Tại Athens thuộc tiểu bang Georgia của Mỹ, cảnh sát đã quen với đủ mọi loại tội phạm khác nhau như trộm cướp, bạo lực… Nhưng cuộc gọi báo cảnh sát vào đêm ngày 13/3/2019 không giống bất cứ cuộc gọi nào mà Sở Cảnh sát Hạt Athens-Clarke từng nhận.
Người gọi điện là Jimmy Zhong, 28 tuổi, cựu sinh viên của Đại học Georgia. Không giống những kẻ gây rối, Zhong là một chuyên gia máy tính và có một hệ thống giám sát tại nhà mạnh mẽ khác thường.
Zhong gọi điện báo cảnh sát vì hàng trăm nghìn USD tiền điện tử của anh đã bị đánh cắp. Và đây là khởi đầu của một vụ án kéo dài gần một thập kỷ, xử lý một trong những tội phạm lớn nhất của kỷ nguyên tiền số. Nó cũng dẫn đến vụ tịch thu tiền số lớn nhất từ một cá nhân trong lịch sử của Bộ Tư pháp.
Phiên toà tuyên án Jimmy Zhong (bên phải). Nguồn: IRS Criminal Investigations
Cuộc gọi của Zhong vào đêm năm đó đã đưa các nhà điều tra lần theo dấu vết trở về thuở sơ khai của Bitcoin. Đồng thời, việc điều tra vạch trần sự thật đen tối về thế giới của các hacker và lập trình viên tạo ra tiền số. Đó là một thế giới mà anh hùng và kẻ phản diện đổi chỗ cho nhau, hoặc thậm chí là cùng một người.
Mặc dù đã báo án, cảnh sát khi đó đã không đạt được tiến triển nào trong việc điều tra, vì đây là một trong những vụ đầu tiên liên quan đến tiền số mà họ giải quyết. Vì vậy, Zhong tìm đến thám tử tư Robin Martinelli.
Robin Martinelli từng là phó cảnh sát trưởng, nhưng cô không phải chuyên gia tiền số. Cô bắt đầu cuộc điều tra bằng cách theo dõi bạn bè của Zhong. Cuối cùng, Martinelli xác định được một nghi phạm có thể đã đánh cắp 150 Bitcoin của Jimmy Zhong.
Jimmy Zhong chụp cùng hai cô gái phía trước một chiếc limousine. Nguồn: Mạng xã hội Zhong công khai
Sở hữu khối lượng Bitcoin lớn như vậy, những năm trước khi xảy ra vụ trộm, Zhong nổi tiếng là người “tiêu hoang”. Anh thường xuyên ở các khách sạn sang trọng, mua sắm tại các cửa hàng cao cấp và lái những chiếc ô tô đắt tiền. Zhong còn mua một căn nhà ven hồ với đầy đủ ván trượt và du thuyền. Nhưng nhiều người ở Athens đều nhận xét Jimmy là một chàng trai tốt.
Zhong có một cuộc sống xa hoa nhưng nguồn thu nhập không rõ ràng. Trong mắt mọi người, anh không có việc làm. Zhong nói với bạn bè rằng anh nghiên cứu Bitcoin từ năm 2009, khi Bitcoin mới vừa xuất hiện.
Vào năm 2018, Zhong lập một nhóm đi xem giải đấu bóng đá. Anh bao tiền vé và thuê cả máy bay riêng cho cả nhóm. Anh thậm chí còn tặng mỗi người 10.000 USD để mua sắm thoải mái ở Beverly Hills.
Zhong và nhóm bạn đi xem bóng đá. Nguồn: Mạng xã hội Zhong công khai
Khi đang cổ vũ bóng đá, Zhong không thể biết rằng một nhóm đặc vụ từ đơn vị Điều tra Hình sự IRS đang nỗ lực giải quyết một vụ án từ nhiều năm trước đây.
Điểm thu hút sự chú ý của các nhà điều tra là vụ hack năm 2012, trong đó một người đã đánh cắp 50.000 Bitcoin từ một trang web có tên Silk Road. Đây là một trong những chợ đen tiền điện tử xuất hiện sớm nhất, nơi người bán và người mua ẩn danh để trao đổi những mặt hàng cấm.
