương truyền, trong một cuộc họp của ban lãnh đạo adidas diễn ra trước đó:
- Người tiêu dùng đang than phiền về độ bền những đôi giày chạy adidas, thậm chí còn đem cả chất lượng của chúng ta ra so sánh với đối thủ N* (*xin được giấu tên) nữa! Ai có đề xuất gì để khắc phục điều này không? - ban lãnh đạo lên tiếng.
- Tôi có ý tưởng này! - Nhà sáng lập của Parley for the Oceans, kiêm nhà hoạt động bảo vệ môi trường biển, Cyrill Gutsch, chen ngang vào cuộc họp căng thẳng. - Sao không thử dùng chất liệu nhựa tái chế nhỉ? Vì, các bạn biết đấy, chúng khó phân hủy lắm, có lẽ cả trăm năm nữa đôi giày chạy adidas x rác nhựa cũng không hỏng ấy chứ!
Và thế là sản phẩm giày đầu tiên do Parley bắt tay hợp tác với adidas ra đời...
Nói vui là vậy, chắc hẳn động lực sáng tạo ra mẫu Ultra BOOST cách tân này không phải từ mong muốn sản xuất những đôi giày chạy "trường tồn với thời gian" đâu (tuy thông tin vẫn chưa được kiểm chứng). Với Cyrill Gutsch, câu trả lời lại rất dễ hiểu: Anh muốn là người tiên phong trong lĩnh vực thời trang gắn liền với sứ mệnh bảo vệ môi trường biển. Những món đồ thời trang không chỉ truyền tải thông điệp nhanh hơn, hiệu quả hơn những câu khẩu hiệu "bớt rác nhựa" sáo rỗng, chúng còn đặt ra xu hướng và truyền cảm hứng mãnh liệt hơn cả.
"Nghệ thuật và thời trang nói riêng làm chúng ta bất ngờ, khiến ta sẵn sàng học hỏi và tiếp nhận những khái niệm mới." - Cyrill Gutsch trần tình. "Quả thực, thời trang khiến con người ta làm những thứ trước đó vẫn bị coi là vô nghĩa lý, như việc tham gia vào sứ mệnh bảo vệ môi trường biển chẳng hạn?"
Đối với Cyrill Gutsch, nghệ thuật hay thời trang nói riêng có đủ khả năng truyền tải thông điệp mãnh liệt hơn cả.
Nhìn nhận lại vấn đề bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa, bạn có công nhận rằng trước giờ mọi thứ chỉ xoay quanh những lời cảnh báo, những cuộc biểu tình, những số liệu phân tích khoa học chán ngấy? Sẽ chẳng ai trên Trái Đất này, trừ những nhà hoạt động môi trường, lại dễ dàng bị thuyết phục bởi "khoa học" cả. Nhiêu đó vẫn chưa đủ, và sẽ không bao giờ là đủ, để thay đổi cả một cộng đồng đã quá quen thuộc với những túi nhựa, cốc nhựa dùng một lần siêu tiện lợi, hay với những chiếc lon nhựa chứa nước giải khát cả.
Thế nhưng, một khi thời trang đã lên tiếng, mọi thứ sẽ thay đổi.
Quay trở lại câu chuyện của những đôi giày, Parley x adidas Ultra BOOST trong năm 2015 là một bước tiến mang tầm vóc thế kỉ. Vẫn là đế boost thời thượng, nhưng nay phần thân trên của đôi Ultra BOOST đã được thay bằng những họa tiết vằn ngang mang sắc xanh của biển cả. Những cáp nhựa xanh biếc bắt mắt này, ngạc nhiên thay, lại được làm từ chất liệu lưới đánh cá tái chế.
Nhưng phần thú vị chưa dừng lại ở đó, bởi cái cách mà adidas thu nhập số lưới cá này cũng là cả một hành trình đầy cam go khác. Những tấm lưới kể trên không được lấy từ bãi phế thải, mà là từ một chiến dịch tiến hành bởi The Sea Shepherds - một lực lượng bảo vệ môi trường biển tới từ quốc gia Hoa Kỳ. Sau hơn 100 ngày theo chân một nhóm đánh bắt cá bất hợp pháp, The Sea Shepherds đã ra tay can ngăn kịp thời trước khi hơn 72km lưới đánh bắt cá bị thải ra đại dương, tồn đọng dưới lòng biển khơi, làm những sinh vật biển có khả năng phải chịu mối nguy hại tiềm tàng đeo bám chúng cả nghìn năm sau đó.
Lực lượng bảo vệ môi trường biển The Sea Shepherds đã thu hồi thành công 72km lưới đánh cá trái phép.
Và số lưới cá này đã được sử dụng trong thiết kế hồi năm 2015 của Parley x adidas Ultra BOOST.
