Dạo gần đây, nhiều bậc phụ huynh than thở rằng dù bản thân đã vất vả, tất bật mỗi ngày, nhưng con cái lại ngày càng khó bảo. Điều này phản ánh một thực tế: sự nỗ lực trong việc nuôi dạy con không phải lúc nào cũng tỉ lệ thuận với kết quả.
Bà Lý Mai Cẩn - Giáo sư, chuyên gia rất nổi tiếng của Trung Quốc trong lĩnh vực Tâm lý tội phạm học và Tâm lý trẻ em cho rằng: Có những mô hình nuôi dạy con của các bà mẹ tuy tốn rất nhiều tâm sức, nhưng lại thường dẫn đến hiệu quả ngược mong muốn — những kiểu "nuôi con vô hiệu" phổ biến trong cuộc sống hiện đại.
Ảnh minh hoạ
Khi cha mẹ cứ như máy bay trực thăng, ngày đêm lượn lờ trên đầu con cái, trẻ lại càng mất đi khả năng "tự bay thử". Những bậc phụ huynh kiểu này thường có các biểu hiện:
Khi con chơi, luôn miệng nhắc: "Cẩn thận bậc thang đấy!", "đừng động vào cái đó!". Con làm bài tập, 5 phút lại chạy vào mang trái cây, kiểm tra tiến độ. Khi con xung đột với bạn bè, lập tức xông vào giải quyết. Câu cửa miệng: "Để mẹ làm cho!", "con làm thế này là không được!".
Nghiên cứu của Đại học New York cho thấy, sự bảo bọc quá mức sẽ cản trở sự phát triển của vỏ não trước trán — bộ phận quyết định khả năng tự chủ và giải quyết vấn đề. Cũng giống như một chú voi con luôn được dắt đi, đến khi lớn lên cũng chẳng dám bước đi một mình. Trẻ sẽ tiềm thức hình thành suy nghĩ "mình không có năng lực", và dễ nổi loạn hoặc thu mình trong tuổi dậy thì.
Mỗi ngày, hãy dành cho con 15 phút "giờ mạo hiểm", để chúng được phép vấp ngã, lấm bẩn, thử những cách chơi ngoài khuôn khổ trong phạm vi an toàn. Dù sao, vết xước trên đầu gối dễ lành hơn vết thương trong lòng rất nhiều.
Đây là kiểu phụ huynh tìm kiếm cảm giác đạo đức cao thượng thông qua việc hy sinh bản thân, thường gặp ở thế hệ cha mẹ trước. Họ ăn cá thì chỉ ăn đầu và đuôi, luôn miệng nói: "Cả đời mẹ chỉ trông vào con thôi!", thậm chí đang ốm cũng gắng gượng đưa đón con học thêm...
Theo khảo sát tâm lý của Đại học Sư phạm Hoa Trung, 78% trẻ em trong những gia đình "hy sinh" có biểu hiện tâm lý "bù đắp quá mức". Khi suốt ngày nghe: "Cây đàn piano này là nửa năm lương của mẹ", trẻ sẽ cảm thấy xấu hổ cùng cực mỗi lần chơi sai nốt. Tình yêu kiểu này giống như viên kẹo ngọt bọc thuốc độc, khiến con cái mắc kẹt giữa cảm giác biết ơn và nghẹt thở.
Để không biến mình thành bà mẹ hy sinh đầy tủi thân, hãy tự nhủ: mỗi tuần làm ít nhất một việc chỉ để làm vui chính mình. Để con nhìn thấy rằng: mẹ yêu chúng, nhưng cũng yêu cả phiên bản rực rỡ của chính mình.
Chỉ những bà mẹ có tâm trạng thất thường, khiến bầu không khí trong nhà cũng nắng mưa thất thường theo.
Ví dụ: Sáng thì nhẹ nhàng hỏi: "Cục cưng muốn ăn gì nè?", tối đến lại quát: "Sao còn chưa đi ngủ?!". Khi con thi tốt thì hôn hít ôm ấp, thi trượt thì ném bài kiểm tra. Vì những chuyện nhỏ nhặt mà dễ dàng sụp đổ, khóc lóc. Câu cửa miệng: "Con định làm mẹ tức chết à?", "mẹ làm thế cũng chỉ vì tốt cho con thôi!".
