Nỗi khổ không nói được thành lời của những cô nàng "với cao không tới, thấp chẳng xong" bị mắc kẹt trong vũng lầy tuyệt vọng chỉ vì cái nhìn của người ngoài - P2

Đình Đình, Theo Trí Thức Trẻ 12:03 05/02/2022

Chắc hẳn sẽ có rất nhiều "gái băm ế chồng" tìm thấy bóng dáng của mình và cả mẹ của mình ở trong những câu chuyện giục cưới đau khổ tới mức nhức nhối dưới đây.

Trong mắt nhiều bậc phụ huynh châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng, con gái ngoài 30 tuổi mà vẫn ế chồng thì cho dù có làm ông to bà lớn hay đức cao vọng trọng cỡ nào thì dường như cũng chỉ được coi là một "sự sỉ nhục" cho cả gia đình và dòng họ. Thế nên chỉ cần có con gái ngấp nghé ngưỡng "tuổi băm", các bố mẹ, cô dì chú bác, thậm chí là cả bà hàng xóm đều rất nhiệt tình tìm mối gả ngay "quả bom nổ chậm" ấy đi cho... bớt nhục.

Tự tử đêm Giao thừa để "trả thù" bố mẹ

Nỗi khổ không nói được thành lời của những cô nàng với cao không tới, thấp chẳng xong bị mắc kẹt trong vũng lầy tuyệt vọng chỉ vì cái nhìn của người ngoài - P2 - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Đêm Giao thừa, Ngô Song nằm trên cáng, bị đẩy vào phòng cấp cứu. Cô gái sinh năm 1988 đã tự cắt cổ tay để "trả thù" bố mẹ mình. Rất may vết thương không sâu nên cô vẫn giữ được mạng sống.

Cao 170cm, nặng chưa đầy 50kg và sở hữu gương mặt ưa nhìn, Ngô Song tự thấy điều kiện của bản thân không tệ. Cô từng có mối tình kéo dài 4 năm, nhưng đến khi gia đình hai bên đang hân hoan bàn chuyện hôn nhân thì cô lại phát hiện ra bạn trai ngoại tình. Trước thái độ dửng dưng, không hề biết hối cải của anh ta, Ngô Song kiên quyết chia tay, huỷ luôn hôn ước giữa hai người.

Chưa đầy 1 tháng sau ngày đau khổ ấy, bố mẹ Ngô Song sốt sắng đi khắp nơi tìm đối tượng mới cho con gái. Cô biết bố mẹ lo nghĩ cho mình, nhưng sự quan tâm của họ lại vượt ra ngoài tầm hiểu biết của cô. Tình cảm suốt 4 năm trời đâu phải nói buông là buông ngay được, làm sao cô có thể bắt đầu ngay một đoạn tình cảm mới được đây?

Nỗi khổ không nói được thành lời của những cô nàng với cao không tới, thấp chẳng xong bị mắc kẹt trong vũng lầy tuyệt vọng chỉ vì cái nhìn của người ngoài - P2 - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

"Khi biết bạn trai cũ của tôi ngoại tình, mẹ tôi còn trách ngược và nói tôi nên tự xem xét lại bản thân. Bà nói rất nhiều lời cay nghiệt như những nhát dao đâm vào tim tôi." - Ngô Song đau khổ nhớ lại.

Vì muốn quên người cũ, Ngô Song cũng thuận theo lời mẹ đi xem mắt. Cô xin nghỉ phép vài ngày để về quê theo sự sắp đặt của phụ huynh. Ở phố huyện nhỏ nơi gia đình Ngô Song sinh sống, con gái ở tầm tuổi cô rất khó lòng tìm được một chàng trai phù hợp. Họ hàng liên tiếp giới thiệu cho Ngô Song vài người đàn ông đã qua một đời vợ khiến cô chịu hết nổi. Bố mẹ cô thở dài ngao ngán, không thể không thừa nhận "con gái mình ở quê thật sự rất khó kiếm chồng", thế nên ông bà đành để cô quay về Quảng Châu tiếp tục đi làm công việc yêu thích.

Ngô Song cứ nghĩ đã may mắn thoát được ải giục cưới của bố mẹ, nhưng cô nào ngờ ông bà lại lặng lẽ đăng thông tin của cô trong các hội nhóm "tìm bạn bốn phương". Thế là cô không ngừng nhận được các loại tin nhắn làm quen, thậm chí có người còn mạnh dạn đến dưới toà nhà cô làm việc đòi gặp mặt trực tiếp. Chưa dừng lại ở đó, bố mẹ Ngô Song còn thay nhau giới thiệu đối tượng cho cô trong nhóm chat gia đình 3 người bọn họ. Thấy con gái cự tuyệt, ông bà vẫn không nản lòng, tiếp tục lôi kéo 3 đời họ hàng vào "liên minh giục cưới" đầy nhiệt huyết của mình.