Parley x adidas Ultra BOOST đã có cả một câu chuyện hào hùng như vậy đấy! Tuy rằng Adidas chỉ phát hành vỏn vẹn có 50 đôi "giày lưới cá" vào thời điểm ấy, song cha đẻ của đế boost thời thượng lại không rũ bỏ hoàn toàn trách nhiệm với môi trường nhanh vậy. Chỉ trong 1 năm ngắn ngủi, lần lượt theo sau vị tiền bối Parley x adidas Ultra BOOST là những mẫu NMD_R1, adiZero Prime, EQT,... ứng dụng triệt để rác nhựa tái chế đến 95% ở phần thân trên đôi giày.
Sau sự xuất hiện hàng loạt của các mẫu Parley x adidas Ultra BOOST...
...là những thiết kế mang tên NMD_R1...
...adiZero Prime...
...hay EQT, đều ứng dụng rác nhựa tái chế ở thân trên đôi giày.
Khi những đôi Parley từ một mục tiêu ban đầu là để bảo vệ môi trường, nay đã dần trở thành dòng sản phẩm mang tính thương mại, adidas đã thực sự gây tiếng vang và được công nhận về mặt thời trang đối với dự án của mình. Đơn cử là đôi Parley x adidas NMD_CS1 phát hành đầu năm ngoái, người hâm mộ thương hiệu thể thao Đức và cả những nhà mốt đình đám đã được một phen mãn nhãn với thiết kế xen kẽ sọc xanh - đen hòa vào nền chất liệu Primeknit, được đặt trên "đám mây" boost đã quá đỗi quen thuộc. Nếu không ai nói, không ai biết, liệu các fashionista có tưởng tượng được rằng chỉ vài tháng trước đây, đôi giày trị giá 220 đô Mỹ họ đang xỏ chân vào, lại đang trôi nổi trên mặt nước biển, chỏng chơ trên các bãi cát trắng với danh nghĩa "túi ni-lông" hay không?
Những gì bạn đang thấy là "một cái kết khác" của những chiếc túi ni-lông trôi nổi trên mặt biển.
Trong năm 2017, adidas sản xuất 1 triệu đôi giày Parley. Con số này ở năm 2018 đã lên đến 5 triệu; cùng kỳ năm đó, "ông lớn" ước tính đã xử đẹp 40 tấn rác thải nhựa chỉ nhờ sự sáng tạo của đội ngũ thiết kế và tầm nhìn bao quát của nhà sáng lập tổ chức Parley.
Sau những thành công liên tiếp của hãng, adidas lại đưa ra thông báo hợp tác với nhà mốt Stella McCartney để tiếp tục làm hài lòng người hâm mộ với dòng thời trang thể thao thân thiện môi trường, song cũng không kém phần thẩm mỹ. Mới đây thôi, trao đổi về kế hoạch trong tưởng lai, hãng thậm chí còn cam kết sẽ làm ra 11 triệu đôi giày theo dòng Parley nữa, tính riêng trong năm 2019.
Sau thành công vang dội, adidas lại tiếp tục hợp tác với nhà mốt Stella McCartney, lấn thân sang lĩnh vực may mặc thân thiện môi trường.
Phần về Parley for the Oceans, đại diện Cyrill Gutsch mong muốn xây dựng một tổ chức có sức ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề môi trường biển của hơn 40 quốc gia trên toàn thế giới, đồng thời có cơ hội được hợp tác với nhiều nhãn hàng khác vượt xa ranh giới thời trang trong tưởng lai, điển hình như hãng bia Corona chẳng hạn?
À mà thực chất, Corona đã hợp tác với Parley rồi! Trong ảnh là gói 6 lon bia không chút dính dáng gì đến chất liệu nhựa, biến Corona thành nhà tiên phong trong lĩnh vực này.
Mơ mộng một chút, adidas và Parley có vẻ như đang cùng hướng đến ước mơ làm cạn kiệt rác thải nhựa trên thế giới để... sản xuất giày. Song, với tốc độ tiêu thụ các sản phẩm từ nhựa đang không ngừng tăng lên như hiện nay, mục tiêu này e rằng vẫn quá khó để có thể khẳng định tính khả thi là nhiều hay ít. Nhưng, khoan hẵng tính đến viễn cảnh "khó đoán" này trong tương lai, bởi trước mắt, ta buộc phải công nhận rằng adidas hay Parley đã làm được một việc không tưởng, là đặt những viên gạch đầu vững chắc cho cả một nền công nghiệp thời trang tái chế sau này. Quả thực rác nhựa không thể biến mất trong một cái chớp mắt, và cũng không có phép màu nhiệm nào khiến điều này xảy ra nhanh chóng được. Tuy vậy, từ những hành động nhỏ, chẳng hạn như việc mua và sử dụng một đôi Parley x adidas Ultra BOOST của mỗi người chúng ta thôi, theo cấp số nhân, hẳn cũng có thể tạo nên nhiều điều khác biệt cho đại dương xanh.