Theo tài liệu của tòa án, trong những năm qua, giá trị Bitcoin bị hacker Silk Road đánh cắp đã tăng vọt lên hơn 3 tỷ USD. Các nhà điều tra đã chờ nhiều năm để theo dõi tin tặc chuyển tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác.
Cuối cùng, công ty phân tích blockchain Chainalysis đã phát hiện ra hacker mắc một sai lầm nhỏ. Kẻ ẩn danh chuyển 800 USD sang một sàn giao dịch tiền số. Nhưng yêu cầu của sàn là tuân thủ các quy định của ngân hàng, bao gồm việc điền tên thật và địa chỉ chủ tài khoản.
Và tài khoản đó được đăng ký dưới tên… Jimmy Zhong. Giao dịch diễn ra vào tháng 9 năm 2019, 6 tháng sau cuộc gọi của Zhong tới cảnh sát địa phương.
Chỉ điều đó thôi thì chưa đủ để chứng minh Zhong là hacker. Vì vậy, IRS đã gọi cho Sở cảnh sát hạt Athens-Clarke và yêu cầu giúp đỡ. Trung úy Jody Thompson cùng đặc vụ IRS-CI Trevor McAleenan và giám đốc công ty tình báo mạng Shaun MaGruder lập ra một kế hoạch tiếp cận Jimmy Zhong.
Camera ẩn ghi cảnh Zhong cho các nhà điều tra xem hàng triệu USD Bitcoin trên máy tính xách tay của anh ta. Nguồn: Cảnh sát Hạt Athens-Clarke
Mặc dù lấy lý do giúp Zhong điều tra kẻ đánh cắp hàng trăm nghìn USD Bitcoin của anh trước đây, nhưng thực tế họ đang điều tra chính Zhong. Khi đến thăm nhà, các điều tra viên được chứng kiến anh mở ví Bitcoin với trị giá tới 60-70 triệu USD. Bằng chứng này đủ để thuyết phục các nhà điều tra rằng họ đã đi đúng hướng. McAleenan cho biết chuyến thăm đầu tiên cho phép các nhà điều tra có được lệnh khám xét.
Ngày 9/11/2021, cảnh sát tràn vào nhà Zhong, lục tung mọi kẽ hở để tìm kiếm bằng chứng. Họ tìm thấy một chiếc máy tính giấu bên trong hộp bỏng ngô, chứa số Bitcoin trị giá hàng triệu USD.
Họ còn tìm thấy một chiếc két sắt dưới sàn nhà chứa vàng bạc, tiền mặt và một số đồng Bitcoin được đúc thành hình. Họ cũng tìm thấy một chiếc ví chứa Bitcoin từ vụ hack đầu tiên của Silk Road vào năm 2012.
Zhong sau đó đã bị bắt. Khi sắp xếp các bằng chứng, các điều tra viên phát hiện rằng Zhong là một thành viên của nhóm phát triển và hoàn thiện những đồng Bitcoin đầu tiên. Nói cách khác, một hacker từng tham gia phát triển Bitcoin lại trở thành một trong những kẻ trộm Bitcoin lớn nhất mọi thời đại.
Cuối cùng, Jimmy Zhong bị kết án 1 năm 1 ngày tại nhà tù liên bang. Hiện tại, Zhong 33 tuổi và bắt đầu thụ án từ ngày 14/7/2023. Cuối cùng, Zhong đã không giữ được số Bitcoin khổng lồ. Chính phủ Mỹ đã tịch thu khối tài sản 3 tỷ USD đó, cho phép người bị mất cắp lấy lại nhưng không có ai xuất hiện. Lý do rất đơn giản vì hầu hết những người sử dụng Silk Road vào năm 2012 đều là tội phạm.
Chỉ có điều, vụ trộm 150 Bitcoin mà Jimmy Zhong báo án vào tháng 3/2019 vẫn chưa có lời giải. Thủ phạm vẫn chưa bị bắt.
Tham khảo CNBC