Mới đây, câu chuyện về một cậu bé bị cô giáo chấm sai bài vẽ con gà đang khiến cộng đồng mạng Trung Quốc không khỏi bật cười nhưng cũng để lại không ít suy ngẫm.
Trong bức tranh, chú gà được cậu bé vẽ tròn vo, lông xù, nhìn qua thì có vẻ khác xa với hình mẫu "con gà chuẩn" trong sách giáo khoa. Kết quả, cô giáo thẳng tay gạch bài và phê: "Vẽ sai, không giống gà!". Thế nhưng, người bố của cậu bé đã không chấp nhận điều đó. Anh lập tức lấy hình ảnh thật của một chú gà tròn như quả bóng lông, đặt cạnh bức tranh của con rồi hỏi ngược lại: "Ai dám nói nó không giống con gà?".
Hình ảnh đối chiếu ấy lan truyền chóng mặt, khiến nhiều người phải bật cười và đồng tình với người bố. Quả thật, trên đời này, đâu phải con gà nào cũng phải theo khuôn mẫu sách vở? Có những chú gà béo múp, lông phồng lên thành một khối tròn vo như chiếc bánh bao, chẳng khác gì bức tranh ngây thơ nhưng chân thực của cậu bé kia.
Con gà trong bức vẽ
... và con gà trong thực tế.
Câu chuyện tưởng chừng chỉ là chuyện cười vui, nhưng thực ra, nó chạm đúng vào một vấn đề nghiêm túc trong giáo dục: Chúng ta có đang quá cứng nhắc, ép học sinh vào khuôn mẫu, làm nghẹt thở trí tưởng tượng phong phú của các em?
Trẻ con vẽ tranh không chỉ để thể hiện hình ảnh mà chúng thấy, mà còn để phóng chiếu thế giới trong tâm trí chúng. Một con gà tròn vo? Biết đâu đó là con gà nhà em, hoặc là cách em nhìn thế giới qua lăng kính đáng yêu, mềm mại, và không theo bất kỳ khuôn thước nào. Nếu người lớn, đặc biệt là giáo viên, chỉ chăm chăm vào việc bắt lỗi hình dáng, ép học sinh phải vẽ "đúng chuẩn", thì chẳng khác nào ta đang dập tắt ngọn lửa sáng tạo vừa nhen nhóm trong các em.
Giáo dục, nhất là giáo dục mỹ thuật, không nên trở thành bài kiểm tra hình mẫu khô cứng. Mỗi nét vẽ của trẻ là một thế giới riêng, và người thầy không phải người sửa chữa hay phán xét, mà là người dẫn dắt, khích lệ các em tự do khám phá khả năng của mình.
Chúng ta vẫn nói rằng cần nuôi dưỡng tư duy sáng tạo, rèn luyện trí tưởng tượng cho thế hệ trẻ, nhưng lại có không ít trường hợp, chính sự cứng nhắc của người lớn đã vô tình bóp nghẹt điều đó. Một bức tranh con gà hôm nay có thể là câu chuyện vui, nhưng nếu cách đánh giá hẹp hòi này cứ lặp đi lặp lại, nó sẽ để lại vết hằn sâu trong nhận thức của đứa trẻ: rằng chỉ có một cách duy nhất để thể hiện, rằng sáng tạo là nguy hiểm, rằng khác biệt thì sẽ bị chấm điểm thấp.
Hãy học cách nhìn thế giới qua đôi mắt trẻ thơ, nơi mọi thứ đều có thể khác biệt mà vẫn đúng, nơi trí tưởng tượng là vô giá. Chỉ khi giáo viên, phụ huynh và cả xã hội cùng mở lòng, chấp nhận sự đa dạng trong cách nhìn, thì những đứa trẻ hôm nay mới có thể lớn lên thành những người sáng tạo, tự tin, dám nghĩ khác và dám làm khác.