Những chiếc smartphone cứ ngày một phình to ra, cùng với đó là khả năng bị rơi vỡ cũng tăng theo tỉ lệ thuận. Cũng vì thế mà ốp lưng đã nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu với hầu hết mọi người.
Tôi cũng vậy, mới dùng Galaxy Note9 mà đã lỡ làm rơi móp góc viền nên cuối cùng vẫn phải hy sinh vẻ đẹp của máy mà mua thêm ốp lưng để bảo vệ.
Không như iPhone với hàng tá loại ốp lưng đủ hình dáng kiểu cách, ốp lưng cho các điện thoại Android thường bị giới hạn, ít lựa chọn hơn. Sau cả giờ đồng hồ tìm kiếm, tôi đã thấy một sản phẩm trông khá là hay ho, khác lạ so với phần lớn ốp lưng hiện nay.
Ốp lưng nam châm trông hay không này!
Sản phẩm này gọi là ốp lưng nam châm với viền trước và mặt lưng tách rời nhau ra, khi lắp vào thì chỉ cần đặt úp lên nhau là chúng tự động hít chặt luôn. Video quảng cáo sản phẩm trông hay ho thú vị lắm, giá thì lại chỉ 125.000 đồng, ngang ngửa các loại ốp silicon nên tôi cũng đặt hàng luôn không suy nghĩ.
Đây là một mẩu quảng cáo của các nhà bán hàng.
Thực ra tôi đã nghĩ rằng vì sản phẩm này được chào bán từ một nhà bán hàng Trung Quốc nên mới có giá rẻ thế, còn chất lượng thì vẫn sẽ ngang các mẫu có giá cao hơn kia. Ngoài ra, cũng vì phải vận chuyển từ nước bạn nên thời gian chờ hàng về cũng lên tới gần 2 tuần, khá lâu và căng thẳng vì tôi vẫn phải tiếp tục “cưng nựng” chiếc điện thoại sợ lại làm rơi thêm lần nữa.
Trải nghiệm bóc hộp: Đúng nghĩa “giá rẻ”
Không như các loại ốp khác thường sẽ có đầy đủ hộp đựng và thông tin sản phẩm, chiếc ốp lưng nam châm này chỉ được bọc một lớp nilon bong bóng chống vỡ và đựng trong hộp carton. Có lẽ nhà sản xuất đã cắt giảm luôn khoản này để giảm giá thành cho sản phẩm.
Tiếp tục mở ra, tôi bắt đầu “khám phá” các góc cạnh của ốp, trông cũng không đến nỗi nào dù vẫn có một số chi tiết gia công chưa ổn lắm, trông hơi lệch lạc và không vừa khớp.
Chiếc ốp có viền khá dày làm tăng kích thước máy đáng kể.
Đây là phiên bản viền trắng. Ốp này có đủ cho hầu hết các máy iPhone và Galaxy cao cấp của những năm gần đây.
Bộ nút bấm hơi kém nảy nhưng cũng dùng được.
Phần tiếp giáp giữa 2 mảnh ốp làm rất khít, không bị gợn tay khi dùng.
Nhưng các khe cho loa, cổng sạc hay tai nghe thì gia công cực kém.
Phần tiếp giáp làm lệch nhau cực kì kém sang.
Ở cổng tai nghe và cổng sạc thì còn dở hơn nữa.
Lỗ cho camera thì bị lệch, viền bên phải to hơn bên trái tới cả milimét.
Bóc nắp viền trên ra, những miếng nam châm nhỏ lộ diện và chính là thứ giữ hai thành phần với nhau. Cách tháo lắp ốp cũng rất hay ho. Thay vì cực nhọc dùng móng tay cạy ra thì tôi chỉ cần nhấc viền trên ra, đặt điện thoại vào rồi nhẹ nhàng thả viền lại như cũ. Các nam châm sẽ tự động hút nó về đúng vị trí, không cần quá cẩn thận.
Nói suông thì khá khó hiểu, bạn chỉ cần xem đoạn video phía dưới là thấy ngay sự tiện lợi của chiếc ốp nam châm này.
Đánh giá ốp lưng nam châm cool ngầu giá rẻ.
