Định hướng phát triển xanh của Côn Đảo

Lưu Phương, Theo VTV 18:34 13/07/2025
Chia sẻ

Từ "địa ngục trần gian" năm xưa, Côn Đảo đang chuyển mình mạnh mẽ thành điểm sáng du lịch sinh thái của Việt Nam, với định hướng phát triển xanh, sạch và bền vững. Nơi đây không chỉ làm du lịch, mà còn quyết liệt biến rác thải thành tài nguyên quý giữa đại dương bao la.

Định hướng phát triển xanh của Côn Đảo- Ảnh 1.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng khách du lịch đến Côn Đảo là 396.360 khách, đạt 64,76% kế hoạch năm, đạt 100% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, phía sau những con số ấn tượng ấy, địa phương cũng đang đối mặt với một áp lực không nhỏ: vấn đề rác thải sinh hoạt và rác thải nhựa gia tăng nhanh chóng, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái, chất lượng dịch vụ và hình ảnh "đặc khu xanh" đang được kỳ vọng.

Định hướng phát triển xanh của Côn Đảo- Ảnh 2.

Những bãi biển tuyệt đẹp của Côn Đảo luôn làm đắm say du khách từng đặt chân đến đây. (Ảnh: L.P)

Định hướng phát triển xanh của Côn Đảo- Ảnh 3.

Côn Đảo đang hướng tới trở thành điểm du lịch xanh. (Ảnh: Đ.L.N.A)

Không chỉ là điểm đến du lịch, theo quy hoạch phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Côn Đảo còn được định hướng kết hợp giữa bảo tồn và phát triển. Ông Lê Anh Tú, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy Đặc khu, cho biết mục tiêu được đặt ra là Côn Đảo sẽ đón từ 1 đến 1,2 triệu lượt khách du lịch mỗi năm vào năm 2030 và tăng lên gần 2 triệu lượt vào năm 2045.

Côn Đảo có 16 hòn đảo lớn nhỏ, với diện tích khoảng 76 km2, hiện có 9 khu dân cư với dân số khoảng 13.000 người. Nơi đây nổi tiếng với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, rạn san hô phong phú, các loài động vật hoang dã quý hiếm như rùa biển, cá heo, cá cúi… và cả giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc.

Để đạt được điều đó, chính quyền địa phương xác định phát triển hạ tầng xanh là ưu tiên hàng đầu: xử lý 100% nước thải, tái sử dụng nước mưa, áp dụng năng lượng tái tạo, điện hóa giao thông công cộng và chấm dứt sử dụng nhựa một lần tại các cơ sở du lịch, dịch vụ.

Thời gian qua, nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, công tác truyền thông, tuyên truyền về bảo vệ môi trường tại Côn Đảo nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng dân cư và du khách. Các tổ chức trong nước và quốc tế trong các hoạt động về bảo vệ môi trường cũng có nhiều hỗ trợ, từ đó tăng sự kết nối giữa các bên tham gia nhằm giúp cộng đồng dân cư tiếp cận và thực hành lối sống xanh, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt, tăng tỷ lệ tái chế rác thải hữu cơ và tối đa hóa tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định ở các khu đô thị.

Định hướng phát triển xanh của Côn Đảo- Ảnh 4.

Ngay từ cổng vào các địa điểm tham quan, du khách đều được nhắc nhở gửi lại toàn bộ đồ ăn, nước uống, đặc biệt là chai nhựa phía bên ngoài. (Ảnh: L.P)

Định hướng phát triển xanh của Côn Đảo- Ảnh 5.

Các khu vực nghỉ chân đều có thùng rác thu gom lon thiếc, ly giấy... để tái chế. (Ảnh: Đ.L.N.A)

Định hướng phát triển xanh của Côn Đảo- Ảnh 6.

Thùng thu gom rác tái chế có ở rất nhiều nơi trên đảo. (Ảnh: Đ.L.N.A)

Đặc biệt, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) đã giúp Côn Đảo đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa đại dương thông qua các chuỗi hoạt động nổi bật như:

- Xây dựng và kích hoạt mô hình du lịch giảm nhựa với sự tham gia của 100% các cơ sở dịch vụ lữ hành, hệ thống khách sạn kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn Đặc khu Côn Đảo. Trong đó, 145 khách sạn đã thực hành giảm sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại cơ sở, một số hoạt động tái chế tái sử dụng rác thải nhựa được triển khai tại cơ sở như: Tái chế thủy tinh thải thành gạch lát lối đi trong khuôn viên, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón chăm sóc mảng xanh...

