Ngân hàng mở dịch vụ cho vay tiền tổ chức hôn lễ, tối đa 300 nghìn tệ (hơn 1 tỉ đồng), lãi suất mỗi năm chỉ 4,6%, bạn đã nghe thấy dịch vụ cho vay nào như thế chưa? Ở Trung Quốc những ngày gần đây, một số ngân hàng đã bắt đầu mở những dịch vụ cho vay như vậy, sự việc đã gây bùng nổ tranh luận trên mạng xã hội, khiến nhiều người vô cùng bất bình, họ cho rằng làm như vậy chẳng khác nào đang cổ vũ những tập tục cổ hủ, lạc hậu.
Hình minh họa
Mua bán hôn nhân chính là xây dựng quan hệ vợ chồng thông qua trao đổi tài sản. Giá trị của cô dâu, hoặc là do nhà trai công khai đánh giá, hoặc là do nhà gái ngấm ngầm định đoạt bằng cách thách cưới.
Ở thôn Giang Biên, có những gia đình thách cưới tiền mặt lên đến 100 nghìn tệ (khoảng 360 triệu đồng), đây là một kiểu rao giá trá hình. Dưới góc độ luật pháp tại Trung Quốc, mua bán hôn nhân chỉ thành lập khi có bên thứ 3 tham gia làm trung gian, số tài sản bên này thực xuất và bên còn lại thực nhận phải có chênh lệch. Do đó, rất khó để có thể định tội danh cho kiểu mua bán hôn nhân trá hình như vậy.
Ở các vùng nông thôn nghèo tại Trung Quốc, có thể nói kiếm tiền "mua" vợ trở thành động lực duy nhất của cánh đàn ông. Mua bán hôn nhân tiềm ẩn rủi ro bị lừa đảo rất cao, nhưng vì muốn có vợ, rất nhiều đàn ông vẫn chấp nhận mạo hiểm.
Hình minh họa
Tiểu Hoa là một cô gái nhỏ quê ở Vân Nam (Trung Quốc), vài năm trước được cha mẹ gả đến thôn Giang Biên, nói là "gả" nhưng kỳ thật chẳng khác "bán" là bao. Năm ấy, cha Tiểu Hoa bệnh nặng, cần 1 khoản tiền lớn để chữa trị, chỉ có lấy chồng, thu về 1 khoản sính lễ mới có thể chữa bệnh cho cha. Ngày đưa dâu, người nhà không tổ chức 1 nghi thức gì, chỉ tiễn Tiểu Hoa ra bến xe, Tiểu Hoa cứ như vậy mà đến thôn Giang Biên.
Đến nhà chồng rồi Tiểu Hoa mới biết, nhà chồng cũng nghèo rớt mồng tơi, tiền sính lễ đều là đi vay mượn tứ phương, cũng may cha mẹ chồng đối xử với Tiểu Hoa rất tốt. Sau này cô mới biết cuộc hôn nhân của mình là do người khác môi giới, vì để cưới được cô, phía nhà trai đã phải bỏ ra không ít tiền "cảm ơn".
Ở thôn Giang Biên, có rất nhiều người hành nghề môi giới hôn nhân như vậy, họ sử dụng chung một thủ đoạn là dụ dỗ, thậm chí bức ép những cô gái có gia cảnh nghèo khó kết hôn với đàn ông địa phương, hòng trục lợi. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến một cơ số không nhỏ những người đàn ông độc thân cùng gia đình của họ đều trông chờ vào nhóm người môi giới này, hy vọng có thể dùng tiền bạc "mua" về 1 người vợ.
Khi không có tiền "mua vợ" thì phải làm thế nào? Cái khó ló cái khôn, người ta bắt đầu nghĩ đến một cách đó là thông gia kép, đổi dâu rể, làm như vậy vừa cưới được vợ, vừa không mất tiền. Đơn giản nhất là gả em gái (hoặc chị gái) cho em vợ (hoặc anh vợ), nhưng cũng có những vụ "đổi dâu rể" phức tạp hơn diễn ra trong phạm vi từ 3 gia đình trở lên.