Các nhà khoa học thần kinh cho biết: Bộ não trẻ em giống như bọt biển, không chỉ hút kiến thức mà còn hấp thụ cả cách xử lý cảm xúc. Trước 6 tuổi, khả năng cảm nhận cảm xúc của trẻ nhạy gấp 20 lần khả năng hiểu ngôn ngữ.
Nếu cảm xúc của mẹ lên xuống như tàu lượn siêu tốc, con sẽ phát triển cơ chế "chiến đấu hoặc bỏ chạy". Giống như một ngôi nhà luôn trải qua động đất, nền móng lúc nào cũng run rẩy, rất khó xây dựng sự tự tin vững chắc.
Có một độc giả từng tâm sự: "Tôi 40 tuổi rồi, mỗi lần thấy chồng cau mày là tim vẫn run bần bật, giống như hồi nhỏ nhìn thấy mẹ đập bát đĩa". Một người mẹ không ổn định về cảm xúc sẽ để lại cảnh báo suốt đời trên hệ thần kinh của con.
Một mẹo nhỏ giúp xoa dịu cảm xúc:
Hãy chuẩn bị một "góc bình tĩnh", đặt ở đó ly trà yêu thích và bức tranh gia đình do con vẽ. Mỗi lần cảm xúc muốn bùng nổ, hãy uống một ngụm nước, chạm tay vào gương mặt tươi cười trong tranh, hít sâu ba lần rồi mới mở lời.
Chỉ những bà mẹ mê sưu tầm bài viết nuôi dạy con, dùng lý thuyết để thay thế việc quan sát thực tế. Bà Lý Mai Cẩn kể: Tôi từng gặp một bà mẹ có bằng Tiến sĩ, thuộc làu lý thuyết Montessori nhưng lại không hề nhận ra niềm say mê côn trùng của cô con gái nhỏ. Rất nhiều phụ huynh mải mê tìm kiếm "đáp án chuẩn", quên mất rằng mỗi đứa trẻ đều là một "ẩn số sống động", không thể chuẩn hóa bằng lý thuyết.
Nhiều người than rằng "không biết con thích gì", có lẽ chỉ vì chưa quan sát đủ sâu. Hãy thử mỗi tối trước khi ngủ, dành 5 phút ghi lại khoảnh khắc khiến bạn ngạc nhiên ở con. Có thể là việc con bẻ bánh quy thành hình tam giác, hoặc bỗng thốt lên: "Mẹ ơi, bóng đang ăn trăng kìa".
Chỉ những phụ huynh không thể sống trong hiện tại, hoặc mãi tiếc nuối quá khứ, hoặc luôn lo lắng về tương lai. Họ thích đào bới chuyện cũ hoặc dự đoán rủi ro, nhưng lại quên mất việc hiện diện với con ngay lúc này. Theo lý thuyết "Vùng phát triển gần nhất" của nhà tâm lý học Vygotsky, giáo dục tốt nhất xảy ra trong khoảng "vừa tầm với" của trẻ.
Nhưng nhiều mẹ lại sa đà vào: "Hồi xưa nhà người ta...", hoặc "Sau này thi rớt thì...", mà bỏ lỡ những khoảnh khắc vàng son của hiện tại.
Một cách nuôi dạy chánh niệm: Mỗi ngày hãy cùng con chơi trò "1-2-3 đóng băng". Chọn ngẫu nhiên một thời điểm, hô "1-2-3!", cả nhà lập tức giữ nguyên tư thế trong 10 giây. Bạn sẽ nhận ra: Nụ cười nhoẻn miệng của con khi bật cười thực sự đẹp đến mức nào.
Nuôi con không phải là tạc tượng đá quý, mà là chăm một hạt mầm. Điều chúng ta cần làm không phải biến mình thành người làm vườn hoàn hảo, mà chỉ cần là một mảnh đất có thể hơi sần sùi nhưng đầy dưỡng chất. Hãy cho phép bản thân cũng có lúc dầm mưa, để con học được cách đón nắng và bén rễ trong giông gió.
Bạn đã từng chứng kiến khoảnh khắc "cố gắng nhưng vô hiệu" nào trong việc nuôi dạy con chưa?