Nỗi khổ không nói được thành lời của những cô nàng với cao không tới, thấp chẳng xong bị mắc kẹt trong vũng lầy tuyệt vọng chỉ vì cái nhìn của người ngoài - P2 - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Mỗi ngày, bố mẹ lại lôi ra đủ mọi lý lẽ để công kích Ngô Song: "Điều kiện có tốt đến đâu thì cũng đã ngoài 30 rồi, còn qua luôn cả độ tuổi đẹp nhất để sinh con đẻ cái nữa chứ.", "Công việc hay năng lực giỏi giang cỡ nào cũng đều trở nên vô dụng nếu bên cạnh không có nổi một người đàn ông.", "Phụ nữ không kết hôn đáng thương lắm, cả đời chẳng bao giờ biết thế nào là hoàn chỉnh đâu!"...

Nghe nhiều đến phát chán, Ngô Song bèn tự bật "chế độ câm điếc tạm thời" trước sự giục giã của phụ huynh. Cô cứ nghĩ bản thân đã đạt đến cảnh giới cao nhất rồi, nhưng nào ngờ mâu thuẫn gia đình lại bị đẩy lên đến đỉnh điểm vào dịp nghỉ Tết dài ngày.

Chuyện là người họ hàng giới thiệu cho Ngô Song một anh bác sĩ ở gần nhà, đã ly hôn và đang nuôi một đứa con nhỏ. Ông bà Ngô cảm thấy người này điều kiện không tồi, lại thêm anh chàng cũng vừa mắt với Ngô Song, thế nên đôi bên cùng mong muốn có thể mau chóng kết mối lương duyên. Tuy nhiên, bản thân Ngô Song lại chưa chuẩn bị sẵn sàng để trở thành một người mẹ kế, bởi vậy cô đã kiên quyết cự tuyệt.

Nỗi khổ không nói được thành lời của những cô nàng với cao không tới, thấp chẳng xong bị mắc kẹt trong vũng lầy tuyệt vọng chỉ vì cái nhìn của người ngoài - P2 - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ

Chỉ là cô không ngờ sự cứng rắn của mình đã khiến tình cảm gia đình sứt mẻ tới mức không thể hàn gắn. Ông bà Ngô không chỉ công kích hay chế giễu con gái, mà còn lôi cả cái chết ra để bức ép cô.

Ngô Song tuyệt vọng chốt cửa phòng. Cô lên mạng tìm kiếm lời giải cho câu hỏi "làm thế nào để đối phó với bố mẹ suốt ngày giục cưới". Một đoạn tin ngắn đập vào mắt cô: "Cô gái trẻ tự sát vì bị bức hôn". Ngô Song không ấn vào đường link, nhưng dòng tiêu đề nổi bật cứ ẩn hiện trong tâm trí cô. Ở đầu giường, con dao gọt hoa quả vẫn nằm lặng yên một chỗ. 

Không kịp nghĩ nhiều, Ngô Song vớ lấy con dao, tự cắt vào cổ tay mình rồi hét lớn với phía bên ngoài cửa phòng: "Có phải con chết rồi thì bố mẹ mới vừa lòng không?"

Phát hiện ra điểm bất thường, ông bà Ngô vội vàng phá cửa vào trong để cứu con gái. Cuối cùng, cả gia đình 3 người phải đón Giao thừa trong Khoa Cấp cứu của bệnh viện. Cũng kể từ khi Ngô Song lạnh lùng "báo thù" bằng tính mạng, bố mẹ cô không còn nhắc đến 2 từ "kết hôn" trước mặt con gái nữa.

Không lấy chồng thì không xứng làm phụ nữ hay sao?

Nỗi khổ không nói được thành lời của những cô nàng với cao không tới, thấp chẳng xong bị mắc kẹt trong vũng lầy tuyệt vọng chỉ vì cái nhìn của người ngoài - P2 - Ảnh 5.

Ảnh minh hoạ

"Tôi chưa kết hôn, nhưng trong nhà đã chẳng còn phòng cho tôi ở nữa rồi."

Từ lúc anh trai cưới vợ vào năm 2019, Trương Tình chỉ có thể ngủ ở ghế sofa trong phòng khách mỗi lần về quê. Căn hộ 2 phòng ngủ của gia đình họ Trương dường như đã hết chỗ dành cho cô.

Cầm tấm bằng Thạc sĩ trên tay, Trương Tình đến Thượng Hải đầu quân cho một công ty có tiếng. Ban đầu, Trương Tình là niềm tự hào của bố mẹ, nhưng thời gian dần trôi, cô lại trở thành gánh nặng của gia đình.

