Yếu tố trực tiếp quyết định sự thành công của trẻ không chỉ nằm ở phương pháp giáo dục của cha mẹ mà còn ở việc cha mẹ có thể duy trì được sự lý trí và quyết tâm trong suốt quá trình phát triển của trẻ hay không. Nhiều khi, tương lai thành công của trẻ em phụ thuộc vào sự quyết tâm của cha mẹ.
Trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh theo đuổi những trường học danh tiếng một cách thái quá, và dùng mọi cách để thúc ép con mình phải đạt điểm cao. Một blogger nổi tiếng đã từng chia sẻ về trải nghiệm trưởng thành của chính mình trên mạng xã hội Douyin (Trung Quốc): Khi cô lớn lên, mẹ cô vô cùng nghiêm khắc với cô và chỉ cho phép cô tiến bộ trong học tập chứ không cho phép cô thụt lùi.
Trong kỳ thi năm thứ hai trung học cơ sở, cô xếp thứ 18 trong lớp, nhưng mẹ cô vẫn chưa hài lòng. Kể cả trong kỳ nghỉ, cô gái vẫn bị mẹ đánh thức lúc 6 giờ sáng mỗi ngày để học. Dưới chính sách gây áp lực cao của mẹ, cô giống như một cái máy phải vận hành liên tục. Ngoại trừ việc ăn và ngủ, cô ấy dành toàn bộ thời gian cho việc học. Sau đó, cô cuối cùng cũng đỗ vào Đại học Bắc Kinh như mong muốn của mẹ cô.
Nhưng sau khi vào đại học, cô nhận ra rằng mình chẳng biết gì ngoài việc học. Mặc dù được bao quanh bởi các bạn cùng lớp đang nỗ lực theo đuổi ước mơ, cô vẫn không biết tương lai của mình sẽ ra sao. Cô bắt đầu sợ tiếp xúc với người khác và ẩn mình trong lớp vỏ bảo vệ của riêng mình. Cô ấy trốn học, bị mất ngủ, uống rượu mỗi ngày và cuối cùng bị trầm cảm.
Nhiều bậc phụ huynh cũng hành xử tương tự, họ đã ép con mình phải chạy đua liên tục và luôn lo sợ rằng con mình sẽ thua ngay từ vạch xuất phát. Nhưng trên thực tế, sự lo lắng quá mức và mong muốn thành công nhanh chóng của cha mẹ thường khiến trẻ cảm thấy căng thẳng và gây ra nhiều tác động tiêu cực.
Một nghiên cứu từng phát hiện ra rằng trẻ em được nuôi dưỡng bởi cha mẹ hay lo lắng có nguy cơ mắc các vấn đề về cảm xúc như trầm cảm cao gấp ba lần so với những trẻ em sống trong gia đình bình thường. Không chỉ vậy, nhiều phụ huynh không có mục tiêu và kế hoạch rõ ràng khi giáo dục con cái mà chỉ dựa vào xu hướng chung và đưa ra quyết định dựa trên những gì họ nghe được: Khi nghe nói một ngành học nào đó đang thịnh hành, họ cho con mình theo học mà không hề cân nhắc đến sở thích và ý kiến riêng của con.
Blogger Triệu Vũ đã chia sẻ câu chuyện của chính mình: Khi anh còn nhỏ, mẹ anh biết rằng những học sinh có năng khiếu thể thao có thể được cộng thêm điểm để vào các trường đại học thuộc top đầu, vì vậy bà đã tự mình cho anh theo đuổi con đường bóng chuyền năng khiếu.
Không dễ để trở thành một cầu thủ bóng chuyền. Ngoài việc luyện tập bóng chuyền mỗi ngày, anh còn phải học và tập luyện liên tục. Mặc dù những ngày đó vô cùng buồn chán và mệt mỏi, nhưng anh vẫn kiên trì dưới sự động viên của mẹ. Cuối cùng, mặc dù điểm thi đại học của anh chỉ đạt ngưỡng đầu vào, anh vẫn có thể trúng tuyển vào một trường đại học danh tiếng với chứng chỉ vận động viên bóng chuyền hạng nhì toàn quốc.
Nhưng sau khi vào đại học, anh đột nhiên rơi vào tình trạng bối rối và hỗn loạn. Anh ấy không hứng thú với chuyên ngành mình đang học và không muốn chơi bóng chuyền nữa vì nhiều năm luyện tập thực dụng đã khiến anh ấy chán bóng chuyền. Anh ấy đã ở trong tình trạng choáng váng suốt bốn năm học đại học và thường xuyên trượt kỳ thi.
Cuối cùng anh cũng tốt nghiệp, nhưng vì không có kỹ năng đặc biệt nên anh liên tục gặp khó khăn trong việc tìm việc làm. Dưới những đòn giáng liên tiếp, anh tuyệt vọng và ngày nào cũng than thở với chính mình: Cuộc sống của tôi chẳng có ý nghĩa gì!
Nếu một đứa trẻ thậm chí không có ý thức cơ bản nhất về giá trị và không biết lý do tại sao mình sống thì rất dễ trở thành một "zombie" và cuối cùng trở thành một "thân trâu ngựa" chỉ biết nghe theo sự dẫn dắt của người khác mà không hề có chính kiến riêng của mình.
Nhà giáo dục Rousseau đã từng nói: "Sử dụng thời gian không đúng mục đích còn có hại hơn là lãng phí nó". Nếu cha mẹ dùng vũ lực để kiểm soát con cái hoặc mù quáng lên kế hoạch cho cuộc sống của con cái bằng cách chạy theo đám đông, họ có thể hủy hoại cuộc đời con mình.
Ngược lại, những bậc cha mẹ không bị thế giới bên ngoài làm phiền, có đủ quyết tâm để theo đuổi ý tưởng của mình và lên kế hoạch cẩn thận cho tương lai của con cái có thể trở thành người chiến thắng cuối cùng. Để duy trì sự tập trung, cha mẹ cần rèn luyện ba nguyên tắc sau:
Trong xã hội học, có một thuật ngữ gọi là "hiệu ứng sân khấu". Điều này có nghĩa là một nhóm người đang xem một vở kịch trong rạp hát và những người ở hàng ghế đầu đứng dậy. Để có thể nhìn rõ sân khấu, khán giả ở hàng ghế sau cũng phải đứng lên.
Nhiều phụ huynh cũng như vậy. Họ không thể không theo dõi xu hướng học tập của những đứa trẻ khác; họ chỉ đơn giản bắt chước những bậc phụ huynh khác chi tiền cho con mình. Kết quả là, con cái họ bị cuốn vào vòng xoáy của "hiệu ứng sân khấu" và ngày càng kiệt sức.
Những bậc cha mẹ thực sự lý trí sẽ có đủ can đảm để chống lại "hiệu ứng sân khấu". Cách đây một thời gian, một cô gái 11 tuổi ở Hàng Châu (Trung Quốc) đã trở nên nổi tiếng. Tuy còn trẻ nhưng em đã có thể làm được hàng chục loại bánh ngọt, gồm bánh ngọt, bánh hoa đào, bánh trung thu... Em cũng có đầu óc kinh doanh tốt, có thể kiếm được vài triệu đồng mỗi ngày nhờ việc dựng quầy hàng vào những ngày lễ.
Nhìn thấy niềm đam mê nấu ăn và làm bánh của con gái, mẹ cô rất ủng hộ. Bà mẹ không chỉ mua cho cô hơn chục cuốn sách dạy nấu ăn và nhiều dụng cụ làm bánh mà còn chân thành thốt lên: "Cuộc sống là một vùng hoang dã, không phải là một con đường mòn. Mọi người nên sống cuộc sống của mình theo cách họ thích. Tôi tin rằng miễn là bạn đam mê điều gì đó và phát triển nó thành sự nghiệp bền bỉ thì con cái bạn sẽ hạnh phúc và vui vẻ trong nhiều năm tới. "
Một người mẹ tỉnh táo và khôn ngoan như vậy xứng đáng được khen ngợi. Mức độ quyết tâm đầu tiên của cha mẹ là liệu họ có thể giữ được sự tỉnh táo và không bị choáng ngợp bởi sự lo lắng trên con đường giáo dục con cái hay không.
Các nhà tâm lý học chỉ ra rằng vai trò của cha mẹ nên là hướng dẫn thay vì kiểm soát. Là cha mẹ, chúng ta luôn muốn con mình tránh được những cạm bẫy mà chúng ta đã gặp phải, nhưng chúng ta quên rằng ẩn sau mỗi cạm bẫy đều có những bài học quý giá. Trong thời đại ngày nay, điều cha mẹ nên dạy con cái mình nhất chính là hãy lắng nghe tiếng nói bên trong mình và quyết định dựa trên điều mình thực sự đam mê.
