Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng phát triển và thông minh hơn. Nhiều AI thậm chí đã bắt đầu biết vẽ, chỉnh sửa hình ảnh và thực hiện nhiều công việc thay thế con người.
Nhưng thay vì nói AI đang "giết" chết vai trò của con người, có lẽ chúng ta nên suy nghĩ theo chiều ngược lại. AI đã giúp đơn giản hóa nhiều quy trình tốn thời gian và hứa hẹn giúp ích rất nhiều cho sự sáng tạo của nghệ sỹ.
Đã có nhiều công ty như Adobe hay Celsys bắt đầu bổ sung các tính năng AI vào phần mềm phục vụ nhà sáng tạo. Mục đích chính của Adobe nhằm tăng tốc quy trình và giảm các công đoạn tốn nhiều công sức, giúp nhà thiết kế có thêm thời gian để sáng tạo cái mới.
Tatiana Mejia, người quản lý nền tảng AI của Adobe cho biết, ưu điểm lớn nhất của AI Adobe Sensei là trợ giúp các nghệ sỹ trong nhiều công việc mang tính lặp đi lặp lại.
Theo một nghiên cứu của hãng Pfeiffer Consulting do Adobe ủy quyền, hầu hết các nhà sáng tạo được hỏi đều cho biết không cảm thấy lo lắng về việc họ có nguy cơ bị AI thay thế. Thậm chí họ còn nhận thấy tiềm năng từ việc áp dụng AI và máy học để xử lý các tác vụ tẻ nhạt, lặp lại và tốn thời gian.
Như vậy thay vì cấm cản, các nhà sáng tạo gần như lại rất cần tới sự trợ giúp của AI trong các tính năng như crop ảnh thông minh, tự động nhận dạng đối tượng trong ảnh hay tự động hiển thị tag ảnh để tìm ảnh gốc nhanh hơn. Nhưng tất nhiên dù cho AI quyền xử lý nhiều tác vụ nhưng mọi thứ vẫn cần nằm trong quyền kiểm soát của nghệ sỹ.
Mejia khẳng định: "Sáng tạo đúng nghĩa thuộc về con người. AI không thể thay thế được khả năng sáng tạo".
Adobe hiện đang nghiên cứu nhiều ý tưởng AI hữu ích cho giới sáng tạo. Một trong số đó có thể kể đến tính năng mix âm thanh trong phần mềm chỉnh sửa video Adobe Premiere hay khả năng tạo các file PDF có thể tìm kiếm được thông qua nhận dạng ký tự trong công cụ Adobe Scan. Ấn tượng không kém là khả năng loại bỏ đối tượng không mong muốn khỏi video.
Adobe đang phát triển rất nhiều tính năng của AI mà có tác động đáng kể đến hiệu quả sáng tạo của nghệ sỹ.
Ví dụ như tính năng quay một đoạn video về cảnh con chó đang nhảy xuống hồ bơi. Sau đó AI có thể tạo ra được danh sách các tag mô tả bức ảnh đó như "dog", "water" hay "pool".
Thú vị hơn khi bạn trổ tài vẽ nguệch ngoạc hình ảnh mô phỏng một cây nấm, ngay lập tức AI đã đưa ra kết quả hình ảnh về cây nấm vô cùng chính xác. Nó hoàn toàn giống với công cụ Quick Draw và AutoDraw của Google, đều sử dụng mạng nơ-ron để nhận diện các nét vẽ và đưa ra kết quả sát nhất.
Chỉ nét vẽ nguệch ngoạc thôi mà AI đã có thể nhận diện đó là cây nấm
Sở hữu một công cụ AI bên cạnh rất tiện dụng, đặc biệt với các nghệ sỹ phải sáng tạo và vẽ liên tục cả ngày. Sẽ thật tiện biết bao nếu như AI có thể thay bạn tô màu cho những nhân vật và đối tượng trong các bản thảo truyện tranh hay phim hoạt hình. Hiện tại phiên bản beta của phần mềm minh họa và truyện tranh Celsys Clip Studio đang hỗ trợ tính năng AI.
Chỉ với vài hướng dẫn của họa sỹ, AI đã có thể tự tô màu trong các bản vẽ có đường kẻ đen trắng. Tất nhiên các kết quả sau đó có thể không chính xác theo ý muốn của họa sỹ và cần phải chỉnh sửa lại. Nhưng rõ ràng, nếu cải thiện được khả năng hiểu ý tưởng của AI, nó hoàn toàn có thể trợ giúp con người trong những công việc tốn nhiều thời gian như tô màu.
Từ các công cụ máy học giúp tìm kiếm khung hình video nhanh hơn tới tính năng tô màu sắc cho toàn bộ tác phẩm chỉ với một nút bấm, AI đang phát huy vai trò của mình ngày càng rõ nét hơn.
Nhà sản xuất hoạt hình João Do Lago tin rằng, công cụ tô màu ứng dụng AI sẽ sớm đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất hoạt hình 2D. Một trong những trở ngại lớn nhất khi sản xuất phim hoạt hình đó chính là tốn thời gian.
Theo Lago, việc tốn quá nhiều thời để thực hiện những công đoạn như tô màu hoặc chỉnh sửa nét vẽ chắc chắn sẽ khiến quá trình sản xuất phim kéo dài. Bởi lý do trên nên hầu hết các hãng phim đều chỉ áp dụng một phong cách hình ảnh và công thức nội dung đã được chứng minh hiệu quả trước đó.
Tuy nhiên khi bạn có thể nhờ AI tự động hóa nhiều khâu tốn công sức, bạn sẽ có thêm thời gian để lên ý tưởng nội dung, hình ảnh sắc sảo và chau chuốt hơn.
Hiện nay một số hãng phim đã bắt đầu quan tâm hơn tới việc ứng dụng AI để tô màu tự động cho hình ảnh, bao gồm OLM, studio sản xuất phim hoạt hình Pokémon nổi tiếng.
Các công cụ AI hỗ trợ dân thiết kế đã xuất hiện từ lâu nhưng phải tới bây giờ các hãng phần mềm sáng tạo mới bắt đầu chú ý hơn. Trước đó, công cụ PaintsChainer của start-up Nhật Bản chuyên về AI có tên Preferred Networks đã được nhiều nhà xuất bản ứng dụng để vẽ tranh.
Trong khi đó AI nền web có tên Style2Paints do một nhóm học sinh đến từ Đại học Hồng Kông và Đại học Soochow (Đài Loan) cũng khá nổi tiếng vì là một AI có khả năng nhìn một bức ảnh, từ đó dựa vào dữ liệu các idol có sẵn để tô màu cho ảnh.
Tham khảo The Verge