Trong một gia đình đông con, thử thách lớn nhất đối với cha mẹ không chỉ là nuôi dạy con cái mà còn là duy trì sự hòa thuận, gắn bó giữa các anh chị em. Việc tạo nên một môi trường đầy yêu thương, công bằng là điều không hề dễ dàng. Nếu không đủ tinh tế và cẩn trọng, những lời nói hay hành động vô tình mang tính so sánh, thiên vị có thể khiến một đứa trẻ cảm thấy bị bỏ rơi, tổn thương và hình thành khoảng cách trong mối quan hệ gia đình.
Ví dụ như tình huống xảy ra lúc nửa đêm của gia đình dưới đây đã khiến dân tình tranh cãi dữ dội. Theo những gì camera ghi lại, người bố đang ngủ cùng 1 bé trai lớn và 1 bé gái nhỏ. Đến khoảng hơn 1 giờ đêm, ông bố đang ngủ say thì nghe tiếng cựa quậy của cô con gái nằm bên cạnh nên đã giật mình tỉnh dậy. Lúc này, quan sát thấy con ra tín hiệu lạnh nên ông bố đã kéo chăn cho con gái.
Tuy nhiên, đáng chú ý là nằm cách đó không xa, cậu con trai cũng nằm cuộn co ro vì lạnh. Từ camera gia đình có thể thấy ông bố đã quan sát thấy tình trạng của cậu con trai. Tuy nhiên, thay vì bày tỏ sự quan tâm như với con gái, ông bố chỉ nằm yên tại chỗ, sau đó quăng tấm chăn lên người cậu.
Ông bố cẩn thận đắp chăn cho con gái
Nhưng ông bố chỉ quăng tấm chăn về phía cậu con trai
Đoạn video sau khi lan truyền đã khiến nhiều cư dân mạng chỉ trích hành vi thiên vị rõ ràng của người cha, cho rằng đó là biểu hiện của sự phân biệt đối xử giữa hai đứa trẻ.
Một người khác bức xúc chia sẻ: “Thái độ của ông bố như vậy rất dễ khiến đứa trẻ tổn thương trong im lặng. Lâu dần sẽ hình thành tâm lý tự ti, xa cách và thậm chí là oán trách cha mẹ”.
Không ít người làm cha mẹ cũng bày tỏ sự đồng cảm, đồng thời nhìn lại chính cách hành xử của mình: “Xem xong video mới giật mình nhận ra đôi khi mình cũng vô tình thiên vị một bé hơn mà không hề hay biết. Thương bé trai quá, mong bố mẹ sau này tinh tế hơn”.
Tuy vậy, cũng có một số người bênh vực ông bố, cho rằng hành động lúc nửa đêm có thể bị hiểu sai: “Có thể ông bố mệt và buồn ngủ nên hành động theo phản xạ. Không nên vội kết luận là ông cố tình phân biệt con cái”.
Dù ý kiến trái chiều ra sao, đoạn video vẫn là lời nhắc nhở đầy mạnh mẽ rằng: Trong gia đình, từng hành động dù là nhỏ nhất cũng có thể để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng con trẻ. Sự công bằng, quan tâm và yêu thương đồng đều chính là chìa khóa để giữ gìn sự gắn bó giữa các thành viên – đặc biệt là trong những gia đình có nhiều con.
Để nuôi dạy con cái mà không tạo ra cảm giác phân biệt giữa các anh chị em trong gia đình, cha mẹ cần rèn luyện sự tinh tế và công bằng trong từng hành động, lời nói hằng ngày.
1. Tránh so sánh giữa các con
Một trong những sai lầm phổ biến của cha mẹ là vô tình so sánh con này với con kia, ví dụ như “Anh con học giỏi hơn”, “Sao em không ngoan như chị?”... Những câu nói tưởng như vô hại này lại có thể tạo ra cảm giác thua thiệt, ghen tị và tổn thương trong lòng trẻ. Thay vì so sánh, hãy nhìn nhận mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt với thế mạnh và điểm yếu riêng, và khen ngợi từng con theo cách phù hợp với tính cách của chúng.
2. Dành thời gian riêng cho từng con
Trong gia đình đông con, thời gian cha mẹ chia cho từng đứa trẻ thường không đồng đều. Điều này dễ khiến trẻ cảm thấy bị bỏ rơi hoặc không được quan tâm. Hãy cố gắng tạo ra “khoảng thời gian chất lượng” cho từng con, dù chỉ là 10–15 phút mỗi ngày để trò chuyện, chơi cùng hoặc lắng nghe tâm sự. Việc này giúp trẻ cảm thấy mình được yêu thương và không bị lép vế so với anh chị em khác.
3. Thiết lập nguyên tắc công bằng trong gia đình
Trẻ con rất nhạy cảm với sự công bằng. Nếu thấy một người được ưu ái hơn trong các quyết định như chia đồ ăn, đồ chơi, thời gian sử dụng thiết bị điện tử… trẻ dễ nảy sinh sự bất mãn và ganh tỵ. Cha mẹ nên đặt ra những quy định rõ ràng và minh bạch, ví dụ: “Ai cũng có 30 phút chơi máy tính mỗi ngày”, hay “Mỗi người luân phiên chọn chương trình TV mỗi tối”. Điều này không chỉ giúp giảm tranh cãi mà còn rèn luyện tính công bằng và sự tôn trọng lẫn nhau giữa các con.
Nuôi dạy nhiều con là một hành trình đòi hỏi sự kiên nhẫn và công bằng tuyệt đối. Khi trẻ cảm thấy được yêu thương như nhau, chúng không chỉ phát triển tốt về tâm lý mà còn gắn bó với gia đình nhiều hơn, và trở thành những người biết quan tâm và chia sẻ trong tương lai.
Tổng hợp