Như đã đưa tin, tàu vũ trụ New Horizons của NASA mới đây đã tiếp cận với vật thể xa và cổ xưa nhất hệ Mặt trời trong lịch sử khoa học vũ trụ. Đó là thiên thạch mang tên Ultima Thule.
Cuộc tiếp cận thực chất đã diễn ra từ khoảng 12h33 phút trưa ngày 1/1/2019 theo giờ Việt Nam, nhưng do khoảng cách giữa Ultima Thule với Trái đất là quá xa, nên phải cần đến hơn 6 tiếng đồng hồ để tín hiệu từ truyền được về Trái đất. Tổng cộng thời gian để NASA nhận và phân tích được tín hiệu là khoảng 10h.
Và mới đây, NASA đã nhận được tín hiệu đầu tiên của New Horizons, thông báo rằng con tàu đã "sống sót" sau màn tiếp cận với Ultima Thule. Được biết, vị trí hiện tại của New Horizon đang cách Trái đất khoảng 6,5 tỉ kilomet, đánh dấu sự kiện vật thể xa nhất lịch sử mà con người tiếp cận được trong hệ Mặt trời.
"Con tàu vẫn ổn," - trích lời Alice Bowman, trưởng nhóm điều hành nhiệm vụ tại ĐH Johns Hopkins. "Chúng ta vừa chinh phục vật thể xa nhất lịch sử."
Các tín hiệu đầu tiên được một anten khổng lồ của NASA đặt tại Madrid (Tây Ban Nha) thu được. Nó chỉ là các thông số kỹ thuật về tình trạng của con tàu, nhưng giúp chúng ta xác nhận New Horizons đã tiếp cận khu vực quan sát một cách an toàn, đồng thời thẻ nhớ trên bo mạch đang chứa đầy dữ liệu, sẵn sàng gửi về Trái đất.
Và đây chính là hình ảnh đầu tiên về Ultima Thule, được chụp vào ngày 30/12/2018.
Những bức ảnh rõ ràng hơn về Ultima Thule sẽ được công bố trong nay mai. Nhưng để lấy được hết những dữ liệu của Ultima Thule, dự tính sẽ phải đến tận tháng 9/2020 mới hoàn thành.
Tại sao đây lại là sự kiện rất quan trọng?
Ultima Thule nằm trong vành đai Kuiper (Kuiper belt) - một dải chứa các thiên thạch siêu lạnh bao quanh hệ Mặt trời, có quỹ đạo cách hành tinh thứ 8 là Hải Vương Tinh khoảng 2 tỷ km, và cách sao Diêm Vương 1,5 tỉ km.
Theo tính toán của NASA, vành đai Kuiper chứa hàng trăm nghìn thiên thể giống như Ultima. Tất cả có niên đại gần như cùng thời điểm hình thành Hệ Mặt trời - khoảng 4,6 tỉ năm.
Với riêng Ultima Thule, có khá nhiều điểm nó khiến cho giới khoa học cảm thấy thú vị. Đầu tiên, khu vực nó tồn tại có ánh Mặt trời chỉ bằng khoảng 0,5% những gì Trái đất nhận được, do đó nhiệt độ tại đây chỉ cách độ 0 tuyệt đối khoảng 30 - 40 độ C.
Ở mức lạnh như thế này, các phản ứng hóa học cơ bản đều bị đình trệ. Điều này có nghĩa rằng Ultima Thule có thể đang được giữ nguyên trạng giống hệt thời điểm nó ra đời. Hay nói cách khác, chúng ta sẽ được ngắm nhìn Ultima Thule giống hệt như lúc 4,6 tỉ năm về trước.
Lý do tiếp theo là vì Ultima tương đối nhỏ (chỉ khoảng 30km chiều ngang). Có nghĩa rằng chỉ New Horizons là đủ để nghiên cứu nó mà không cần đến những cỗ máy lớn hơn trong tương lai.
Và thứ 3 là vị trí của nó - hoàn toàn trong vành đai Kuiper. Bên trong Hệ Mặt trời, các vật thể hoàn toàn có thể va chạm lẫn nhau. Vành đai Kuiper thì khác, nó hoàn toàn ổn định, nên có thể nói Ultima hoàn toàn vô sự từ đó đến nay.
"Mọi thứ chúng ta sẽ tìm hiểu về Ultima - từ thành phần, cấu tạo, cách nó được hình thành, cho đến việc liệu nó có khí quyển và vệ tinh xoay quanh không - sẽ tiết lộ rất nhiều về thời điểm Hệ Mặt trời ra đời. Ultima thực sự là một vật thể độc nhất vô nhị." - Alen Stern, chuyên gia phụ trách dự án New Horizons cho biết.
Tham khảo: BBC