Kí Sinh Trùng (Parasite) của đạo diễn Bong Joon Ho thật sự đang tạo nên một cơn sốt ở Việt Nam, tác phẩm liên tục nhận được mưa lời khen từ khán giả, doanh thu chiếu sớm cao nhất từ trước đến nay của phim Hàn ở Việt Nam. Một điều thú vị ở Kí Sinh Trùng, chính là tác phẩm duy nhất không phải phim Marvel nhưng lại được kêu gọi, truyền miệng nhau về việc "không spoil phim". Làn sóng dữ dội đến mức nếu xem qua tất cả những bài review trên mạng xã hội hay những kênh khác, tất cả đều viết về phim một cách rất chung chung, không đi sâu vào chi tiết nhưng vẫn đầy những lời khen ngợi.
Vậy điều gì đã khiến cho bộ phim này "khóa miệng" khán giả kín đến vậy? Có lẽ câu trả lời duy nhất chính là "trải nghiệm". Khán giả được Bong dẫn dắt đi vào một câu chuyện đầy bất ngờ, biến hóa khôn lường qua từng chặng của phim, mọi tình tiết đều khó đoán, còn cảm xúc thì chuyển biến như thể hai bộ phim khác thể loại được ghép lại thành một.
Trailer phim Kí Sinh Trùng
Và cũng như bao bộ phim với những thông điệp xã hội trước, chúng ta lại cùng nhau một lần nữa… soi phim, tìm ra những hình ảnh biểu tượng, những ẩn dụ được các nhà làm phim khéo léo giấu vào trong từng chi tiết nhỏ. Một tác phẩm nghệ thuật phải làm tới 100%, chỉ để mong khán giả cảm thụ được 10% thôi, nhưng chính cái 90% còn lại mới khiến khán giả phải bị bần thần, trăn trở và có khả năng quay lại rạp lần 2.
Được các nhà phê bình nước ngoài đánh giá là có sự tương đồng với Us của Jordan Peele, Kí Sinh Trùng khai thác những chủ đề về: xã hội, mâu thuẫn giai cấp & tầng lớp và ẩn ức của con người. Những biểu tượng và tình tiết "chìa khóa" sau đây sẽ giúp mọi người thấm phim hơn.
1. Cái lắt léo, "tréo ngoe" đến từ tên phim
Parasite – Kí Sinh Trùng là một cách chơi chữ để đối xứng với bộ phim năm 2006 của Bong Joon Ho: The Host – Vật Chủ (khán giả biết đến dưới cái tên Quái vật sông Hàn). Dù khác nhau cả về nội dung lẫn ý nghĩa hay thông điệp nhưng cả hai phim đều có tính trào phúng và phản ánh xã hội Hàn Quốc cao. Trong The Host, con quái vật được chính phủ gắn mác "vật chủ" của một loại virus chết người, thực chất không hề tồn tại, cốt để che mắt dư luận về nguồn gốc của nó: một sản phẩm đột biến do chính bàn tay của con người tạo nên.
Ở Parasite (Kí Sinh Trùng), phim cũng chả có con virus hay con kí sinh trùng nào cả, mà đây là từ dành để tả một chủng loài bám vào những bậc thang để sống: con người. Người nghèo kí sinh người giàu, người giàu kí sinh người nghèo, nhưng thực chất cái mà tất cả chúng ta đều đang bám vào là những bậc thang tượng trưng cho địa vị và thứ bậc xã hội.
2. Poster phim "che mắt" toàn bộ dàn diễn viên chính
Poster phim Kí Sinh Trùng gây hoang mang bởi việc tất cả các nhân vật đều nhìn thẳng vào ống kính, một người đàn ông có vẻ thất thần, một cặp đôi trên ghế phơi nắng, một cậu trai ôm một tảng đá, một đứa bé sau tấm kính và một đôi chân lấp ló ở góc poster, như một xác chết hay một người đang ngất xỉu.
Tuy nhiên, một trong những thứ gây tò mò nhất chính là dải băng "censor" được gắn lên mắt nhân vật. Thông thường, trong truyền thông hay hình ảnh, censor là cách đơn giản để che đi nhân diện của một người: một dải băng che ngang mắt là đủ để một người trở thành "vô danh" (anonymous). Ở các bệnh viện thẩm mỹ, những dịch vụ chăm sóc sắc đẹp hay ngay cả là những cơ quan chức năng, dải băng "censor" này giúp người trong cuộc che đi thân phận trước công chúng.
