Nỗi khổ không nói được thành lời của những cô nàng "với cao không tới, thấp chẳng xong" bị mắc kẹt trong vũng lầy tuyệt vọng chỉ vì cái nhìn của người ngoài - P1

Đình Đình, Theo Trí Thức Trẻ 12:42 02/02/2022

Với những gia đình có tư tưởng truyền thống mà con gái đến "tuổi băm" vẫn chưa lấy được chồng, mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái đều trở nên căng thẳng, hôn nhân cũng trở thành một chủ đề nhạy cảm. Chắc sẽ có rất nhiều "gái băm ế chồng" tìm thấy bóng dáng của mình và cả mẹ mình ở trong những câu chuyện dưới đây.

"Nếu cô cứ nhất quyết không chịu kết hôn thì coi như tôi chưa từng có đứa con như cô!" Đêm Giao thừa vừa rồi, cuối cùng thì mẹ của Trương Tình cũng không thể nhẫn nhịn thêm nữa.

Nỗi khổ không nói được thành lời của những cô nàng với cao không tới, thấp chẳng xong bị mắc kẹt trong vũng lầy tuyệt vọng chỉ vì cái nhìn của người ngoài - P1 - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Sinh năm 1990, Trương Tình năm nay đã ngoài 30 tuổi. Trong mắt mẹ, cô con gái mãi vẫn chẳng có bạn trai chính là một sự sỉ nhục. Tết nhất đến nơi, vậy mà gia đình lại đột nhiên xảy ra "chiến tranh", Trương Tình bực bội đá cái ghế sang một bên. "Con không kết hôn là vì muốn mẹ tổn thọ mất mấy năm đấy!" - Câu nói thốt ra trong lúc giận dữ của Trương Tình khiến bầu không khí như bị ngưng đọng, cuộc cãi vã căng thẳng cũng đột ngột dừng lại.

Liên tục bị giục cưới hết ngày này qua tháng khác khiến Trương Tình không thể giữ nổi bình tĩnh. Cảm xúc của cô vô cùng hỗn loạn, một mặt cô bị nhấn chìm trong nỗi khổ không ai hiểu thấu, mặt khác cô lại hy vọng được làm một cô gái độc lập, có thể tự do quyết định cuộc sống và tương lai của mình.

Ở Trung Quốc cũng như một số quốc gia châu Á khác, đối với hầu hết những gia đình có tư tưởng truyền thống mà con gái đến "tuổi băm" vẫn chưa lấy được chồng, mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái đều trở nên căng thẳng và hôn nhân bỗng trở thành một vấn đề vô cùng nhạy cảm.

Gái băm ế chồng

Giục cưới hay bức hôn dường như đã trở thành một vấn đề xã hội "trường tồn cùng thời gian" ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Theo Báo Cáo Tình Trạng Bức Hôn Ở Trung Quốc, tỷ lệ giục cưới trung bình ở các tỉnh thành là hơn 70%. Những người trong độ tuổi 25-35 là đối tượng phải chịu nhiều áp lực nhất và tỷ lệ bị bức hôn lên tới 86%, tỷ lệ nữ giới bị thúc giục nhiều hơn nam giới 6%.

Nỗi khổ không nói được thành lời của những cô nàng với cao không tới, thấp chẳng xong bị mắc kẹt trong vũng lầy tuyệt vọng chỉ vì cái nhìn của người ngoài - P1 - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Dựa theo xu hướng chọn lọc bạn đời (tạm dịch)*, phụ nữ ngoài 30 (gọi tắt là 30+) mà chưa kết hôn là đã bỏ lỡ mất độ tuổi hoàng kim để sinh con đẻ cái, bởi vậy mà theo độ tuổi lớn dần, cảm giác nôn nóng của bố mẹ họ cũng ngày càng gia tăng. Dưới sự thôi thúc của bao nỗi lo lắng, các bậc phụ huynh sẽ tìm đủ mọi cách để đả kích con cái, bắt ép con mình phải nhanh chóng kết hôn "như người ta".

