Quyết định dừng chính sách miễn thị thực của Chính phủ Indonesia nêu rõ, chính sách miễn thị thực đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, dẫn đến các vụ vi phạm quy định xuất nhập cảnh, gây rối trật tự công cộng và làm lây lan dịch bệnh. Sau khi tạm dừng chính sách miễn thị thực đối với 159 nước, Indonesia chỉ còn áp dụng chính sách miễn thị thực đối với công dân các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Timor Leste.
Đền Borobudur tại Indonesia (Ảnh: VOV-Jakarta)
Theo Bộ trưởng Sandiaga Uno, sự thay đổi trong chính sách sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến lượng khách du lịch nước ngoài, vì 159 quốc gia này không đóng góp nhiều cho ngành du lịch Indonesia. Chính phủ đã đặt mục tiêu đón 8,5 triệu lượt khách du lịch nước ngoài trong năm nay, cao hơn gấp đôi so với mục tiêu 3,5 triệu lượt của năm ngoái. Tính đến thời điểm này, Indonesia đang trên đà đạt 8,5 triệu khách du lịch nước ngoài mà không cần đến 159 quốc gia này.
Dữ liệu của Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS) cho thấy, Indonesia đã ghi nhận 3,17 triệu du khách nước ngoài trong 4 tháng đầu năm nay, chỉ còn 5 triệu lượt khách du lịch nước ngoài trong phần còn lại của năm để đáp ứng mục tiêu của chính phủ. Malaysia và Singapore đã chiếm hơn 900.000 lượt khách trong năm nay. Tuy nhiên, đáng chú ý là Australia, Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt đứng thứ 3, thứ 5 và thứ 6 về lượng khách du lịch trong 4 tháng đầu năm 2023 và cùng nhau đóng góp hơn 22% vào tổng lượng khách trong cùng kỳ.
Du khách từ 3 quốc gia này từng được hưởng cơ chế miễn thị thực, nhưng giờ sẽ áp dụng cơ chế Thị thực khi đến (Visa on arrival), được Indonesia ban hành nhằm thúc đẩy “du lịch chất lượng và bền vững”. Chính phủ Indonesia cũng đang nhắm đến việc thu hút du khách nội địa, hơn là mô hình du lịch đại chúng tập trung thu hút khách du lịch quốc tế.