"Nếu cô cứ nhất quyết không chịu kết hôn thì coi như tôi chưa từng có đứa con như cô!" Đêm Giao thừa vừa rồi, cuối cùng thì mẹ của Trương Tình cũng không thể nhẫn nhịn thêm nữa.

Sinh năm 1990, Trương Tình năm nay đã ngoài 30 tuổi. Trong mắt mẹ, cô con gái mãi vẫn chẳng có bạn trai chính là một sự sỉ nhục. Tết nhất đến nơi, vậy mà gia đình lại đột nhiên xảy ra "chiến tranh", Trương Tình bực bội đá cái ghế sang một bên. "Con không kết hôn là vì muốn mẹ tổn thọ mất mấy năm đấy!" - Câu nói thốt ra trong lúc giận dữ của Trương Tình khiến bầu không khí như bị ngưng đọng, cuộc cãi vã căng thẳng cũng đột ngột dừng lại.

Nỗi khổ không nói được thành lời của những cô nàng với cao không tới, thấp chẳng xong bị mắc kẹt trong vũng lầy tuyệt vọng chỉ vì cái nhìn của người ngoài - P2 - Ảnh 6.

Ảnh minh hoạ

Bị giục lấy chồng suốt 5-6 năm qua, Trương Tình đã chán nản đến mức chẳng buồn hồi đáp, thậm chí cô còn không về quê ăn Tết suốt 2 năm liền. Kỳ thực không phải Trương Tình bài xích hôn nhân, chỉ là cô chưa gặp được người phù hợp với mình. Cô cũng tự thấy bản thân "vừa xấu vừa lùn" nên không may mắn trong chuyện tình cảm.

Tuy nhiên, điều khiến cô tự ti nhất lại đến từ phía gia đình. Trong mắt bậc sinh thành của Trương Tình không có đứa con giỏi giang, tự lập, mà chỉ có một cô con gái "vừa xấu vừa lùn". Cô từng chính tai nghe thấy bố mình nói với mẹ rằng: "Bà có thể bảo con gái bà mở to mắt ra mà nhìn xem bản thân hiện như thế nào không? Nói dễ nghe thì là nó phải đi tìm chồng, chứ thực ra là chẳng có ai thèm đoái hoài gì đến nó thì có."

Trương Tình sinh ra và lớn lên ở quê nhà, cô hiểu áp lực mà bố mẹ mình phải hứng chịu khi con gái đã đến tuổi băm mà vẫn ế chồng, cô cũng biết trong vấn đề hôn nhân thì phụ huynh luôn là người sốt sắng hơn con cái. Dường như mỗi một ngày Trương Tình còn chưa kết hôn đều trở thành cực hình đối với bố mẹ cô. Cuộc sống của Trương Tình trong mắt bố mẹ cũng trở nên cô độc và đáng thương đến lạ.

Nỗi khổ không nói được thành lời của những cô nàng với cao không tới, thấp chẳng xong bị mắc kẹt trong vũng lầy tuyệt vọng chỉ vì cái nhìn của người ngoài - P2 - Ảnh 7.

Ảnh minh hoạ

"Lẽ nào phụ nữ không kết hôn thì không có giá trị gì hay sao?" - Trương Tình ủ rũ. Hàng ngày cô dành phần lớn thời gian vùi đầu vào công việc, lúc tan sở chỉ muốn được về nhà đi ngủ, cũng chẳng có nhu cầu giao lưu. Cô thực sự không có cơ hội quen được những người đàn ông mới, chứ đừng nói tới tìm được một nửa phù hợp. Người thân mai mối cho Trương Tình không ít đối tượng, nhưng chỉ mới quen vài ngày đã vội vã bàn chuyện cưới xin, cô thật lòng không dám đem hạnh phúc của nửa đời còn lại ra đánh cược.

"Cuộc chiến" đêm Giao thừa vừa qua là lần đầu tiên Trương Tình nóng giận buông ra những lời cay nghiệt với mẹ mình. Nhưng lời vừa nói ra cô đã lập tức hối hận, cả đêm không tài nào chợp mắt nổi. Cô quyết định viết cho bố mẹ mình một bức tâm thư, trong đó cô kể cho họ nghe trong công việc mình là người thành công đến đâu, được bao nhiêu người nể trọng. Cô còn nói về những cuộc hôn nhân không hạnh phúc của bao người cùng quê và dẫn chứng thêm vài bi kịch do việc bức hôn, ép cưới tạo thành.