*Xu hướng chọn lọc bạn đời (Mate selection gradient effect): Nam giới tìm vợ thường chọn người "cửa dưới", còn nữ giới lại thích tìm "cửa trên", có lẽ bởi vậy mà một người phụ nữ càng thành công thì càng có ít cơ hội tìm được ý trung nhân của mình hơn. Hiện nay, tại nhiều thành phố hiện đại đã xuất hiện tình trạng phân hóa hôn nhân khá rõ rệt: nữ giới có điều kiện tốt và nam giới có điều kiện kém đều phải đối mặt với khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời. (Theo Baidu)

Trong số những cô gái bị bức hôn, có một số người theo đuổi chủ nghĩa độc thân, không muốn kết hôn, một số khác lại vẫn mang trong mình niềm tin mãnh liệt vào tình yêu và hôn nhân ở phía trước. Một số người dù đã 30+ vẫn không chịu kết hôn chẳng phải vì họ "ế", mà là bởi nhiều nguyên nhân: có người ngay sát ngày cưới thì phát hiện bạn trai ngoại tình, có người vì yêu xa quá lâu mà tình cảm phai nhạt, cũng có người đã đi đến bước chuẩn bị đám hỏi nhưng lại vì bất đồng trong vấn đề sính lễ mà chia tay... 

Phần lớn những người phụ nữ tự chủ về kinh tế đều tự tin với cuộc sống tốt đẹp không cần hôn nhân của mình. Tuy nhiên, đa số những người phụ nữ 30+ đều đang bị mắc kẹt trong "làn sóng" thúc giục hôn nhân và điều tiếng của người ngoài.

Cô gái "sống trong mắt người khác"

Nỗi khổ không nói được thành lời của những cô nàng với cao không tới, thấp chẳng xong bị mắc kẹt trong vũng lầy tuyệt vọng chỉ vì cái nhìn của người ngoài - P1 - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

"Cho dù có là heo thì cũng phải phối giống!" - Tiếng chuông điện thoại chói tai vừa vang lên, Hồ Khanh liền biết ngay là mẹ mình lại gọi đến giục chuyện chồng con. Tâm trạng của cô lập tức rơi xuống tận đáy vực thẳm. 30 tuổi chưa lấy chồng, từ 3 năm nay cô đã trở thành cái gai trong mắt mẹ mình và luôn sống trong trạng thái bị bà thúc ép chuyện cưới xin.

Kể từ lúc Hồ Khanh đến tuổi cập kê, mối quan hệ đang tốt đẹp của mẹ con họ bỗng ngày càng trở nên biến chất. Người mẹ hiền từ trong mắt Hồ Khanh chẳng biết đã đi đâu mất rồi, thay vào đó là một người tối ngày càm ràm, chế giễu, thậm chí là dùng lời lẽ công kích con gái không thương tiếc.

"Con gái nhà dì Lưu 20 tuổi đã lấy chồng, giờ cũng sinh cả con rồi. Cô có thể soi gương xem mình là ai được không? Cô có cái gì mà đòi kén cá chọn canh?", "Tôi đăng thông tin của cô trong hội xem mắt mà chẳng có ai thèm ngó ngàng đến cô kia kìa.", "Cô có biết giờ đã là lúc nào rồi không? Cô đã 30 tuổi rồi đấy! Tình mới chả yêu cái nỗi gì, giờ chỉ cần có ai để mắt đến cô là phải đi thắp hương cảm tạ trời đất ấy chứ!"... Những lời cằn nhằn được bà mẹ có con gái 30+ vẫn ế tuôn ra mọi lúc mọi nơi, bất chấp mọi hoàn cảnh, mọi không gian.