Nếu để ý kĩ, dải băng màu đen được gắn lên mắt của Ki Taek và Ki Jung, hai bố con trong gia đình lao động nghèo, còn dải băng màu trắng được gắn lên mắt cặp vợ chồng Park nhà giàu và con trai Da Song của họ, như thể ám chỉ rằng bộ phim không chỉ nói về 8 nhân vật chính mà còn nói về tất cả những ai trong xã hội được dán nhãn đen – trắng. Qua Poster, bộ phim đưa ra rất rõ hai thế lực đối lập trong phim theo thuyết đối ngẫu: trắng – đen, giàu – nghèo, văn minh – vô minh. Mọi biểu tượng sau đó cũng khá tập trung vào tính đối ngẫu này để tôn lên chủ đề về mâu thuẫn giai cấp của phim.
3. Cầu thang: biểu tượng xuyên suốt về thứ bậc xã hội
Hierarchy (thức bậc, tôn ti), một khái niệm cơ bản và quan trọng trong triết học, văn hóa và xã hội học cũng là một từ khóa mấu chốt của phim qua hình ảnh những bậc thang. Có lẽ đây là biểu tượng trải dài xuyên suốt và nhiều nhất phim. Thang xuất hiện ở khắp nơi. Từ bậc thang trong nhà họ Kim đến bậc thang lên cửa nhà họ Park, hay những bậc thang trong dinh thự xa hoa, và bậc thang bí ẩn dẫn xuống căn hầm định mệnh.
Nếu chú ý, ta có thể thấy một điểm thú vị: để vào nhà Kim và nhà Park đều cần phải dùng đến cầu thang. Khác nhau ở chỗ, phải đi xuống để tới cửa nhà hầm của nhà Kim, và phải đi lên để bấm chuông cửa nhà Park. Chỉ một chi tiết nhỏ nhưng đủ để thể hiện thứ bậc của hai gia đình. Sâu cay hơn nữa, có lẽ thiết kế nhà vệ sinh của nhà Kim là một thứ không thể nào dễ quên với khán nữa. Nếu muốn lên tới bồn cầu, thành viên nhà Kim phải bước lên một bậc tam cấp, như thể muốn nói rằng cuộc sống của họ còn thấp hơn cả một cái toilet.
Các nhân vật trong phim còn có một cảnh quanh vô cùng ấn tượng: ba cha con nhà Kim phải lết bộ về nhà trong cơn mưa định mệnh. Từ dinh thự xa hoa nhà Park, họ đi xuống những nấc thang tưởng như vô tận trong một góc máy rộng ấn tượng, ẩn ý về việc họ trở về nơi họ thuộc về: dưới đáy của xã hội, ở một nơi còn thấp hơn cả "mặt đất". Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Bong Joon-ho chọn hai họ phổ biến nhất xứ Hàn, họ Kim và họ Park, để đặt cho 2 gia đình.
Nhắc đến điểm này, lại phải nói về cầu thang bí mật dẫn xuống tầng hầm trong nhà Park, cũng là điểm "twist" nhất của Kí Sinh Trùng. Chủ đề về những người sống ở trên mặt đất và ở dưới mặt đất được sử dụng tương tự cách mà Jordan Peele đã làm với Us. Nhưng dưới bàn tay của Bong Joon Ho, đây không chỉ là cuộc chiến giữa hạ và thượng, mà còn là cuộc chiến của những kẻ dưới đáy xã hội, sẵn sàng đạp nhau để bước từng bước lên cao. Chi tiết Ki Woo cố tháo chạy khỏi người đàn ông dưới tầng hầm lên từng nấc thang nhưng bị hắn ra sức kéo ngược xuống khẳng định một thông điệp: một kẻ đi lên tương đương với một người bị đạp xuống.
4. Tảng đá của Ki Woo
Đây có thể là biểu tượng xuất sắc nhất của phim.
Ở bên ngoài, tảng đá là gánh nặng đeo bám Ki Woo, khiến Ki Woo không ngừng khao khát được đổi đời với lời nhắn nhủ của Min (cameo của phó chủ tịch Park Seo Joon): "để nó trong nhà sẽ giàu". Ki Woo dùng tảng đá muốn thủ tiêu hai vợ chồng dưới hầm như để hoàn thành những gì mà Min đã bắt đầu: giới thiệu cậu làm gia sư cho nhà Park.
Tuy nhiên, còn một nghĩa sâu xa hơn: tảng đá là biểu tượng của văn minh và vô minh.