Vài ngày sau, gia đình họ Trương chẳng còn ai nhắc tới vụ việc xảy ra vào đêm Giao thừa. Trương Tình nhanh chóng thu xếp đồ đạc quay lại Thượng Hải. Lúc ngồi trên tàu cao tốc, cô nhận được tin nhắn của mẹ: "Việc hôn nhân đại sự vẫn cần phải đặt lên hàng đầu."

Trương Tình thở dài ngao ngán: "Lẽ nào không lấy chồng thì không xứng làm phụ nữ hay sao?"

Chưa lấy được chồng thì còn bị giục cưới

Nỗi khổ không nói được thành lời của những cô nàng với cao không tới, thấp chẳng xong bị mắc kẹt trong vũng lầy tuyệt vọng chỉ vì cái nhìn của người ngoài - P2 - Ảnh 8.

Ảnh minh hoạ

Giục cưới không chỉ là câu chuyện nội bộ trong mỗi gia đình, mà đã trở thành một vấn đề xã hội được nhiều người quan tâm. Những phụ huynh có con gái thường lo lắng hơn gia đình có con trai, bởi phụ nữ luôn bị đe doạ tuổi tác sẽ gây ảnh hưởng xấu tới khả năng sinh sản, còn đàn ông thì ở một mức độ nào đó, tuổi tác lại giúp họ trở nên chín chắn, có điều kiện phát triển kinh tế vững chắc.

Tình trạng bức hôn xuất hiện trong gia đình càng lâu thì tình cảm giữa bố mẹ và con cái càng thêm mong manh, nhạy cảm, thậm chí là sứt mẻ.

Hồ Khanh quyết định năm sau sẽ không về quê ăn Tết nữa. Thay vào đó, cô sẽ cùng bạn đi du lịch đó đây để khuây khoả đầu óc. Đối mặt với những đối tượng xem mắt mà mẹ mình không ngừng thúc đẩy, cô chỉ ậm ừ cho qua chuyện.

Nỗi khổ không nói được thành lời của những cô nàng với cao không tới, thấp chẳng xong bị mắc kẹt trong vũng lầy tuyệt vọng chỉ vì cái nhìn của người ngoài - P2 - Ảnh 9.

Ảnh minh hoạ

Sau khi "trả thù" bố mẹ bằng cách tự tử vào đêm Giao thừa, Ngô Song không còn bị ai thúc giục chuyện cưới xin nữa. Tuy cuộc sống có phần thoải mái hơn, nhưng cô lại cảm thấy rất có lỗi với bố mẹ mình. Cô đang lên kế hoạch đưa bố mẹ đi du lịch để có cơ hội xoá đi khoảng không vắng lặng trong gia đình, thế nhưng cô vẫn chưa biết phải làm thế nào mới có thể bộc lộ được cảm xúc và suy nghĩ chân thực trong lòng mình ra cho bố mẹ hiểu.

Trương Tình lại đang ấp ủ dự định mua nhà. Thường ngày cô ăn tiêu tiết kiệm nên cũng để ra được một khoản kha khá. Cô chia sẻ: "Tôi muốn mua cho mình một căn hộ nhỏ. Cho dù không lấy được chồng thì tôi cũng phải có nhà riêng đã."

Thế nhưng, có một sự thật đáng buồn là suy nghĩ hiện đại cùng khả năng tự chủ kinh tế của phụ nữ rất khó để thay đổi định kiến của mọi người, và "gái băm ế chồng" vẫn không tài nào thoát khỏi áp lực bị thúc giục chuyện hôn nhân. Đặc biệt là trong kỳ nghỉ lễ dài ngày như Tết Nguyên đán, những tiếng thở dài và chì chiết của bố mẹ, cùng những lời dị nghị, bàn tán của họ hàng làng xóm khiến cho những cô gái ấy không khỏi hoang mang, hoài nghi bản thân, thậm chí là huỷ hoại sự tự tin và kiêu hãnh trong họ.

Cao trào bức hôn sẽ dần qua đi khi kỳ nghỉ Tết kết thúc, và các cô nàng "gái băm ế chồng" sẽ có một khoảng thời gian tạm nghỉ trước khi bắt đầu một làn sóng giục cưới mới vào kỳ nghỉ tiếp theo. Chỉ đến khi họ thực hiện được nhiệm vụ cao cả mà phụ huynh không ngừng mong mỏi, thúc ép thì may ra mới có thể sống thoải mái hơn một chút trong chính ngôi nhà của mình.

Nguồn: QQ

https://kenh14.vn/gai-bam-e-chong-dip-tet-bi-kich-chua-bao-gio-cu-cua-nhung-co-nang-voi-cao-khong-toi-thap-chang-xong-bi-mac-ket-trong-vung-lay-tuyet-vong-chi-vi-nguoi-ta-noi-p2-2022020203413793.chn