Nỗi khổ không nói được thành lời của những cô nàng với cao không tới, thấp chẳng xong bị mắc kẹt trong vũng lầy tuyệt vọng chỉ vì cái nhìn của người ngoài - P1 - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ

Cương không được thì nhu, sau khi mắng mệt rồi thì mẹ Hồ Khanh lại chuyển sang chế độ mềm mỏng, khóc lóc kể lể bà đã phải vất vả thế nào để nuôi cô khôn lớn thành người, rồi bà chết sẽ không nhắm nổi mắt nếu con gái không lấy được chồng. Chứng kiến người mẹ mình hết mực yêu kính chuyển từ đôi mắt ngấn lệ sang nước mắt lã chã tuôn rơi, Hồ Khanh bỗng có cảm giác bản thân dường như đã trở thành một tội nhân vừa làm điều gì độc ác khiến "trời không dung, đất không tha".

Cố gắng lấy lại bình tĩnh, Hồ Khanh tìm cách phản bác lại sự áp đặt của mẹ. Cô muốn nói cho mẹ biết mình đang có một sự nghiệp cực kỳ xuất sắc, đảm bảo có thể báo hiếu và để mẹ sống sung túc đến cuối đời. Nhưng Hồ Khanh còn chưa kịp lên tiếng, mẹ cô đã lại tiếp tục nâng cao tông giọng: "Con có nhớ cái ông lão độc thân sống chưa đến 60 tuổi ấy không? Cứ sống cô độc cả đời rồi trong thôn có ai coi ông ta ra gì không? Cuối cùng đến lúc gãy chân nằm liệt giường cũng chẳng có ai chăm sóc cho, chưa được bao lâu thì chết rồi đấy." 

Mỗi một từ mà mẹ nói ra giống như lời tuyên án đang giáng xuống đầu Hồ Khanh. Cô không thể nhẫn nhịn thêm nữa, bèn lớn tiếng phản kháng: "Nhưng tại sao con người ta lại cứ phải sống trong mắt người khác như thế chứ? Con muốn sống cho mình!"

Nỗi khổ không nói được thành lời của những cô nàng với cao không tới, thấp chẳng xong bị mắc kẹt trong vũng lầy tuyệt vọng chỉ vì cái nhìn của người ngoài - P1 - Ảnh 5.

Ảnh minh hoạ

Những lời nói sau đó của mẹ, Hồ Khanh cả đời chẳng thể quên nổi: "Cô còn chưa chịu sáng mắt ra hả? Cô giờ đã là mớ rau nát ở giữa chợ không ai thèm ngó ngàng tới rồi. Cho dù có là heo thì cũng phải phối giống!"

"Nhưng con là con người!" - Hồ Khanh đóng sập cửa lại. Cô lao ra đường giữa đêm vắng, trên người vẫn mặc bộ đồ ngủ cùng đôi dép đi trong nhà. 

Hồ Khanh tuyệt vọng gửi tin nhắn cho bạn thân: "Chưa bao giờ muốn làm trẻ mồ côi như lúc này." Tìm mãi mới thấy một cửa hàng còn mở muộn, cô gái trẻ vào trong tìm một góc vắng rồi khóc nức nở.

Đối với một người phụ nữ thành đạt, lương tháng gần 20 nghìn tệ (tương đương 72 triệu đồng) như Hồ Khanh, kết hôn tạm thời không nằm trong kế hoạch tương lai của cô. Thực ra Hồ Khanh cũng có không ít người theo đuổi, cô cũng từng yêu vài lần, nhưng chưa có ai khiến cô đủ an tâm để cùng nắm tay đi vào lễ đường. Bởi vậy, cô thà bỏ lỡ còn hơn là nhắm mắt cưới bừa.

Tại Trung Quốc không thiếu những cô gái như Hồ Khanh, cho dù có xuất chúng và thành công cỡ nào mà đến tuổi băm vẫn chưa lấy được chồng thì trong mắt bố mẹ ở quê nhà cũng chỉ là "đồ bỏ đi" mà thôi.

(Còn tiếp)

Nguồn: QQ

https://kenh14.vn/gai-bam-e-chong-bi-kich-mat-tet-cua-nhung-co-nang-voi-cao-khong-toi-thap-chang-xong-bi-mac-ket-trong-vung-lay-tuyet-vong-chi-vi-nguoi-ta-noi-p1-20210326163442336.chn