Nhưng không, cuộc sống chẳng giống cuộc đời, lắp ốp vào chiếc Note9 xong là tôi nhận ra ngay vấn đề của nó: Không hề vừa khít.
Mỗi lần bấm chạm vào màn hình, chiếc điện thoại lại xô lệch một chút. Đặt trên bàn mà bấm thì còn phát ra cả tiếng lộp cộp vì viền và lưng máy va chạm với mặt trong của ốp.
Tháo ốp ra khám thêm lần nữa, tôi nhận ra là lớp lót xốp mềm bên trong viền cũng bị cắt giảm nốt, chỉ còn mỗi chỗ một chút chứ không tràn đầy xung quanh để tăng độ vừa khít. Cũng vì thế mà tôi còn lo viền máy sẽ sớm bị xước vì liên tục cọ xát với lớp kim loại bên trong ốp.
Lớp xốp bọc bên trong chỉ có một chút ở mỗi góc...
...thế này chả mấy lại làm xước viền máy mất thôi!
Sóng sánh "dập dềnh"
Một vấn đề đáng quan ngại hơn nữa chính là các loại sóng. Ngoài Wifi vẫn dùng ổn, cả sóng 4G và Bluetooth của chiếc Note9 đều bị ảnh hưởng nặng nề. 4G bị “tụt” chỉ còn 3G, kết nối với tai nghe không dây mà chỉ cách chưa đầy một mét đã “tậm tịt”. Chiếc ốp lưng rõ ràng đã chặn mất kha khá sóng của điện thoại dù phần mặt lưng chỉ làm bằng nhựa trong suốt.
Khả năng chống rơi vỡ bằng không
Tất nhiên là tôi không dám test thả rơi cả ốp lẫn điện thoại, nhưng thực ra chỉ cần thử thả chiếc ốp không thôi là đã biết khả năng bảo vệ máy của chiếc ốp này bằng không rồi. Dù chỉ thả ở độ cao khoảng hơn 1 mét, hai mảnh ốp đã bung rời ra ngay khi chạm đất. Nếu có điện thoại ở trong thì cú rơi sẽ còn khủng khiếp hơn, mỗi thứ vãi một nơi chứ chả có tác dụng bảo vệ nào cả.
Rơi cái là bung luôn thì bảo vệ được gì đây?
Nguyên nhân thì là vì lực hút của nam châm quá kém. Trong video quảng cáo thì hay lắm, cầm ốp trên tay lắc đủ kiểu không rơi ra nhưng khi tôi thử thì như thế này đây:
Lực hút của nam châm quá yếu!
So với “hàng xịn” thì sao?
Vô tình thấy một anh đồng nghiệp cũng dùng loại ốp lưng nam châm tương tự với chiếc iPhone X nhưng giá tới 400.000 đồng, tôi bèn mượn để so sánh xem sao. Kết quả thì thật sự một trời một vực.
Chiếc ốp lưng 400.000 đồng trông dày dặn hơn, lớp sơn nhám cao cấp hơn và gia công các chi tiết tỉ mỉ hơn hẳn. Lực hút của nam châm cũng mạnh hơn, lắc tha hồ không tách rời và quan trọng là có các kẽ hở ở 4 dải nhựa quanh viền máy để không làm ảnh hưởng đến sóng di động.
Chỉ nhìn qua thôi là thấy chiếc ốp 400.000 đồng "xịn" hơn rất nhiều.
Các chi tiết được gia công đẹp hơn nhiều...
Quanh viền còn có khe hở để không chặn mất sóng di động nữa.
Kết…
Cuộc sống mà, ham đồ rẻ thì khả năng cao là dính phải đồ đểu thôi. Chiếc ốp lưng nam châm 125.000 đồng này thậm chí còn thuộc hạng không-thể-dùng-nổi chứ chẳng được như cục pin dự phòng năng lượng mặt trời 100.000 đồng hay bộ thu tín hiệu Bluetooth giá chỉ bằng bát phở mà tôi từng trải nghiệm.
Vậy đấy, đừng như tôi, nếu dùng điện thoại xịn rồi thì hãy thương nó hơn một chút, mua hẳn ốp lưng đắt tiền mà dùng nhé.