Nhắc đến Doraemon, không ai là không nhớ đến chú mèo máy tròn trĩnh màu xanh da trời với chiếc túi thần kỳ treo trước bụng và kho bảo bối không bao giờ cạn. Trong suốt hành trình hơn 50 năm kể từ khi ra đời, Doraemon đã trở thành biểu tượng của tuổi thơ, là người bạn tưởng tượng nhưng lại rất thật – người luôn sẵn sàng bên cạnh, đưa ra những món đồ kỳ lạ để cứu nguy cậu bạn Nobita mỗi lần rơi vào rắc rối. Doraemon có thể giúp bạn quay ngược thời gian, bay lên trời, tàng hình hay thậm chí là du hành vũ trụ. Trong mắt hàng triệu độc giả, Doraemon là hiện thân của phép màu.
Thế nhưng, đằng sau ánh hào quang đó, ít ai biết rằng chú “mèo ú” lại mang trong mình một tuổi thơ đáng thương – tuổi thơ của một món đồ từng bị xem là vô dụng. Vốn dĩ có người gọi Doraemon là “mèo hoang”, không phải vì Doraemon sống lang bạt, mà bởi Doraemon thật ra là một món đồ chơi bỏ đi. Không phải phiên bản robot cao cấp, không phải hàng đặt riêng hay độc quyền, Doraemon là sản phẩm lỗi, từng bị loại khỏi dây chuyền sản xuất và bán với giá rẻ mạt ở chợ đồ cũ.
Trong suốt hành trình hơn 50 năm kể từ khi ra đời, Doraemon đã trở thành biểu tượng của tuổi thơ.
Ai cũng biết Doraemon được Sewashi – cháu cố của Nobita – gửi về từ tương lai để giúp đỡ ông tổ của mình thoát khỏi một tương lai đen tối. Thế nhưng, chi tiết ít người để tâm là: vì không có tiền, Sewashi buộc phải lựa chọn giải pháp tiết kiệm nhất – mua lại một món robot cũ, loại hàng lỗi từ nhà máy. Và thế là Doraemon, một chú mèo máy từng bị bỏ rơi, được trao sứ mệnh to lớn: thay đổi số phận của một con người.
Thật cay đắng thay khi hiểu ra rằng Doraemon – nhân vật mang đến bao phép màu, lại không hề được sinh ra với sứ mệnh đặc biệt nào. Thậm chí, Doraemon từng không có lý do để tồn tại. Mèo ú mất tai vì tai nạn kỹ thuật, rồi từ đó sinh ra nỗi sợ chuột ám ảnh suốt đời. Cũng vì khiếm khuyết ấy, mèo ú bị bạn bè robot chê cười, bị người ta trả lại nhà máy, không ai muốn giữ. Trong một tập truyện đặc biệt, hình ảnh Doraemon ngồi một mình, khóc trên sân thượng sau khi nghe được sự thật về thân phận của mình, đã khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Có một sự thật là, Doraemon không phải nhân vật toàn năng ngay từ đầu. Mèo ú học cách trở nên hữu ích bằng chính lòng kiên nhẫn và tinh thần vượt lên số phận. Doraemon không đến từ tầng lớp "robot tinh anh", nhưng lại mang trong mình một điều quý giá hơn cả công nghệ: sự tử tế. Dù xuất phát điểm là món đồ bỏ đi, chú vẫn cố gắng học cách sử dụng các bảo bối, rèn luyện kỹ năng, tìm cách thích nghi để có thể chăm sóc Nobita một cách tốt nhất. Trong từng tập truyện, dù bảo bối có hiện đại đến đâu, điều khiến người đọc cảm động lại chính là sự quan tâm lặng lẽ và tình cảm chân thành mà Doraemon dành cho cậu bé hậu đậu kia.
Có lẽ chính vì từng là một món đồ bị từ chối, Doraemon càng hiểu rõ cảm giác cô đơn, bị chối bỏ, bị đánh giá thấp. Điều đó khiến Doraemon trở thành người bạn đồng cảm hoàn hảo với Nobita – cậu bé suốt ngày bị điểm kém, bị bạn bè bắt nạt và bị chính bố mẹ nghi ngờ năng lực. Doraemon không chỉ giúp Nobita vượt qua rắc rối, mà còn giúp cậu học cách trưởng thành. Có nhiều lần, thay vì cho mượn bảo bối, Doraemon chọn cách lặng lẽ theo dõi, để Nobita tự giải quyết vấn đề – bởi vì trưởng thành là hành trình ai cũng phải tự bước đi.
Doraemonhiểu rõ cảm giác cô đơn, bị chối bỏ, bị đánh giá thấp.
Nếu nhìn kỹ hơn, ta sẽ thấy sự tương phản đầy nhân văn giữa vẻ ngoài toàn năng của Doraemon và tuổi thơ tổn thương của chú mèo màu xanh này. Nó giống như lời nhắn nhủ nhẹ nhàng rằng: không cần phải hoàn hảo ngay từ đầu, chỉ cần không ngừng cố gắng thì ai cũng có thể trở thành điều kỳ diệu trong cuộc đời ai đó. Doraemon không phải là “siêu robot” được lập trình để chiến thắng, mà là chú mèo máy từng bị vứt bỏ nhưng đã chọn con đường yêu thương – yêu thương Nobita, yêu thương chính mình, và rồi trở thành biểu tượng không thể thay thế của cả thế giới.
Trong xã hội hiện đại, câu chuyện về Doraemon khiến ta chợt nhận ra: đôi khi, những gì bị xem thường, bị gạt ra bên lề – lại là thứ có sức mạnh thay đổi một cuộc đời. Giống như Doraemon, rất nhiều người từng là “đồ bỏ đi” trong mắt người khác – vì không giỏi giang, không nổi bật, không đủ điều kiện – nhưng nếu được tin tưởng và cho cơ hội, họ có thể trở thành người hùng theo cách rất riêng của mình.
Và thế là, Doraemon – chú mèo toàn năng – hóa ra cũng chỉ là một “mèo hoang” đi tìm ý nghĩa tồn tại. Nhưng bằng sự kiên trì và trái tim nhân hậu, Doraemon đã biến sứ mệnh ban đầu chỉ là “đi sửa sai cho quá khứ” thành một hành trình dài đầy yêu thương, nơi mà một món đồ bỏ đi lại trở thành người bạn tuyệt vời nhất của hàng triệu người.
Tổng hợp