Gần 3,8 triệu người Việt mắc bệnh đái tháo đường, để phòng bệnh, đừng chủ quan với "tảng băng chìm" tiền tiểu đường

Thu Hiền, Theo Pháp luật và bạn đọc 20:35 15/11/2021

Đái tháo đường là bệnh mạn tính, có nhiều biến chứng, làm tổn hại tới sức khỏe, chi phí tốn kém, là nguy cơ nghiêm trọng đối với từng gia đình, xã hội.

Gần 3,8 triệu người Việt mắc bệnh đái tháo đường

Thông tin tại Lễ mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11/2021 cho biết, số liệu mới nhất từ Liên đoàn phòng chống đái tháo đường Thế giới năm 2021 tiếp tục khẳng định bệnh đái tháo đường là một thách thức toàn cầu đối với sức khỏe và hạnh phúc của các cá nhân, gia đình và xã hội bởi sự gia tăng liên tục tỉ lệ mắc bệnh trên toàn cầu.

Hiện có 537 triệu người trưởng thành đang sống chung với bệnh đái tháo đường, con số này được dự đoán sẽ tăng lên 643 triệu vào năm 2030 và 784 triệu vào năm 2045, có nghĩa là cứ khoảng 10 người thì có một người mắc đái tháo đường.

Sự gia tăng số người mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng trở thành áp lực của nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Theo số liệu của Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF) năm 2019, tại Việt Nam, có khoảng gần 3,8 triệu người phải sống chung với căn bệnh đái tháo đường. Hầu hết trong số này là đái tháo đường tuýp 2.

Ngày 20/12/2006, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 61/225 ghi nhận "Đái tháo đường là bệnh mạn tính, có nhiều biến chứng, làm tổn hại tới sức khỏe, chi phí tốn kém, là nguy cơ nghiêm trọng đối với từng gia đình, xã hội, từng quốc gia, và là thách thức nghiêm trọng đối với thành quả những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của thế giới".

Phòng ngừa đái tháo đường, đừng chủ quan với tiền đáo tháo đường

Chúng ta không còn xa lạ gì với cụm từ "đái tháo đường" nhưng "tiền đái tháo đường" thì vẫn còn khá mới mẻ và ít được sử dụng cũng như hiểu một cách đúng mực trong cộng đồng. Vậy tiền đái tháo đường là gì? Chúng ta có thể phòng ngừa tiền đái tháo đường diễn biến thành đái tháo đường như thế nào, phòng ngừa những biến chứng của đái tháo đường ra sao?

Tiền đái tháo đường là gì?

Tiền đái tháo đường là một bệnh lý, khi nồng độ đường trong máu cao hơn ngưỡng bình thường nhưng chưa đến mức độ được chẩn đoán là đái tháo đường. Đa số các trường hợp tiền đái tháo đường sẽ trở thành đái tháo đường (70%).

Theo IDF năm 2019 thống kê tại Việt Nam, khoảng 5,3 triệu người mắc tiền đái tháo đường (8,6%); gấp 1,4 lần so với bệnh nhân đái tháo đường. Những người có yếu tố nguy cơ là người thừa cân, béo phì, tăng mỡ máu, tăng huyết áp, ít vận động…

Nguy cơ biến chứng tim mạch ở người bị tiền đái tháo đường gấp đôi so với người bình thường.

Cách phòng ngừa tiền đái tháo đường và đái tháo đường tuýp 2

Tiền đái tháo đường được ví giống như tảng băng chìm của đái tháo đường tuýp 2, căn bệnh tiềm ẩn, thầm lặng nhưng lại rất nhiều nguy cơ, biến chứng nguy hiểm nếu như bạn không biết cách tầm soát và quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, chúng ta có thể phòng ngừa tiền đái tháo đường và đái tháo đường bằng các cấp độ sau đây:

Phòng ngừa tiên phát (dự phòng cấp 0): Phòng ngừa và phát hiện sớm những bệnh nhân tiền đái tháo đường:

Bạn cần có một lối sống lành mạnh, tập thể dục với cường độ trung bình ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần, chế độ dinh dưỡng hợp lí, tăng cường chất xơ, rau, hoa quả… hạn chế sử dụng các loại thức ăn công nghiệp, đóng hộp, hạn chế chất béo động vật. Duy trì vòng eo dưới 80cm đối với nữ giới, dưới 90cm đối với nam giới (nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng vòng eo tỷ lệ thuận với nguy cơ mắc các bệnh lý chuyển hóa).

