Founder của Cối Xay Gió và loạt thương hiệu đình đám ở Đà Lạt: “Thời điểm này cần có tâm lý sẵn sàng làm lại từ đầu, đừng mong quay lại như trước nữa!”

Hoài An, Design: Thuỷ Tiên, Theo Tổ Quốc 10:02 03/05/2020

Đăng Phong - chàng trai từng thay đổi diện mạo của Đà Lạt với “biểu tượng mới” Cối Xay Gió và chuỗi các thương hiệu F&B nổi tiếng, nhưng trước sự suy giảm kinh tế vì đại dịch, ông chủ trẻ đã phải đưa ra nhiều quyết định khó khăn, thậm chí còn bị ám ảnh khi phải chia tay với các nhân sự của mình.

Đến Đà Lạt, nếu không vì mục đích check-in thì gần như 100% các du khách cũng sẽ tìm đến chiêm ngưỡng Cối Xay Gió - bức tường vàng đã trở thành “biểu tượng mới” của Đà Lạt vài năm trở lại đây. Đứng sau sự thành công của Cối Xay Gió là Nguyễn Đăng Phong, hay còn được biết đến với cái tên Phong Windmills. Ngoài bức tường vàng “huyền thoại”, Đăng Phong còn thành công với loạt thương hiệu F&B đình đám khác như Windmills Coffee, Vuông Pizza, YAM - ChiangMai in Dalat, Lẩu Hong Kong Xuyên Tiêu, Chungking Express, Songoku - Lẩu khô Nhật, Furawa - Nướng nhật… Có thể nói, chàng trai này đã hơn một lần phá vỡ những quan niệm cũ kỹ về Đà Lạt, đem lại cho thành phố sương mù những diện mạo mới mẻ với những mô hình kinh doanh độc đáo, đầy tiềm năng khai thác.

Founder của Cối Xay Gió và loạt thương hiệu đình đám ở Đà Lạt: “Thời điểm này cần có tâm lý sẵn sàng làm lại từ đầu, đừng mong quay lại như trước nữa!” - Ảnh 1.

Chân dung Đăng Phong - founder của hàng loạt thương hiệu F&B đình đám ở Đà Lạt.

Sở hữu chuỗi thương hiệu F&B với số lượng lên đến hàng chục cửa hàng, hàng trăm nhân sự, đồng nghĩa với việc Đăng Phong phải chịu áp lực không hề nhỏ khi dịch Covid-19 đã có những ảnh hưởng kinh tế trực tiếp tới nền du lịch và dịch vụ của Đà Lạt. Như những doanh nghiệp khác, chuỗi thương hiệu của anh đã phải ngừng hoạt động, kinh doanh cầm cự và có những biện pháp trụ vững qua dịch.

Lần đầu đương đầu với khủng hoảng, Đăng Phong đã có những kinh nghiệm quý báu và cả nỗi ám ảnh thấm thía khi phải đánh đổi cho sự tồn tại của công ty.

Đã phải đánh đổi sự tồn tại của công ty nhưng nếu còn khoẻ mạnh, còn giữ vững mục tiêu thì sẽ còn gây dựng lại được

Là founder của loạt thương hiệu F&B, anh đánh giá ảnh hưởng của đại dịch 4 tháng đầu năm 2020 tới hoạt động của các doanh nghiệp anh sở hữu nói riêng cũng như thị trường F&B nói chung như thế nào?

Xét tổng thể, ngành F&B và Du lịch của Đà Lạt bị ảnh hưởng đầu tiên, và cũng có thể nói là nặng nề nhất. Trong bốn tháng đầu năm, các thương hiệu của mình doanh số giảm từ 40 - 50%. Từ khoảng giữa tháng 3, bên mình đã đóng cửa toàn bộ chuỗi 14 cửa hàng theo lệnh giãn cách xã hội. Cũng khá may mắn khi bên mình được giảm một phần chi phí thuê mặt bằng, nhờ mình đã chủ động đàm phán trước và các cô chú chủ nhà cũng rất thương, thông cảm cho doanh nghiệp.

Có câu: "Trong nguy luôn có cơ", các thương hiệu của anh đã có những giải pháp nào để trụ vững, giảm đau kinh tế cũng như cạnh tranh trong mùa dịch?

Mình đã có những giải pháp được chia làm 3 mảng chính:

*Giảm chi phí: Không có lúc nào phù hợp hơn để xây dựng quy trình cắt giảm chi phí vận hành như lúc này, cả ban quản trị và nhân sự đều có tinh thần cao để cắt giảm chi phí, rà soát và thực thi tất cả các ý tưởng có thể, gần như lúc đấy ngày nào bọn mình cũng họp, xem có cắt được khoản nào không. 

