Huyền thoại báo đen châu Phi là có thật: Báo hoa đen siêu hiếm lần đầu tiên xuất hiện sau 100 năm

J.D, Theo Helino 21:54 13/02/2019

Báo đen là một trong những sinh vật hiếm nhất châu Phi. Và đây là lần đầu tiên sau 100 năm người ta ghi lại được hình ảnh của sinh vật như bước ra từ thần thoại này.

Báo hoa là một trong những biểu tượng sống của châu Phi. Nhưng thực ra các quốc gia tại Lục địa Đen có lưu truyền một huyền thoại khác, cũng là báo nhưng như bước ra từ thần thoại. Đó là báo đen.

Nhưng báo đen không chỉ là huyền thoại. Chúng có thật nhưng cực kỳ hiếm. Lần gần nhất hình ảnh báo đen được ghi lại là từ năm 1909. Và sau 100 năm, chúng ta mới có được tấm hình tiếp theo của báo đen tại Kenya theo lời Nick Pilfold - nhà bảo tồn đến từ sở thú San Diego.

Huyền thoại báo đen châu Phi là có thật: Báo hoa đen siêu hiếm lần đầu tiên xuất hiện sau 100 năm - Ảnh 1.

Pilfold cho biết đây là thành quả của hàng tháng trời rình rập chờ đợi. Nghe tin có báo đen xuất hiện, đội nghiên cứu của ông đã phải sử dụng camera điều khiển từ xa để theo dõi quần thể báo hoa gần khu bảo tồn Laikipia, nhưng mong bắt cho được một tấm ảnh về sinh vật đặc biệt hiếm ấy. 

"Chúng tôi đặt máy ảnh tại những khu vực khả nghi. Và sau vài tháng, những nỗ lực ấy đã cho ra trái ngọt," - Pilfold chia sẻ. 

Đó là những hình ảnh về một con báo hoa cái bị đột biến tăng hắc tố, khiến toàn thân có màu đen tuyền. Con báo cái đi cùng một con báo hoa mai khác lớn hơn có màu lông bình thường, nhiều khả năng là mẹ nó. 

Lần đầu tiên ghi lại được sau 100 năm

Trên thực tế, từng có rất nhiều trường hợp cho rằng đã nhìn thấy báo đen, nhưng lần gần nhất người ta ghi lại được hình ảnh của báo đen đã từ 100 năm trước. Đó là chú báo Addis Ababa tại Ethiopia. 

"Có vẻ như báo đen đã sống tại Kenya châu Phi bấy lâu nay, nhưng các bằng chứng thì bây giờ mới có," - Pilfold chia sẻ. 

Đội của Pilfold đã chụp được nhiều hình ảnh và cả video ghi lại cảnh báo đen oai phong bước đi trong đêm. Đây là một trong những sinh vật được xem là hiếm nhất tại Lục địa Đen.

"Đột biến melanin chỉ xảy ra ở khoảng 11% báo trên toàn cầu, nhưng hầu hết chúng sinh sống tại Đông Nam Á. Vậy nên báo đen tại châu Phi được xem là cực kỳ hiếm, với các khi nhận chủ yếu nằm ở trên giấy, và một bức ảnh vào năm 1909 tại Ethiopia." - Pilfold cho biết. 

Huyền thoại báo đen châu Phi là có thật: Báo hoa đen siêu hiếm lần đầu tiên xuất hiện sau 100 năm - Ảnh 2.

Báo đen - giấc mơ của các nhiếp ảnh gia hoang dã

Will Burrard-Lucas là người đã chụp được bức hình con báo. Ông cho biết chụp được báo đen thực sự là giấc mơ có thật trong toàn bộ sự nghiệp của mình.

"Với tôi thì không loài vật nào đủ bí hiểm, khó nắm bắt và đẹp được như báo đen," - Burrard-Lucas cho biết. "Trong nhiều năm, đó là một giấc mơ, là một huyền thoại được kể khi thắp lên ánh lửa trại. Mọi người tôi biết, chưa có ai từng nhìn thấy nó, và tôi cũng chưa từng nghĩ người có cơ hội lại là mình."

Burrard-Lucas chia sẻ ông chụp bức hình này tại trại bảo tồn Laikipia. Ông đặt sẵn máy tại khu vực lũ báo đi qua, tại nguồn nước và một số địa điểm cho tỉ lệ thành công cao.

Huyền thoại báo đen châu Phi là có thật: Báo hoa đen siêu hiếm lần đầu tiên xuất hiện sau 100 năm - Ảnh 3.

Được biết, báo hoa mai hiện là một trong những loài vật nguy cấp trong sách Đỏ của IUCN, với số lượng đang giảm dần. Dù mức độ giảm chưa được làm rõ, nhưng sở thú San Diego cho rằng có nhiều yếu tố khiến tình hình trở nên trầm trọng, bao gồm săn trộm, môi trường sống bị phá hủy, cạnh tranh tự nhiên, và xung đột với chính người dân. 

Có một điểm đáng chú ý là địa điểm Pilfold trông thấy con báo cũng rất gần với nơi phim Black Panther - chiến binh Báo Đen của Marvel được bấm máy.

Báo đen - hay hắc báo là một dạng biến dị di truyền xảy ra đối với một vài loài báo lớn. Màu đen xuất hiện là do mang đột biến gene liên quan đến quá trình chuyển hóa melanin. Có thể xem đây là một dạng đột biến ngược với bạch tạng.

Biến dị này sẽ có thể đem lại một vài ưu thế cho các cá thể sinh sống trong những khu vực có mật độ rừng dày dặc, mức chiếu sáng rất thấp.

Đây không phải là một loài riêng. Trong một lứa của cặp báo bố mẹ bình thường có thể sinh ra các cá thể mang và không mang đột biến. Biến dị này phổ biến ở báo đốm Mỹ (Panthera onca) và báo hoa mai (Panthera pardus).

Tham khảo: Science Alert, CNN