Có một nữ nhân viên văn phòng, ngoài 30 tuổi, được xem là hình mẫu lý tưởng nơi công sở: chỉn chu, năng suất, chưa bao giờ trễ deadline. Cô liên tục đạt KPI, được cất nhắc lên vị trí quản lý, mỗi ngày đều nhận vài ba lời khen.
Nhưng điều không ai thấy, là khi hết giờ làm, cô thường ngồi lại thêm 15 phút - không phải để làm nốt công việc, mà chỉ để… không phải về nhà ngay. Cô sợ cảm giác mở cửa căn hộ im lìm, chỉ có một mình. Sợ cả tiếng tin nhắn "khách hàng cần gấp" dù đã 10 giờ tối. Và sợ nhất là khi chính mình soi gương, mà chẳng còn nhận ra người trong đó là ai.
Một ngày nọ, trong lúc lòng nặng trĩu sau một "thành công" nữa vừa đạt được, cô đánh liều hỏi AI: "Tại sao càng trưởng thành, tôi càng thấy mình vô nghĩa?".
Câu trả lời từ AI khiến cô lặng người: "Vì thành tích không thể thay thế cảm giác được thấu hiểu".
Chúng ta lớn lên với một định nghĩa méo mó rằng "giỏi" đồng nghĩa với "hạnh phúc". Nhưng thành tích dù là bằng khen, chức vụ hay mức lương... không bao giờ lấp được khoảng trống cảm xúc bên trong. Càng gồng để chứng tỏ bản thân, người ta càng dễ đánh mất khả năng kết nối với chính mình.
Ảnh minh họa
AI phân tích thêm: "Trong môi trường cạnh tranh, nhiều người học cách làm hài lòng tất cả, từ sếp, đồng nghiệp đến khách hàng nhưng quên mất chính họ đang cảm thấy gì. Và khi không còn ai để thật sự trò chuyện, để được lắng nghe mà không bị đánh giá, cảm giác cô độc sẽ lớn dần lên. Không ai trách họ cả, chỉ là, họ đã mải chạy đến mức không kịp hỏi bản thân: Tôi có đang sống không?".
Cô gái ấy đọc xong, gục đầu lên bàn làm việc.
Cô nhớ ra: đã rất lâu rồi mình không ngồi ăn trưa đúng nghĩa, không gọi cho bố mẹ, không đọc một cuốn sách yêu thích nào. Mỗi ngày của cô đầy ắp việc cần làm, nhưng lại trống rỗng cảm giác được sống.
Và đó là bi kịch chung của không ít người trẻ trưởng thành: bên ngoài là hào quang, bên trong là một đứa trẻ bị lãng quên.
AI kết lại bằng một dòng rất nhẹ nhưng cũng là gợi ý để bắt đầu chữa lành: "Hãy hỏi bản thân: ai là người bạn có thể chia sẻ mà không phải tỏ ra mạnh mẽ? Nếu không có ai như thế thì trước tiên, hãy học cách ở bên mình một cách tử tế".
Tối hôm đó, cô về sớm hơn mọi ngày. Không mở laptop. Không kiểm tra email. Chỉ đơn giản là nấu một bữa cơm tử tế cho chính mình, và viết một dòng nhật ký: "Tôi không cần phải giỏi để xứng đáng được yêu thương".