Người đàn ông 43 tuổi đến Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng rối loạn ý thức, liệt nửa người trái. Kết quả chụp phim cho thấy chảy máu não với khối máu tụ lớn ở bán cầu não phải gây hiệu ứng khối đè đẩy vùng não xung quanh và đường giữa.
“Ca bệnh này nếu không can thiệp sớm khả năng cao sẽ tử vong”, BS CKII Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai nói sáng 2/3.
Thời tiết rét đậm kéo dài, nhiệt độ giảm đột ngột tăng nguy cơ đột quỵ nói chung và đột quỵ chảy máu não nói riêng. Trung tâm mỗi ngày tiếp nhận 40-50 bệnh nhân nhập viện do đột quỵ nặng do tuyến cơ sở chuyển lên. Trong đó có nhiều người còn rất trẻ, nhập viện trong tình trạng nặng hoặc rất nặng, thậm chí nguy kịch.
“Số ca nhập viện do đột quỵ tăng dẫn đến trung tâm luôn trong tình trạng kín giường bệnh. Nhân lực, vật lực hoạt động hết công suất”, bác sĩ Dũng thông tin.
Trong số các ca đột quỵ, có người còn rất trẻ, dấu hiệu bệnh rất nặng.
Theo Tiến sĩ Võ Hồng Khôi, Giám đốc Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trong đợt rét đậm (từ ngày 25/2 tới nay) số ca nhập viện vì đột quỵ ngày càng tăng. Trung tâm đang điều trị khoảng 400 bệnh nhân đột quỵ.
Bác sĩ Khôi cho biết cao điểm là ngày 27/2 có tới 76 ca vào cấp cứu. Số bệnh nhân nhập viện vào ngày 28/2 là 70 trường hợp. Trung tâm Đột quỵ của Bệnh viện viện Bạch Mai đã quá tải. Do đó, sau can thiệp bác sĩ nhanh chóng chuyển bệnh nhân sang Trung tâm Thần kinh.
Tại Trung tâm Thần kinh, công suất giường chỉ 250 nhưng đang tiếp nhận điều trị cho gần 400 bệnh nhân. Qua giai đoạn cấp tính, các bệnh nhân sẽ được chuyển sang Trung tâm Phục hồi chức năng.
Theo đánh giá của bác sĩ Khôi, bệnh đột quỵ ngày càng tăng và trẻ hóa. Ông từng tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não trẻ nhất là 11 tuổi.
Thời tiết lạnh làm thay đổi nhiệt độ đột ngột, các mạch máu ngoại vi co lại, dồn máu vào các tạng và trên não, gọi là hiện tượng trung tâm hóa tuần hoàn, dẫn tới tình trạng huyết áp tăng vọt, gây ra xuất huyết não.
Chuyên gia lý giải, bình thường, bệnh nhân huyết áp cao có thể chưa bị chảy máu não, nhưng cộng thêm yếu tố thời tiết trở lạnh làm huyết áp tăng vọt, gây ra chảy máu não. Cơ chế gây bệnh là khi huyết áp tăng, nhất là khi trời lạnh, lực tác động của máu lên thành động mạch cao hơn mức cần thiết.
Lâu ngày, mạch máu bị tổn thương, không đàn hồi tốt. Mạch có thể bị vỡ khi cục máu đông dồn ép, gây xuất huyết. Đặc biệt, khi nhiệt độ giảm cũng khiến máu dễ đông lại, dính hơn làm tăng khả năng hình thành cục máu đông gây cản trở lưu thông máu lên não, dẫn đến nguy cơ đột quỵ.
Để phòng tránh đột quỵ, chuyên gia khuyến cáo người trẻ cần thiết lập cho mình một môi trường sống lành mạnh, thoải mái về tinh thần lẫn thể chất, một chế độ dinh dưỡng khoa học (giảm mặn, giảm tinh bột, giảm béo, tăng cường rau xanh và trái cây).
Song song đó, cần siêng năng tập thể dục thể thao, bỏ thuốc lá cũng như hạn chế bia rượu, chất kích thích. Đặc biệt, cần nhận thức được tầm quan trọng của việc kiểm tra sức khỏe định kỳ.