Từ những việc lớn như đàm phán mặt bằng, cắt giảm khu phục vụ khách, giảm danh mục menu để tối ưu nguyên vật liệu, xếp lịch nhân viên phù hợp với giảm sút doanh số theo giờ…, đến những việc rất nhỏ như cái bọc đường cũng giảm trọng lượng, chỉnh phao nhà vệ sinh để giảm lượng nước bơm vào, tắt đèn điện những khung giờ không cần thiết…

Nhưng trên tất cả, có những cơ hội mình đang nhìn thấy: Một là đây tinh thần những nhân sự kề vai sát cánh sẽ dâng cao, đội ngũ sẽ có nhiều trải nghiệm trong giai đoạn này. Hai là nếu tạo ra được quy trình cắt giảm chi phí tốt thì sau này sẽ vô cùng thuận lợi để phát triển khi dịch bệnh qua đi - giai đoạn mà khả năng tiết giảm chi phí trong thị trường với mức chi tiêu thấp hơn sẽ rất quan trọng. 

*Đóng cửa hàng: Mình đã quyết định đóng một số cửa hàng nhanh chóng khi mới ở giai đoạn đầu của dịch bệnh. Cận Tết bên mình mở thêm 3 nhà hàng mới với 3 thương hiệu mới, và một số nhà hàng đang chuẩn bị khai trương. Các nhà hàng này chắc chắn sẽ lỗ vì thương hiệu còn khá mới nên mình quyết định tạm ngừng hoạt động nhanh, để tiết giảm chi phí tối đa. Đồng thời chuẩn bị tinh thần cho một viễn cảnh là nếu dịch bệnh kéo dài thì sẵn sàng đóng cửa luôn, sống sót đã rồi sau này mình gây dựng lại. 

*Giao hàng: Rà soát lại nguyên vật liệu còn trong kho, đội ngũ của mình đã nhanh chóng xây dựng những menu sản phẩm có thể giao hàng với giá ưu đãi cao, phù hợp nhu cầu khách hàng. Viêc này sẽ giúp cho công ty sẽ có thêm tiền mặt từ khoản hàng tồn kho, còn không nếu dịch kéo dài thì số hàng này cũng phải huỷ bỏ hết. Có thể việc giao hàng tận nơi cho khách tuy không thực sự tối ưu nhưng nó có thể trang trải phần nào chi phí cho nhân sự. Và quan trọng hơn là giữ tinh thần cho đội ngũ luôn quyết tâm làm đến cùng. 

Founder của Cối Xay Gió và loạt thương hiệu đình đám ở Đà Lạt: “Thời điểm này cần có tâm lý sẵn sàng làm lại từ đầu, đừng mong quay lại như trước nữa!” - Ảnh 2.

Ảnh @lyeartist1789.

Anh quản lý nhân sự khi làm việc trong mùa dịch bằng cách nào? Có phải nói lời chia tay với ai trong đợt này?

Thành thật thì đây cũng là nỗi đau lớn nhất trong suốt sự nghiệp kinh doanh của mình. Trong lúc cách ly xã hội, khi mọi cửa hàng đã đóng cửa, có thời gian ngồi nhìn nhận lại mọi chuyện thì đây chính là việc khiến mình ám ảnh nhất.

Có thể nói một trong những mục tiêu lớn để phát triển công ty là tạo ra công ăn việc làm cho những người đang sinh sống ở mảnh đất Đà Lạt, vì đại dịch ập đến, mình đã phải làm trái với giá trị này.

Tuy vậy, việc cần làm thì vẫn phải làm. Mình đã phải đánh đổi sự tồn tại của công ty, nhưng mình biết nếu còn khoẻ mạnh, còn mang trong mình mục tiêu này, thì chắc chắn sẽ gây dựng lại được. 

Cũng may mắn là có rất nhiều nhân sự hiểu cho công ty, sẵn sàng chờ đợi ngày các cửa hàng ổn định lại, thậm chí còn chủ động nói: “Tháng này em không cần lương, trả cho em một nửa, một ít cũng được, nhưng công ty cần gì em vẫn làm hết mình”. Đời kinh doanh có được thời khắc này mấy ai bằng…

Du lịch Đà Lạt sẽ phục hồi nhưng phải luôn sẵn sàng làm lại từ đầu, không thể mong quay lại như trước nữa!

Với một thương hiệu mang tính biểu tượng Đà Lạt như Cối Xay Gió, chắc hẳn khó khăn cũng sẽ có ảnh hưởng theo cấp số nhân. Anh lường trước và dự định phục hồi độ nhận diện của Cối Xay Gió sau dịch như thế nào?

