Năm 2014, Eric Gnock Fah - một thanh niên Hong Kong đã bỏ công việc trong lĩnh vực tài chính để triển khai ứng dụng đặt dịch vụ du lịch Klook.
Qua nền tảng này, du khách có thể đặt tour du lịch, vé tham quan, vé tàu xe, mua SIM/Wifi,… riêng lẻ theo nhu cầu mà không cần phải đặt trọn gói như tại các công ty lữ hành. Toàn bộ quá trình từ đặt dịch vụ, thanh toán đến xác nhận đều được thực hiện hoàn toàn trên nền tảng trực tuyến.
Thông thường, du khách phải trả mức giá cao hơn so với dân địa phương và đây là tình trạng chung của ngành du lịch trên thế giới. Tuy nhiên, với công nghệ của mình, Klook giúp du khách được hưởng dịch vụ bản địa với mức giá địa phương với nhiều lựa chọn, đồng thời tạo điều kiện để các hãng lữ hành quảng bá dịch vụ một cách thuận tiện trên nền tảng có 30 triệu người dùng hàng tháng.
Mạng lưới đối tác trực tiếp bao gồm các điểm tham quan nổi tiếng như Disneyland, Universal Studios đến các đối tác du lịch địa phương như Ngong Ping 360 của Hong Kong, trường dạy nấu ăn Bangkok Blue...
Qua 6 vòng gọi vốn, startup Hong Kong đã huy động được hơn 532 triệu USD từ các nhà đầu tư như Goldman Sachs, quỹ đầu tư Matrix Partners và Sequoia Capital China. Trong đó lần gần nhất là tháng 4/2019, công ty nhận thêm 225 triệu USD từ quỹ Vision của tập đoàn SoftBank, nâng mức định giá lên hơn 1 tỷ USD và bước vào hàng ngũ "kỳ lân" trong mảng du lịch.
Tuy nhiên Covid-19 đã đến, đẩy Klook vào tình trạng chao đảo. Trước đó, startup này ghi nhận khoảng 30 triệu lượt đặt dịch vụ mỗi tháng thì đến tháng 4 năm nay, khi Covid-19 bùng phát, số lượt giao dịch giảm còn 5 triệu. Doanh thu ước tính giảm 90% trong giai đoạn tháng 3 và tháng 4. Đây là lúc Klook buộc phải nghĩ lại về các sản phẩm họ đang cung cấp.
"Chúng tôi nhận ra có nhiều thứ để làm khi bạn ở nhà và nhiều hoạt động thú vị ngay tại địa phương. Đại dịch cho chúng tôi cơ hội để bổ sung những khía cạnh còn thiếu", đồng sáng lập kiêm CEO Eric Gnock Fah nói với TechCrunch.
Workshop làm khẩu trang ở Hồng Kông (Ảnh: Klook).
Khi mọi người ở nhà, nhu cầu nấu ăn, làm đồ thủ công tăng cao. Từ đó, Klook cung cấp các bộ dụng cụ để tự làm trà sữa trân châu, bánh macaron, nến... và giao hàng đến tận nhà cho khách.
Ở Klook cũng có nhiều khóa học online được mở ra để người dùng duy trì thói quen tập luyện trong thời đại dịch. Đó là các khóa học về boxing, yoga hay thậm chí là nhảy K-pop. Người dùng thậm chí có thể đặt một buổi tư vấn với chuyên gia nếu muốn nhận thêm những lời khuyên cụ thể hơn.
Với những người vẫn muốn khám phá thế giới, Klook nhanh chóng bắt tay với các điểm du lịch nổi tiếng trên toàn cầu để xây dựng thực hiện chương trình tham quan trực tuyến. Thông qua các buổi phát live trực tiếp, người xem sẽ được tới thăm những địa danh như vườn thú safari ở Bali, hầm rượu vang ở Mỹ, phim trường nổi tiếng ở Anh… Có chương trình thậm chí thu hút tới 660.000 người xem chỉ trong hai phiên phát sóng trực tiếp (livestream).
Ngoài các trải nghiệm tại nhà, Klook cũng tìm cách bắt nhịp nhanh với nhu cầu du lịch nội địa tại những quốc gia, vùng lãnh thổ đã nới lỏng hạn chế đi lại và hướng tới phục hồi dần tại thị trường du lịch quốc tế.
Vào tháng 4, Klook thí điểm triển khai một danh sách các hoạt động bản địa như tour ngoài trời, tour ẩm thực tại Hàn Quốc và Trung Quốc đại lục. Theo đó, lượng đơn đặt dịch vụ tại hai quốc gia này tăng lần lượt gấp đôi và gấp 4 lần.
"Dịch Covid-19 đã thay đổi tương lai ngành du lịch và chúng ta phải nhanh chóng chớp lấy những cơ hội mới. Ngành du lịch toàn cầu sẽ cần thời gian để phục hồi nhưng chúng tôi tự tin sẽ nắm bắt mọi cơ hội, bắt đầu với những trải nghiệm bản địa. Những gì ta làm hiện nay sẽ định hình xu hướng du lịch trong tương lai", CEO Klook nhìn nhận.