Tại một trường mầm non ở thành phố Quảng Châu (Trung Quốc), một bé trai 4 tuổi khiến các cô giáo không khỏi lo lắng khi liên tục có biểu hiện mệt mỏi, lơ đãng và dễ cáu gắt trong lớp học. Đáng chú ý, bé thường xuyên ngủ gật trong giờ, thậm chí có những ngày mới 10h sáng đã gục xuống bàn với gương mặt đầy u uất.
Ban đầu, nhiều người nghĩ em đơn thuần chỉ là thiếu ngủ. Nhưng sau khi cô giáo chủ nhiệm tìm cách trò chuyện với cậu bé để hiểu rõ tình hình, những lời ngây thơ mà em thốt ra đã khiến người lớn chạnh lòng theo.
Bé nói rằng: "Đêm nào con cũng không ngủ được vì phòng bố mẹ có tiếng động. Bố mẹ hét rất to, ném đồ loảng xoảng, nhiều hôm còn khóc và đóng cửa mạnh làm con sợ. Con chỉ dám bịt tai, chùm chăn lại để không nghe thấy gì".
Những lời nói ấy khiến giáo viên thực sự giật mình. Nhiều cô giáo còn bật khóc khi lắng nghe những lời tâm sự hồn nhiên của học trò.
Cậu nhóc ngày nào cũng phải chứng kiến cảnh cha mẹ cãi nhau (Ảnh minh hoạ).
Sau khi liên lạc với gia đình, nhà trường mới phát hiện ra rằng bố mẹ cậu bé đang trong giai đoạn làm thủ tục ly hôn. Cả hai không còn ngủ chung giường nhưng vẫn sống chung nhà, và mỗi tối là một "trận chiến" căng thẳng, lời qua tiếng lại không ngừng. Điều đau lòng hơn cả: Không ai trong hai người muốn nuôi cậu bé sau ly hôn.
Người bố muốn bắt đầu cuộc sống mới, người mẹ thì muốn tập trung cho sự nghiệp. Họ tính toán việc sẽ để con về sống cùng ông bà ngoại một thời gian, nhưng chưa ai thực sự chủ động lo liệu. Trong lúc đó, đứa trẻ vẫn phải sống trong căn nhà đầy mâu thuẫn, mỗi đêm là một ám ảnh.
Sau khi biết chuyện, các giáo viên đã chủ động liên hệ với phòng công tác xã hội địa phương để xin tư vấn hỗ trợ cho đứa trẻ. Một buổi họp khẩn với phụ huynh được tổ chức, và cả hai buộc phải đối diện với sự thật rằng chính họ đã khiến con mình sống trong nỗi bất an, tổn thương tâm lý từ khi còn quá nhỏ.
Cha mẹ nên làm gì để con không gặp tổn thương hậu ly hôn?
Ly hôn không phải là điều xấu. Đó có thể là giải pháp đúng đắn khi một cuộc hôn nhân đã cạn yêu thương và không thể cứu vãn. Nhưng với một đứa trẻ, việc cha mẹ không còn ở bên nhau vẫn luôn là một cú sốc lớn, có thể để lại những tổn thương âm ỉ và kéo dài suốt tuổi thơ.
Chúng ta vẫn hay nói: "Chia tay là chuyện của người lớn, đừng lôi con trẻ vào". Nhưng thực tế, chính cách người lớn cư xử sau ly hôn mới quyết định liệu đứa trẻ có được chữa lành hay bị tổn thương thêm.
1. Đừng để con bất ngờ: Chuẩn bị tâm lý kỹ lưỡng trước khi ly hôn
Trẻ nhỏ không thể hiểu hết mâu thuẫn giữa cha mẹ, nhưng chúng đủ nhạy cảm để nhận ra bầu không khí căng thẳng, những lần to tiếng và khoảng cách tình cảm ngày càng xa. Thay vì giấu giếm hay để con vô tình biết chuyện từ người khác, cha mẹ nên cùng nhau ngồi lại, lựa chọn thời điểm thích hợp để nói rõ với con.
Hãy trò chuyện một cách nhẹ nhàng và thành thật, giải thích cho con hiểu rằng cha mẹ không còn sống cùng nhau, nhưng tình yêu dành cho con vẫn không thay đổi. Một câu nói đơn giản như: "Ba mẹ chia tay, nhưng vẫn luôn yêu con và sẽ cùng chăm sóc con" có thể khiến đứa trẻ cảm thấy an toàn hơn rất nhiều.
Trẻ dễ gặp những vấn đề tâm lý trước cuộc ly hôn của cha mẹ (Ảnh minh hoạ).
2. Sắp xếp nuôi dưỡng và chăm sóc con một cách có trách nhiệm
Một trong những điều khiến trẻ bị tổn thương nhất sau ly hôn là cảm giác bị bỏ rơi. Có những cặp vợ chồng sau chia tay tranh giành con như một cuộc chiến – người thì vì sĩ diện, người vì muốn "thắng" đối phương, chứ không thực sự đặt lợi ích của con lên hàng đầu. Lại có những trường hợp đau lòng hơn: không ai muốn nhận nuôi con, và đứa trẻ trở thành "người thừa" trong chính mái nhà từng là tổ ấm của mình.
Nếu thật sự yêu thương con, cha mẹ nên ngồi lại và thống nhất phương án nuôi dạy con sau ly hôn một cách văn minh. Dù ai là người trực tiếp nuôi con, thì người còn lại cũng cần chủ động giữ liên lạc, gặp gỡ, đồng hành cùng con trong các sự kiện quan trọng như ngày khai giảng, sinh nhật, lễ Tết… để con không cảm thấy mình bị thiếu hụt tình cảm.
3. Tuyệt đối không nói xấu nhau trước mặt con
Sau ly hôn, mâu thuẫn cũ có thể vẫn còn âm ỉ. Nhưng dù giận đến đâu, đừng dùng con làm nơi trút giận. Việc nói xấu người còn lại trước mặt con như: "Ba/mẹ con là kẻ phản bội", "Chính vì ba/mẹ mà gia đình tan nát"... không chỉ làm tổn thương đứa trẻ mà còn khiến chúng cảm thấy tội lỗi vì không thể thay đổi điều gì.
Đứa trẻ không nên trở thành "trọng tài" giữa hai người lớn. Hãy cho con quyền được yêu thương và giữ hình ảnh tích cực về cả cha lẫn mẹ. Điều đó sẽ giúp con lớn lên với một tâm hồn lành lặn và niềm tin vào giá trị của tình cảm gia đình.
4. Giữ cho con một lịch sinh hoạt ổn định và môi trường sống an toàn
Sau ly hôn, cuộc sống của cả cha lẫn mẹ đều có nhiều thay đổi. Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, điều tối quan trọng vẫn là giữ cho con một nếp sinh hoạt đều đặn, an toàn, và có cảm giác được bảo vệ. Trẻ nhỏ cần sự ổn định để cảm thấy an tâm. Việc chuyển nhà liên tục, sống tạm bợ, hay thường xuyên phải chứng kiến cảnh cha mẹ vẫn tiếp tục cãi nhau sau chia tay... sẽ khiến vết thương lòng của trẻ ngày càng sâu.
Nếu được, hãy cho con một không gian sống cố định, bạn bè ổn định, và những hoạt động thường ngày không bị xáo trộn quá nhiều. Đôi khi, chỉ cần một bữa cơm đúng giờ, một cái ôm sau khi đi học về, hay một buổi tối cùng nhau đọc sách cũng đủ giúp trẻ cảm thấy mình vẫn có một mái ấm dù không còn đủ đầy như xưa.
Theo Sohu