Nói riêng Cối Xay Gió, từ đầu năm mình đã có 2 mục tiêu phải triển: Một là triển khai thêm các thương hiệu nhà hàng, trải nghiệm cho khách du lịch tới Đà Lạt. Hai là đưa Tiệm bánh Cối Xay Gió tiến xa ra ngoài Đà Lạt. Mục tiêu số hai lại là ưu tiên hàng đầu của mình và công ty trong lúc này. 

Tuy đại dịch ảnh hưởng đến Cối Xay Gió nhiều, nhưng những sản phẩm của Cối Xay Gió là phục vụ cho nhu cầu thiết yếu, phù hợp với hành vi và mức chi tiêu của khách hàng sau khủng hoảng, mình tin cơ hội phát triển Cối Xay Gió vẫn còn lớn. 

Ở một nơi như Đà Lạt, khi du lịch ngủ đông đồng nghĩa với việc kinh doanh của mọi ngành nghề khác đều bị ảnh hưởng. Anh dự đoán thời gian để nền du lịch Đà Lạt phục hồi trở lại là khi nào, sẽ mất bao lâu nữa để các doanh nghiệp bắt kịp nhịp độ trước đây?

Dịch bệnh và giãn cách xã hội đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành F&B và du lịch, kéo theo đó là suy thoái kinh tế.

Tuy vậy, theo mình thì du lịch Đà Lạt có hi vọng khá tích cực để trở lại, vì với đối tượng khách chủ yếu là khách nội địa, phần lớn là ở độ tuổi trẻ nên mức độ ảnh hưởng tâm lý sau dịch cũng không quá cao. 

Nhưng lượng khách tất nhiên sẽ giảm, và khả năng chi tiêu cũng giảm theo, việc này cũng còn phụ thuộc nhiều vào sự hồi phục kinh tế của Việt Nam và Thế giới. Sau dịch bệnh, khách hàng cũng sẽ thận trọng hơn về vấn đề an toàn vệ sinh, sự đảm bảo của cửa hàng hay khách sạn để lựa chọn khi đi du lịch. 

Cho dù thế nào thì cũng chưa thể hy vọng nền du lịch Đà Lạt sẽ hồi phục ngay như lúc trước được. Vì vậy, giờ các doanh nghiệp cần phải bình tĩnh để có thể nắm bắt được các nhu cầu mới, linh hoạt điều chỉnh mô hình cho phù hợp, và quan trọng là phải có tâm lý sẳn sàng làm lại từ đầu, đừng mong quay lại như trước nữa. 

Founder của Cối Xay Gió và loạt thương hiệu đình đám ở Đà Lạt: “Thời điểm này cần có tâm lý sẵn sàng làm lại từ đầu, đừng mong quay lại như trước nữa!” - Ảnh 3.

Ảnh: Quang Trần.

Từng liều lĩnh kinh doanh và thành công với một loạt thương hiệu F&B ở Đà Lạt. Nhưng tại thời điểm này, anh có định đánh cược vào những quyết định liều lĩnh không, hay kinh doanh an toàn và bền vững sẽ được ưu tiên hơn?

Đúng là trước khi dịch bệnh đến, mình rất tự tin đầu tư và đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của du lịch Đà Lạt trong những năm tiếp theo. 

Tuy vậy đến thời điểm này, điều đầu tiên là mình phải sẵn sàng từ bỏ kế hoạch cũ - đã không còn phù hợp nữa. Nhưng mục tiêu thì vẫn phải theo đến cùng, vì suy cho cùng bản chất của ngành F&B là mang dịch vụ và sản phẩm đến tay khách hàng. Nên mình vẫn sẽ có những kế hoạch khác để theo đuổi mục tiêu và phù hợp với làn sóng tiêu dùng sau dịch bệnh. 

Đã từng nhiều lần thay đổi Đà Lạt trong mắt du khách bằng Cối Xay Gió, Vuông Pizza, YAM - ChiangMai in DaLat..., anh có nghĩ sau những khó khăn lần này sẽ một lần nữa làm mới được những quan niệm cũ không?

Trong mọi giai đoạn đều phải có ý tưởng và có mô hình để phù hợp với nó, không bằng cách này thì cũng bằng cách khác, tùy vào năng lực mà sẽ tìm được con đường. 

Như mình chia sẻ ở trên, điều cốt lõi vẫn là mang dịch vụ và sản phẩm đến khách hàng. Nên mình đã sẵn sàng thay đổi mô hình, sản phẩm để phù hợp với nhu cầu khách hàng sau dịch. 

