"Mẹ ơi, đau quá, cứu con..." - Kiểm tra những trang viết của con, tim người mẹ như bị xát muối

Hiểu Đan, Theo Đời sống & Pháp luật 17:28 30/04/2025
Chia sẻ

Trong căn phòng bệnh viện lạnh lẽo, tiếng thở gấp của cậu bé 16 tuổi dần yếu đi.

"Mẹ ơi, con đau quá, cứu con!" – đó là những lời cuối cùng của Vu Hành Kiện, thần đồng tin học từng đoạt huy chương bạc Olympic Trung Quốc, trước khi rơi từ tầng thượng chung cư xuống đất. Cái chết của cậu bé để lại câu hỏi nhức nhối: Điều gì đã đẩy một thiên tài trẻ vào bước đường cùng?

"Mẹ ơi, đau quá, cứu con..." - Kiểm tra những trang viết của con, tim người mẹ như bị xát muối- Ảnh 1.

Vu Hành Kiện

Thần đồng với bộ sưu tập huy chương

Hành Kiện từ nhỏ đã được mệnh danh là "thần đồng Tin học". Năm lớp 5, cậu bắt đầu tham gia các cuộc thi lập trình. Đến năm 2023, khi mới học cấp 2, cậu đã đoạt huy chương vàng cuộc thi Khoa học kỹ thuật toàn quốc với 497/500 điểm, cách biệt lớn so với thí sinh xếp sau. Năm 2024, cậu tiếp tục gây sốt khi giành vị trí số 1 Olympic Tin học tỉnh Liêu Ninh và huy chương bạc toàn quốc.

Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau bộ sưu tập thành tích ấn tượng ấy là một cậu bé luôn sống trong căng thẳng. 

Trên trang code cuối cùng Hành Kiện viết trước khi mất, người ta tìm thấy những nét vẽ nguệch ngoạc, những khuôn mặt cười méo mó – dấu hiệu của một tâm hồn đang rối loạn.

"Con làm tất cả vì bố mẹ"

Trong bức thư, đứa trẻ viết: "Mấy năm gần đây, con mất hết niềm vui. Con không thích học, không thích thể thao, làm mọi thứ chỉ để bố mẹ vui. Con yêu bố mẹ nên cam chịu làm những điều mình ghét".

Những dòng chữ này khiến nhiều người rùng mình. Hóa ra, đằng sau ánh hào quang của thần đồng là một đứa trẻ không được sống đúng với bản thân. Áp lực thành tích đè nặng khiến cậu bé không có quyền thất bại. Một lần thi không đạt kỳ vọng đã trở thành giọt nước tràn ly.

Điều đáng nói là khi Hành Kiện có biểu hiện nổi loạn, thay vì tìm hiểu nguyên nhân, cha mẹ lại gọi đó là "ma tính trỗi dậy" và muốn "cải tạo" cậu như một tội phạm. Trong mắt họ, đứa con thần đồng phải luôn hoàn hảo, không được phép có bất cứ sai lệch nào.

Câu chuyện của Hành Kiện không phải là trường hợp duy nhất. Hai năm trước, cộng đồng mạng từng chấn động trước vụ tự tử của Trương Nhất Đắc – thần đồng 18 tuổi đang học tại Đại học Emory (Mỹ).

Nhìn bề ngoài, Nhất Đắc có cuộc sống đáng mơ ước, 18 tuổi vào đại học top đầu với học bổng toàn phần. Nhưng ít ai biết rằng, để có được điều đó, cậu phải trải qua tuổi thơ đầy ám ảnh.

Cha Nhất Đắc – ông Trương, từng là giám đốc công ty lớn, bỏ việc để toàn tâm toàn ý "đào tạo" con trai. Ông bắt cậu bé chỉ được nói tiếng Anh từ nhỏ, đến mức 3 tuổi muốn uống chai Coca cũng phải viết ra giấy thay vì nói. Khi vào tiểu học, cậu bị ép phải luôn đứng đầu lớp, nếu không sẽ bị phạt nặng.

Trong đơn ứng tuyển đại học, Nhất Đắc viết: "Tôi ghét tuổi thơ của mình. Tôi sợ tiếng sấm, sợ tiếp xúc với những đứa trẻ nhà giàu vì luôn cảm thấy tự ti". Những dòng tâm sự này như lời cảnh báo về một tâm hồn đã kiệt quệ, nhưng không được lắng nghe.

Bài học đắt giá

Câu chuyện của Hành Kiện và Nhất Đắc khiến nhiều phụ huynh giật mình. Trong xã hội hiện đại, nhiều cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái, biến chúng thành "cỗ máy thành tích" mà quên mất chúng cũng cần được sống, được yêu thương vô điều kiện.

Một chuyên gia tâm lý trẻ em chia sẻ: "Trẻ cần ba điều cơ bản: Được thấy – khi cảm xúc của chúng được thấu hiểu; Được phép thất bại – để biết rằng giá trị bản thân không phụ thuộc vào điểm số; Và quan trọng nhất là được yêu thương vô điều kiện – dù chúng có là thần đồng hay chỉ là một đứa trẻ bình thường".

Như lời một người cha khác từng nói với con mình: "Ở tuổi con, hãy cứ làm điều mình thích. Dù sau này con có làm nghề gì, chỉ cần con hạnh phúc, bố sẽ luôn vui. Hãy nhớ đặt bản thân lên đầu tiên". Đó có lẽ là bài học đắt giá nhất mà bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng cần ghi nhớ.

Huy chương dù sáng đến đâu cũng không thể thay thế cho ánh sáng của một tâm hồn khỏe mạnh. Trước khi muốn con trở thành thần đồng, hãy để chúng được là một đứa trẻ đúng nghĩa. Bởi như câu nói của nhà giáo dục nổi tiếng Maria Montessori: "Đứa trẻ không phải cái bình cần đổ đầy, mà là ngọn lửa cần được thắp sáng".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày