Girl From Nowhere 2 (Cô Gái Đến Từ Hư Vô) vẫn đang là chủ đề nóng trên những diễn đàn phim ảnh mấy ngày nay. Bên cạnh pha có thai kỳ quái của nam thần ở tập 1, một trong những tập phim được bàn tán và gây ra tranh cãi nhiều nhất ở mùa 2 gọi tên SOTUS. Ở Thái Lan, Sotus là một nghi thức truyền thống được các đàn anh khóa trên sử dụng để chào đón các tân học sinh/ sinh viên mới vào trường (thực chất nghi lễ này bắt nguồn từ chế độ kính trọng người lớn tuổi hơn ở trường trung học nội trú Anh và Oxford vào những năm 40). Dĩ nhiên vẻ bề ngoài, đây là một truyền thống đẹp, nơi những đàn em năm nhất sẽ nhận được sự chào đón nồng nhiệt, tham gia các trò chơi giao lưu với bạn bè và anh chị khóa trên. Thế nhưng đằng sau đó là khá nhiều câu chuyện nhức nhối tương tự với tập phim SOTUS.
Nói thêm về tập phim SOTUS, trong tập này, Kaye là một đàn anh trong quá khứ từng bị đày đọa bởi Sotus, chính vì vậy khi trở thành học sinh năm cuối, được là người tổ chức Sotus, Kaye đã mang hết những đau khổ, bất hạnh mà mình phải chịu đổ lên đầu đàn em. Những trò chơi ghê rợn được bày ra như ép đàn em ăn sâu bọ, nhảy điệu nhảy dâm tục, lột áo và chơi trò rết người,... Đỉnh điểm là khi Kaye buộc bóng bay vào người Nanno (Kitty Chicha) - một học sinh mới, cho những học sinh mới khác bịt mặt, dùng gậy đập vào người Nanno tới khi bóng bay vỡ hết. Thấy Nanno không đau đớn, sợ hãi gì, Kaye thậm chí còn dùng gậy đánh thẳng vào đầu khiến Nanno chết ngay tại chỗ. Thế nhưng đây mới chỉ là mở màn, một thời gian sau, khi Kaye chuyển trường và trở thành học sinh mới, cậu bị chính Nanno đày đọa bằng Sotus: ép mặc đồ phản cảm, ép hành lễ với chó, thậm chí là làm chó để mua vui cho Nanno. Cuối cùng, Kaye bị bạn bè đánh đến chết vì theo lời “đàn chị” Yuri (Nink Chanya), ai đánh nhiều lần vào đầu Kaye nhất thì sẽ được làm thủ lĩnh khóa mới.
Với nhiều khán giả, đặc biệt là khán giả quốc tế không quen với truyền thống Sotus, SOTUS là một tập phim ám ảnh, nhiều người cảm thấy thương cảm cho Kaye, cho rằng nhân vật này có sai nhưng không tới nỗi phải chịu bản án như vậy. Thực tế, ở Thái Lan, chuyện như trong tập phim SOTUS không hề hiếm gặp (tuy nó có phần được phóng đại lên), thậm chí cũng đã từng có những trường hợp thương tâm như trong phim, khi tân học sinh đã qua đời sau nghi lễ nhập môn vô cùng khắc nghiệt.
Dĩ nhiên những hình ảnh trên vẫn chưa là gì, người ta còn ghi nhận không ít những vụ các học sinh nhỏ tuổi bỏ mạng sau thủ tục Sotus, điều này được cư dân mạng Thái nhắc lại khá nhiều sau khi xem tập phim SOTUS của Girl From Nowhere 2. Điển hình như vụ việc của Pisit Kumniw, một học sinh 15 tuổi tại trường Phra Pahtom Wittayalai, ở Nakhon Pathom phía Đông Bắc Bangkok, được cho là đã tử vong do những vết thương mà các học sinh cuối cấp gây ra. Hay vào tháng 7/2018, truyền thông Thái Lan cũng đưa tin ba học sinh lớp 12 đã bị buộc tội bạo hành, tổn hại cơ thể, làm vỡ lá lách của một nam sinh năm nhất. Vào năm 2014, một học sinh 16 tuổi đã chết vì các hoạt động quá khích liên quan đến việc bị đánh đập ở bãi biển.
Hình ảnh một nạn nhân của Sotus
Dĩ nhiên Sotus vẫn là một truyền thống tốt đẹp, chỉ là nhiều người đang hiểu sai nó và dùng nó như một công cụ để thỏa mãn bản thân. Bản chất của Sotus chỉ là các học sinh mới sẽ ngồi lại, dưới sự chỉ dẫn của các anh chị khóa trên cùng nhau hát bài hát truyền thống, đọc các điều luật trường và tham gia trò chơi, nếu thua sẽ bị phạt với các hình phạt đơn giản như nhảy cóc, chống đẩy, chạy bộ,...
Nhìn chung Sotus vẫn là một hoạt động tốt, giúp tăng tình đoàn kết
Nguồn ảnh: Tổng hợp