Founder của Cối Xay Gió và loạt thương hiệu đình đám ở Đà Lạt: “Thời điểm này cần có tâm lý sẵn sàng làm lại từ đầu, đừng mong quay lại như trước nữa!” - Ảnh 4.

Ảnh @tynkerry.

Ở thời kỳ “bình thường mới” (new normal) sau đại dịch, thị trường nội địa chính là chìa khoá cho các doanh nghiệp Việt

Theo anh, các doanh nghiệp Việt nên chọn con đường nào để nắm bắt được những cơ hội thời kì hậu Covid-19, thích nghi với trạng thái “bình thường mới” (new normal)?

“Doanh nghiệp Việt” là một phạm trù rộng, với kinh nghiệm và khả năng của bản thân thì mình xin chia sẻ quan điểm về hệ sinh thái tại Đà Lạt thôi nhé!

Trước hết, khả năng phục hồi của ngành du lịch sẽ phụ thuộc vào khách du lịch nội địa, nhưng lượng khách sẽ giảm, tâm lý sử dụng sản phẩm và dịch vụ sẽ được cân nhắc kỹ càng hơn, mức chi tiêu có xu hướng ít đi. Với nguồn cung du lịch hiện tại thì sẽ có sự cạnh tranh lớn hơn rất nhiều. Tất nhiên sẽ có đào thải. Con đường sắp tới mà các doanh nghiệp cần ưu tiên là tập trung vào chiều sâu, chất lượng dịch vụ, sản phẩm an toàn hay quy trình chế biến an toàn. Đồng thời phải có sản phẩm - gói dịch vụ có giá thành phù hợp hơn. Điều này đồng nghĩa với các quy trình vận hành tối giản hơn. 

Tiếp đến là ngành truyền thông - tiếp thị du lịch. Ngoài việc cung cấp cho khách nội địa bằng các điểm đến chất lượng hơn, các cơ sở, doanh nghiệp còn phải tính đến bài toán truyền thông số để thu hút khách lúc này. Nên đây là lúc ngành truyền thông du lịch cũng sẽ có cơ hội phát triển, có nhiều nội dung sáng tạo hơn để có thể thu hút khách về Đà Lạt, thậm chí phải cùng nhau thực hiện mục tiêu này. Suy cho cùng, nếu Đà Lạt muốn phục hồi lại, các cơ sơ doanh nghiệp, những cá nhân, hộ gia đình hay người lao động phổ thông đều sẽ phải tập trung vào việc thu hút khách du lịch về Đà Lạt.

Ngoài ra ngành nông nghiệp và sản xuất nông sản sẽ là một mảng rất tiềm năng. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp trồng trọt, nông sản tại Đà Lạt có thể vươn lên phát triển hàng Việt ngay trong chính thị trường Việt Nam, tuy nhiên phải có giải pháp trồng trọt hay gia công sản xuất để tiết giảm chi phí, mang lại sản phẩm có giá thành tốt trên thị trường. Chưa kể ngành xuất khẩu nông sản sẽ phục hồi khi đại địch trên thế giới qua đi.

Quan điểm của anh về vai trò của thị trường nội địa trong việc giải quyết các hệ luỵ kinh tế ở Việt Nam hiện tại và trong tương lai?

Thị trường nội địa chính là giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề. Các doanh nghiệp trong vòng 1-2 năm tới đây cần tập trung vào đối tượng này, đây cũng là cơ hội tốt để các sản phẩm Việt Nam khẳng định chất lượng trên chính thị trường của mình. 

Cũng cảm thấy may mắn trong giai đoạn này khi Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đang trên đà đẩy lùi được đại dịch Covid, và chỉ trong một thời gian khá gắn đã quay lại phục hồi kinh tế. Yếu tố này rất quan trọng, vì nó giảm sự ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của người tiêu dùng. Đồng thời Việt Nam là nước có dân số trẻ, phát triển nhanh, nên việc phục hồi và phát triển cũng có hi vọng hơn. 

Chưa kể với tình thế hiện tại của Việt Nam, cơ hội đầu tư, phát triển sản xuất từ nguồn vốn bên ngoài là khá lớn. Mình tin là thời gian phục hồi sẽ không quá lâu và Việt Nam còn rất nhiều hi vọng phát triển sau đại dịch.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Founder của Cối Xay Gió và loạt thương hiệu đình đám ở Đà Lạt: “Thời điểm này cần có tâm lý sẵn sàng làm lại từ đầu, đừng mong quay lại như trước nữa!” - Ảnh 5.