Tại Trung Quốc, một câu chuyện nhỏ nhưng mang ý nghĩa sâu sắc về cách hành xử và nền tảng giáo dục gia đình đang thu hút sự chú ý lớn trên mạng xã hội. Câu chuyện được đăng tải bởi một người dùng mạng, chia sẻ về hành động cảm động của chính ông nội mình – một cụ ông đã viết thư tay để cảm ơn nhân viên nhà hàng sau khi được phục vụ bữa lẩu.
Trong bức ảnh được lan truyền nhanh chóng, cụ ông với mái đầu bạc và dáng vẻ hiền hậu đang chăm chú viết gì đó trên mặt bàn. Hóa ra, đó là một bức thư cảm ơn ngắn gọn gửi đến các nhân viên phục vụ trong nhà hàng. Theo lời kể của người cháu, sau khi dùng xong bữa, ông cảm thấy rất cảm kích trước sự nhiệt tình, chu đáo của nhân viên nên đã quyết định viết một bức thư nhỏ để bày tỏ lòng biết ơn.
Dù khi đó nhân viên nhà hàng đã nói rằng họ chỉ đang làm đúng công việc và khách hàng là người trả tiền, ông vẫn một mực nói rằng "biết ơn là điều nên làm", và tiếp tục hoàn tất lá thư cảm ơn với nét chữ nắn nót.
Người ông cặm cụi viết thư tay cảm ơn nhân viên trong quán lẩu
Câu chuyện tưởng chừng đơn giản này đã chạm đến trái tim của hàng triệu người. Người cháu chia sẻ thêm rằng từ khi còn nhỏ, ông luôn dạy các thành viên trong gia đình một nguyên tắc: “Giáo dục tốt là biết tôn trọng người khác”.
Không cần đến những bài giảng dài dòng, ông dùng chính hành động thực tế để truyền dạy cho con cháu giá trị của sự tử tế, lòng biết ơn và sự tôn trọng trong cuộc sống hàng ngày. Sự giáo dục không nằm ở lời nói, mà ở chính cách ta cư xử với người khác – dù họ là ai, làm nghề gì hay địa vị xã hội ra sao.
Bất kể tôi đang đối mặt với ai, danh tính hay nghề nghiệp của họ là gì, tôi đều trân trọng những nỗ lực của họ và tôn trọng thành quả lao động của họ - Đây chính là thông điệp tốt đẹp mà ông cụ đang truyền tải.
Ngay sau khi được chia sẻ, bài viết đã nhận được hàng trăm ngàn lượt thích, bình luận và chia sẻ. Phần lớn cư dân mạng Trung Quốc bày tỏ sự cảm động và ngưỡng mộ với hành động của cụ ông. Một số người để lại bình luận:
- “Tôi muốn làm cháu của ông! Một người ông như vậy sẽ nuôi dạy cả gia đình tử tế biết bao”.
- “Đây chính là sự dạy con bằng hành động, không cần mắng mỏ, không cần trách phạt”.
- “Một bức thư cảm ơn không tốn gì cả, nhưng lại là món quà tinh thần quý giá nhất với những người làm dịch vụ”.
- “Giáo dục không phải là để thi đỗ đại học, mà là để trở thành người tử tế. Cụ ông đã làm được điều đó”.
Không ít người cũng chia sẻ lại những kỷ niệm tương tự về cha mẹ, ông bà mình – những người thế hệ cũ tuy ít nói nhưng luôn dùng hành động để dạy dỗ con cháu về lòng nhân ái và sự khiêm nhường.
Giáo dục gia đình không nhất thiết phải là những triết lý phức tạp. Đôi khi, chỉ một hành động nhỏ cũng đủ gieo vào lòng trẻ thơ những bài học cả đời không quên. Trong thời đại mà nhiều người chạy theo vật chất và thành tích, thì hình ảnh một cụ ông ngồi viết thư cảm ơn lại trở thành biểu tượng đẹp đẽ về những giá trị truyền thống đáng gìn giữ.
Hy vọng rằng, mỗi chúng ta – dù là cha mẹ, ông bà hay con cháu – đều có thể học được từ câu chuyện này một điều: trở thành người tử tế chính là nền tảng vững chắc nhất cho một gia đình có giáo dục.