Nếu bạn là một chuyên gia trong lĩnh vực nào đó, điều đó không có nghĩa rằng con cái bạn nhất định phải đi theo con đường đó. Hãy để những đứa trẻ được tự lựa chọn con đường đi cho mình theo đúng đam mê và sở thích. Khi trẻ học cách hiểu được bản thân, hiểu được đam mê thì cha mẹ cũng cần học cách lắng nghe và tôn trọng con cái, thay vì sự áp đặt và kiểm soát.
Thực tế cho thấy, sự áp đặt, kiểm soát quá mức chỉ gây ra những tác động tiêu cực thay vì hiệu quả tích cực. Những đứa trẻ phải chịu sức ép từ cha mẹ sẽ có xu hướng nổi loạn, chống đối ngầm hoặc trở thành nhưng cá nhân thụ động, hoang mang và bối rối trước tương lai của chính mình.
Cách giáo dục tốt nhất không phải là chạy theo xu hướng một cách mù quáng và kiểm soát cuộc sống của trẻ, cũng không phải là buông thả hoàn toàn, mà là "tùy chỉnh" theo tính cách của trẻ: Trẻ em năng động và hoạt bát có thể là ứng cử viên tốt cho các môn thể thao. Bạn có thể cho trẻ trải nghiệm nhiều môn thể thao khác nhau. Nếu con bạn thích vẽ, bạn có thể mua cho bé những chiếc cọ tốt nhất để bé có thể phát huy hết tài năng nghệ thuật của mình.
Một cư dân mạng là người có bằng thạc sĩ từ trường đại học danh tiếng và chồng cô là người tốt nghiệp tiến sĩ từ Đại học Bắc Kinh. Cả hai đều là những bậc thầy học thuật tiêu biểu. Hai người định cư tại Bắc Kinh với hy vọng mang đến cho con mình nguồn học tập tốt nhất. Tuy nhiên, con trai họ lại học rất kém ngay từ nhỏ.
Mặc dù cặp đôi này đã đặc biệt mua một căn nhà đắt tiền trong khu vực trường học để cho con mình vào một ngôi trường danh tiếng, nhưng điểm số của đứa trẻ vẫn ở mức thấp nhất lớp. Nhưng người mẹ tình cờ phát hiện ra rằng con trai mình có khả năng thực hành và kỹ năng hội họa tốt, và thích học lịch sử.
Trong kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông, người mẹ đã đưa ra quyết định dựa trên hoàn cảnh thực tế của con trai: cho con vào học trường trung cấp nghề chuyên ngành trùng tu di tích văn hóa. Cứ như vậy, vài năm trôi qua, đứa trẻ đã trở thành một chuyên gia phục chế di tích văn hóa có tiếng trong ngành với mức thu nhập khá, trong khi bạn bè cùng trang lứa vẫn đang loay hoay tìm việc.
Sự hiểu biết và quyết định sáng suốt của người mẹ này thật đáng ngưỡng mộ. Nhưng không phải phụ huynh nào cũng có suy nghĩ như vậy. Điều này đòi hỏi cha mẹ phải nỗ lực và suy nghĩ trên cơ sở tôn trọng con cái mình. Do đó, thách thức lớn nhất đối với cha mẹ không phải là làm sao để con mình có bảng điểm học tập tốt mà là cung cấp cho trẻ em sự hướng dẫn rõ ràng và có định hướng hơn, cho phép các em phát triển trên sân khấu phù hợp nhất với mình.
Tôi đã từng nghe câu nói này: "Nền giáo dục tốt phải giống như hệ sinh thái đất ngập nước - cho phép cỏ dại phát triển và chịu đựng những gợn nước đọng, để cuối cùng đạt được phép màu cộng sinh của vạn vật".
Là cha mẹ, chúng ta phải liên tục rèn luyện sự tập trung, không so sánh, không can thiệp và không đặt ra giới hạn; Dù bạn đang ở trong môi trường phức tạp nào, chỉ bằng cách giữ mình tỉnh táo và không chạy theo đám đông, bạn mới có thể thực sự nuôi dưỡng con cái mình và mang đến cho chúng một cánh đồng cỏ để phát triển tự do.
Theo Sohu