Nếu như Us mang chủ đề về những ẩn ức bị đè nén của con người qua việc khắc họa những "kẻ bị xích" rất hoang dại, bản năng và ghê rợn, thì Kí Sinh Trùng khắc họa những ẩn ức qua cách sử dụng tảng đá giữa hai tầng lớp khác nhau. Với những người giàu, tảng đá là thứ để trưng diện, nâng niu, là vật phong thủy. Nó cũng như bức tranh ngộ nghĩnh nguệch ngoạc của thằng bé Da Song nhưng người mẹ thì khen tấm tắc, so sánh nó với họa sĩ Basquiat. Nó cũng như cách mà người mẹ này tự hợp lý hóa lời đồn "trong nhà có ma" bằng câu trấn an của giới nhà giàu: "không sao đâu, có ma là có tiền". Tuy nhiên, khi vào tay của Ki Woo, tảng đá trở về chức năng nguyên thủy nhất của nó, chức năng mà người cổ đại đã khai thác triệt để trong đời sống sinh hoạt của họ: đập và giết.
Hãy nhớ lại khi Kiwoo thấy gã say xỉn đứng phóng uế bừa bãi trước nhà mình, bản năng lúc đó của cậu là chạy lại ôm ngay tảng đá hòng ra phang gã này một cú, một bản năng mà phân tâm học Freud gọi là Thanatos, "death drive" (bản năng giết chóc). Cũng theo Freud, đây là một trong số những bản năng cơ bản của con người bị thể chế xã hội đè nén, để chờ đợi một lúc nào đó sẽ được giải phóng. Nếu là một người giàu, họ sẽ không bao giờ dám dùng vật phong thủy để làm hung khí hay vũ khí như cách mà Kiwoo làm.
5. Thổ dân da đỏ Mỹ
Trò chơi hướng đạo sinh mà Da Song thích chơi là hóa thân thành người da đỏ. Đây là một ẩn dụ theo thuyết thực dân (colonialism), thường được đan cài trong phim ảnh để gợi nhắc về giai đoạn xâm thực thuộc địa của các nước châu Âu. Trước khi Christopher Columbus đặt chân đến châu lục mới và đặt tên nó là châu Mỹ, vùng đất đó thuộc về người da đỏ, mà trong phim chính là hai vợ chồng quản gia đã ở dinh thự qua 2 đời chủ.
Khi mảnh đất đó trở thành "tài sản" của người da trắng, tức vợ chồng nhà Park, họ bắt đầu mở cửa và tạo cơ hội cho những người nhập cư từ khắp nơi đổ về. Những người nhập cư ở đây chính là nhà Kim, bằng mưu mô, thủ đoạn, nhưng vẫn đường đường chính chính. Người thổ dân buộc phải lùi dần vào bóng tối, sống lay lắt và không còn ai nhớ mặt đặt tên.
6. Mùi
Trong phim, mùi là một biểu tượng then chốt để đẩy tâm lý nhân vật lên đến những cảm xúc cao trào nhất. Cần hiểu rằng, khi Bong Joon Ho sử dụng biểu tượng này, nó hoàn toàn không có hướng công kích những gia đình giàu có, nói họ phân biệt đối xử và bị tự kỷ ám thị. Cái mùi trong phim là cái mùi của nghèo khó, nhưng cơ bản nhất nó là cái mùi của cuộc sống cơ cực dưới đáy xã hội, mùi của nhà hầm đầy những thứ khói bụi, ô uế, ẩm thấp, của bếp núc trong một không gian kín, của một gia đình nghèo không thể mỗi ngày đều giặt đồ được, của sự thiếu thốn ánh mặt trời để đồ giặt xong có thể phơi khô, thoáng.
Đặc biệt cần chú ý: đây không chỉ là mùi của quần áo nhà Kim, mà là mùi của tất cả tầng lớp lao động nghèo. Hãy nhớ lại cảnh phim sau cơn mưa, khi bà Park vừa bước vào phòng quần áo sang trọng của mình, phim khéo léo chuyển sang cảnh phân phát quần áo từ thiện ở trại tập trung dành cho các hộ nghèo chịu thiệt hại sau cơn lũ. Ông Kim lúc này đã mặc một chiếc áo không phải của mình, nhưng bà Park vẫn ngửi thấy mùi khó chịu trong xe. Bằng khả năng hết sức tinh tế của mình, Bong Joon-ho đã đẩy tâm lý Kim Ki Taek lên đỉnh điểm của sự tủi hổ, đố kị và giận dữ, không chỉ cho bản thân mình mà còn cho những người cùng khổ đã mất hết tất cả sau cơn mưa. Đau đớn thay, với người giàu, họ coi cơn mưa đêm đó là "ơn trên", là "phước lành", là "cảnh đẹp để ngắm".
Phía trên là những hình ảnh mang tính biểu tượng nhất của Kí Sinh Trùng, có lẽ cũng đã đủ để truyền tải những chủ đề mà Bong Joon-ho muốn thể hiện. Còn bạn, bạn có phát hiện thêm biểu tượng nào trong phim không?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Kí Sinh Trùng hiện đang công chiếu rộng rãi trên các rạp toàn quốc.