Định hướng phát triển xanh của Côn Đảo- Ảnh 7.

Các di tích nhà giam luôn có nhiều du khách đến tham quan nhưng đều được giữ vệ sinh tốt. (Ảnh: L.P)

- Tổ chức các hội thi vẽ tranh về môi trường, Ngày hội tái chế rác thải, hội thi thời trang tái chế, Hội thi nét đẹp xanh chống ô nhiễm trắng... các hoạt động này nhận được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo nhân dân và du khách, thông qua đó truyền tải các thông đệp về bảo vệ môi trường, nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần tại Côn Đảo.

- Các hoạt động truyền thông, tuyên truyền thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn như: Mô hình tái chế pano thải của hội viên phụ nữ; mô hình "Giỏ lễ xanh" tại nghĩa trang Hàng Dương ; mô hình trường học không rác thải nhựa; mô hình xử lý rác hữu cơ thành phân bón... Qua đó, truyền tải đến nhân dân và du khách thông điệp về rác thải, coi rác thải là nguồn tài nguyên có giá trị và thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, tái chế tái sử dụng rác thải là từng bước góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững theo hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp nhằm hướng tới đưa phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 đã đặt ra theo quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong thời gian tới, bên cạnh các hoạt động truyền thông về môi trường đã và đang triển khai, UBND Đặc khu Côn Đảo tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông số về bảo vệ vệ môi trường, chú trọng xây dựng tài liệu số về giáo dục môi trường tại các trường học; đẩy mạnh dự án truyền thông về kinh tế tuần hoàn gắn với bảo vệ môi trường trên các nền tảng mạng xã hội và thiết kế đa phương tiện và giải pháp thông qua sự ảnh hưởng của người nổi tiếng để lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường tại Côn Đảo đến với cộng đồng một cách nhanh chóng và mạnh mẽ.

Đồng thời, UBND Đặc khu Côn Đảo tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tăng cường sự hỗ trợ về tài chính và đội ngũ chuyên gia tư vấn về bảo vệ môi trường, tìm kiếm những giải pháp công nghệ mới, phù hợp với đặc thù của địa phương trong công tác thu gom, xử lý chất thải rắn, tái chế tái sử dụng rác thải.

Song song với các dự án truyền thông về bảo vệ môi trường, UBND Đặc khu Côn Đảo tiếp tục thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án xử lý chất thải rắn tồn đọng; dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải Côn Đảo và dự án xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải Côn Đảo (giai đoạn 2) nhằm giải quyết dứt điểm những vấn đề về môi trường còn tồn đọng để xây dựng và phát triển bền vững kinh tế - xã hội Đặc khu Côn Đảo trong thời gian tới.

Định hướng phát triển xanh của Côn Đảo- Ảnh 8.

Từ định hướng phát triển xanh bền vững, kinh tế tuần hoàn đến các chiến dịch cộng đồng và hợp tác quốc tế, Côn Đảo đang từng bước kiến tạo tương lai "xanh - sạch - đẹp", nơi bảo tồn thiên nhiên song hành cùng phát triển. Chặng đường phía trước còn nhiều thách thức, nhưng với quyết tâm của chính quyền, sự đồng lòng của cộng đồng và sự chung tay toàn cầu, Côn Đảo hoàn toàn có thể trở thành "hòn ngọc xanh" trong cả trái tim người dân và du khách.

Theo số liệu thống kê, lượng chất thải rắn sinh hoạt trung bình phát sinh tại Côn Đảo hiện đang dao động trong khoảng 17 - 20 tấn/ngày và lượng rác tồn đọng chưa xử lý là gần 100.000 tấn tại khu vực Bãi Nhát. Rác thải nhựa từ hoạt động du lịch tại Côn Đảo chiếm 15,7% (tương đương 0,4 tấn/ngày).

Dự báo tổng lượng rác thải phát sinh tại Côn Đảo vào năm 2026 vào khoảng 31 tấn/ngày, trong đó tổng lượng rác thải nhựa phát sinh chiếm 15,9% trong tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày