Chúng ta đều biết rằng thành công của một con người không thể chỉ đến từ năng lực vốn có, mà còn cần có sự khéo léo trong cách ứng xử. Chính vì vậy, giao tiếp thông minh luôn là một trong những yếu tố quan trọng mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm ở một nhân viên.
Trong môi trường công sở, việc đối đáp khéo léo với cấp trên và đồng nghiệp cũng là cách con người thể hiện sự nhạy bén trong giao tiếp và tư duy. Cũng từ đó, nhà lãnh đạo có tầm nhìn sẽ đánh giá được tiềm năng của nhân viên, từ đó mang đến cho họ nhiều cơ hội phát triển trong tương lai. Và cách để kiểm tra EQ của nhân viên hiệu quả nhất chính là đặt ra những câu hỏi tình huống đơn giản trong quá trình phỏng vấn hay ngay tại nơi làm việc.
Dưới đây là câu chuyện của nam ứng viên Tiểu Hào (23 tuổi, nhân viên văn phòng, Trung Quốc) sẽ giúp bạn dễ dàng hình dung ra tình huống và cách đối đáp hợp lý.
Theo đó, sau khi tốt nghiệp đại học ở Bắc Kinh (Trung Quốc), Tiểu Hào quyết định ở lại thành phố để tìm kiếm một công việc phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân. Anh đã nộp đơn vào vị trí chuyên viên quan hệ công chúng của một công ty hoạt động trong lĩnh vực truyền thông - quảng cáo.
Ảnh minh họa
Ngày tham gia phỏng vấn, Tiểu Hào đã thể hiện rất tốt năng lực, kiến thức cũng như sự nhạy bén trong giao tiếp của bản thân. Tuy nhiên, khi buổi phỏng vấn vừa kết thúc, nhà tuyển dụng đột nhiên nói: ‘‘Chàng trai trẻ, tôi đang cần tiền gấp. Cậu có thể cho tôi vay 100 NDT (khoảng 350.000 đồng) được không?’’.
Nhận được câu hỏi, Tiểu Hào tuy hơi bất ngờ nhưng vẫn cho rằng đây là một tình huống giả định của HR. Ngay lập tức, chàng trai trẻ đáp: ‘‘Xin lỗi, hôm nay tôi không mang tiền. Anh đang cần tiền để dùng vào việc gì cấp bách sao?’’.
Nghe xong, nhà tuyển dụng nói: ‘‘Không, cảm ơn cậu đã tham gia phỏng vấn. Cậu đã làm rất tốt. Câu trả lời tuy ngắn gọn nhưng lại vô cùng dứt khoát và không khiến đối phương chạnh lòng. Chúng tôi sẽ thông báo kết quả tuyển dụng cho cậu trong thời gian sớm nhất’’.
Ba ngày sau, Tiểu Hào nhận được email thông báo trúng tuyển vào công ty. Trong thư, nhà tuyển dụng còn đánh giá cao khả năng ứng xử và giao tiếp của chàng trai trẻ. Họ bày tỏ hy vọng Tiểu Hào sẽ thể hiện tốt hơn nữa điểm mạnh này trong thời gian sắp tới.
Nhìn lại câu trả lời của Tiểu Hào, rõ ràng anh ta đang từ chối khéo lời đề nghị vay tiền của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên trong trường hợp này, Tiểu Hào và người phỏng vấn chỉ mới gặp nhau không quá 1 tiếng đồng hồ. Việc bất ngờ hỏi vay tiền đối phương trong trường hợp này được cho là khiếm nhã và Tiểu Hào cũng có quyền từ chối. Tuy nhiên, chàng trai 23 tuổi đã khéo léo lấy lý do không mang đủ tiền, sau đó còn thể hiện sự quan tâm với vấn đề của nhà tuyển dụng. Lúc này, đối phương sẽ không cảm thấy hụt hẫng khi bị từ chối khéo.
Ảnh minh họa
Trên thực tế, câu trả lời của Tiểu Hào vừa bày tỏ sự quan tâm tới mục đích vay tiền của HR, vừa là cách thăm dò nhu cầu của đối phương để từ đó đưa ra quyết định cho vay tiền dựa trên tình hình tài chính của bản thân. Đây được cho là cách ứng xử khéo léo và tinh tế trong tình huống này.
Trong trường hợp người quen hỏi vay tiền, bạn có thể lựa chọn cách trả lời giống Tiểu Hào nếu muốn từ chối. Ngoài ra, bạn cũng có thể đáp ‘‘bao giờ bạn sẽ trả?’’. Đây là cách cho thấy sự nghiêm túc của bạn khi có ý định cho một ai đó vay tiền. Đối phương nghe được cũng sẽ có ý thức hơn trong việc ấn định ngày hoàn trả.
Với vấn đề cho vay tiền, mỗi cá nhân nên có quan điểm nghiêm túc cho dù đó là người lạ hay quen. Nên nhớ, với các mối quan hệ càng thân thiết, bạn càng phải tỉnh táo với những vấn đề liên quan đến lợi ích, không nhầm lẫn ân huệ với tiền bạc. Bạn không vay tiền hoặc cho vay một cách tùy tiện và cần học cách xử lý tình huống này một cách khéo léo. Như vậy, bản thân mới tránh được sự tan vỡ vì lợi ích.
Theo Toutiao
Khuê Hiền