Để thực hiện được kiểu thông gia kép này, điều kiện tiên quyết là 2 gia đình phải có cả con trai và con gái.
Hình minh họa
Tiểu Dương và Tiểu Hương kết hôn qua hình thức thông gia kép, em gái Tiểu Dương gả cho anh trai của Tiểu Hương. Tiểu Dương bị đánh giá là không có ngoại hình,vừa đen vừa gầy, còn anh trai Tiểu Hương thì bị tàn tật, 2 gia đình không có cách nào tìm vợ cho con trai, vì vậy đành phải thực hiện hình thức thông gia kép.
Tiểu Dương là độc đinh, nếu không lấy vợ sinh con thì dòng họ sẽ bị tuyệt hậu. Do vậy, mẹ Tiểu Dương phải cắn răng gả con gái cho 1 người tàn tật để đổi lấy con dâu. Tiểu Dương vì thế luôn có cảm giác mắc nợ em gái, cho dù gặp khó khăn gì cũng muốn giúp đỡ em gái trước.
Có thể thấy, thông gia kép chỉ là "kế sách bất đắc dĩ" của những người trong cuộc. Trong những cuộc hôn nhân ấy, có người được hưởng lợi thì ắt có người bị thiệt hại, mà hầu như ai cũng có thể dễ dàng nhận ra người được lợi phần nhiều là đàn ông.
Hình minh họa
Cho thuê vợ chính là biến vợ mình thành 1 món hàng, mang đi cầm cố, cho thuê trong 1 khoảng thời gian nhất định. Bên thuê và bên cho thuê sẽ tiến hành ký kết hiệp ước, định ra kỳ hạn và các điều khoản phù hợp. Sau khi ký kết, người vợ sẽ bắt đầu quan hệ "vợ chồng lâm thời" với người chồng mới.
Vì sao tập tục này lại sống dậy giữa thời hiện đại? Câu trả lời có lẽ là bởi vì nghèo.
Cô Thường cùng chồng đều là người Hà Nam (Trung Quốc), sau khi kết hôn họ có với nhau 1 bé trai và 1 bé gái. Năm 1999, chồng cô Thường gặp tai nạn lao động qua đời.
Cô Thường không đủ năng lực nuôi con. Được sự đồng ý của gia đình, cô đã đồng ý làm vợ tạm thời của ông Văn là người cùng địa phương, với điều kiện ông Văn phải chu cấp cho 2 đứa con của cô Thường.
Hình minh họa
Một trường hợp khác là ông Cao đã gần 50 tuổi nhưng chưa lấy được vợ, hàng xóm của ông Cao là ông Ngô hơn 40 tuổi, thích đánh bạc, thường xuyên vay nợ rất nhiều tiền. Một lần do quá túng thiếu, ông Ngô đã cho ông Cao thuê vợ của mình trong vòng 10 ngày với mức giá 50 tệ (khoảng 177 nghìn đồng)/ngày.
Vốn theo hợp đồng, hết 10 ngày, ông Ngô sẽ đến nhận lại vợ cùng số tiền cho thuê tổng cộng 500 tệ (khoảng 1,8 triệu đồng), nhưng chưa đến 3 ngày, ông Ngô đã lén lút tới nhà ông Cao dẫn vợ đi. Hai bên do đó xảy ra ẩu đả, khiến chính quyền địa phương phải can thiệp hòa giải.
Thừa nam thiếu nữ, mất cân bằng giới tính đã không còn là câu chuyện mới mẻ ở Trung Quốc. Nghèo khó cùng kém hiểu biết và tư duy lạc hậu đã trực tiếp đẩy những người bị mắc kẹt trong lề thói hôn nhân cũ vào bước đường cùng, đây dường như là một câu chuyện không có hồi kết ở đất nước tỉ dân.
Nguồn: QQ