Gần 3,8 triệu người Việt mắc bệnh đái tháo đường, để phòng bệnh, đừng chủ quan với tảng băng chìm tiền tiểu đường - Ảnh 1.

Tạo thói quen tập thể dục mỗi ngày để nâng cao sức khỏe

Phòng ngừa thứ phát cấp sớm (dự phòng cấp 1): Phòng ngừa tiền đái tháo đường tiến triển thành đái tháo đường:

Có đến 15% đến 30% người có tiền đái tháo đường sẽ trở thành đái tháo đường tuýp 2 trong 5 năm nếu không được can thiệp.

Tin vui là tiền đái tháo đường có thể biến mất bằng cách thay đổi lối sống như: dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh và tập luyện thể lực thích hợp.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu can thiệp vào chế độ ăn, tập luyện thể lực hoặc phối hợp cả hai thì có thể làm giảm tỷ lệ mắc mới đái tháo đường trong nhóm bệnh nhân tiền đái tháo đường. Đồng thời cũng làm giảm nguy cơ các biến chứng tim mạch.

Gần 3,8 triệu người Việt mắc bệnh đái tháo đường, để phòng bệnh, đừng chủ quan với tảng băng chìm tiền tiểu đường - Ảnh 2.

Chế độ ăn nhiều chất xơ, rau, củ quả giúp hạn chế nguy cơ mắc tiền đái tháo đường và đái tháo đường

Ngoài ra, có thể dự phòng tiền đái tháo đường diễn tiến thành đái tháo đường bằng thuốc ở những người có nguy cơ cao (bác sĩ chuyên khoa sẽ quyết định). Tuy nhiên, can thiệp bằng lối sống có hiệu quả cao hơn là sử dụng thuốc.

Phòng ngừa thứ phát cấp muộn (dự phòng cấp 2): Ngăn ngừa những biến chứng và tỷ lệ tử vong trên bệnh nhân mắc đái tháo đường:

Qua nhiều nghiên cứu, các kết quả đã cho thấy bệnh đái tháo đường có thể được dự phòng hoặc làm chậm sự phát triển của nó bằng các biện pháp can thiệp đơn lẻ hay phối hợp như can thiệp lối sống, tập luyện thể lực hay sử dụng thuốc.

Gần 3,8 triệu người Việt mắc bệnh đái tháo đường, để phòng bệnh, đừng chủ quan với tảng băng chìm tiền tiểu đường - Ảnh 3.

Nói tóm lại, tiền đái tháo đường là cụm từ để chỉ một giai đoạn trung gian giữa bình thường và đái tháo đường tuýp 2. Tiền đái tháo đường và đái tháo đường đều rất nguy hiểm nếu như không biết cách tầm soát và quan tâm đúng mực.

Mỗi chúng ta nên thiết lập và duy trì một lối sống lành mạnh, tham gia các hoạt động thể thao, duy trì vòng eo ở ngưỡng hợp lí, ít nguy cơ. Bạn cũng cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhắc nhở người thân, bạn bè và những đối tượng có nguy cơ cao mắc tiền đái tháo đường và đái tháo đường làm xét nghiệm để phát hiện và tầm soát tốt, giúp làm giảm tỷ lệ mắc và biến chứng. Chìa khóa vàng vẫn là lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống hợp lí, hãy luôn nhớ câu "phòng bệnh hơn chữa bệnh" để có một cuộc sống khỏe mạnh các bạn nhé!

Những đối tượng nên làm xét nghiệm để tầm soát, phát hiện tiền đái tháo đường:

- Người trưởng thành có BMI lớn hơn hoặc bằng 23;

- Người đã từng có tình trạng tăng đường máu lúc đói ở những lần xét nghiệm trước;

- Người có người thân đời thứ nhất bị đái tháo đường;

- Phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ;

- Người có tiền sử bệnh tim mạch;

- Người bị tăng huyết áp;

- Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang;

- Người không hoạt động thể lực;

- Người béo phì nặng…

Đối với tất cả mọi đối tượng, xét nghiệm sẽ bắt đầu ở tuổi 45, nếu kết quả bình thường, xét nghiệm sẽ được làm lại ít nhất 3 năm một lần, cân nhắc làm lại sớm hơn tùy thuộc vào kết quả đầu tiên.

Xét nghiệm nên được cân nhắc ở trẻ em sau dậy thì hoặc sau 10 tuổi bị béo phì và ở trẻ có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ dựa vào mức độ liên quan đến đái tháo đường, bạn có thể gặp bác sĩ nội tiết để được khám và hướng dẫn chi tiết hơn.