Đường huyết hay còn gọi là glucose máu được hiểu là nguồn năng lượng mà cơ thể chuyển hóa từ thức ăn được sử dụng chính cho các hoạt động của cơ thể. Chỉ số đường huyết được gọi là tăng khi lượng đường trong máu vượt ngưỡng 11.1mmol/l (200 mg/dL).
Tăng đường huyết có liên quan tới nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, trong đó có bệnh tiểu đường (đái tháo đường). Vì thế việc chú ý tới các triệu chứng bất thường góp phần quan trọng để thăm khám sớm và khả năng kiểm soát, quản lý ổn định đường huyết dễ dàng hơn.
Theo Sohu, có 4 dấu hiệu khi ngủ có thể cảnh báo đường huyết tăng cao và cần kiểm tra sớm bao gồm:
Nói chung, rất ít người cảm thấy khát nước khi ngủ. Bệnh nhân tăng đường huyết có lượng đường huyết trong cơ thể lớn, cần nhiều nước hơn để trung hòa, đồng thời do tác dụng của áp suất thẩm thấu cũng sẽ kích thích hệ thần kinh trung ương và gây khát.
Vì vậy mà nếu đột nhiên cảm thấy khát nước khi ngủ và cần phải uống một ít nước mới dễ chịu hơn thì bạn nên kiểm tra xem mình có đang bị bệnh tiểu đường hay không. Bên cạnh đó, thường xuyên khát nước cũng có thể do môi trường ngủ quá khô, ăn quá mặn vào bữa tối,...
Số lần đi tiểu bình thường là từ 4 đến 6 lần một ngày, số lần đi tiểu vào ban đêm không quá một lần. Nếu thói quen uống nước hàng ngày của bạn là bình thường và không có thói quen uống nhiều nước trước khi đi ngủ thì số lần đi tiểu vào ban đêm sẽ rất ít hoặc thậm chí là không có.
Đi tiểu là hiện tượng sinh lý bình thường nhưng nếu bạn đi tiểu quá thường xuyên thì điều đó lại bất thường. Đường huyết tăng cao khiến quá trình trao đổi chất bị rối loạn và ảnh hưởng tới chức năng thận, cơ thể cố gắng loại bỏ lượng đường dư thừa qua nước tiểu dẫn tới tiểu đêm nhiều hơn. Đồng thời làm tăng nguy cơ mất nước.
Ngoài ra, tiểu đêm thường xuyên cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng thận, bàng quang tăng hoạt hay nhiễm trùng đường tiết niệu cần thăm khám sớm.
Có nhiều nguyên nhân có thể gây tê chân tay khi ngủ, chẳng hạn như ngủ sai tư thế khiến mạch máu bị chèn ép. Tuy nhiên nếu đã thay đổi một tư thế ngủ bình thường mà cảm giác tê bì chân tay không giảm thì bạn cần hết sức chú ý.
Khi đường huyết tăng cao, tốc độ dẫn truyền trong hệ thần kinh và tuần hoàn máu có thể bị suy giảm, dẫn đến thiếu oxy và dinh dưỡng cho các mô cơ thể, bao gồm cả chân và tay. Điều này có thể gây ra cảm giác tê bì chân tay khi ngủ.
Cảm giác tê bì chân tay được mô tả là tê cứng, châm chích như bị kiến bò hoặc khó chịu nói chung. Đây cũng là một trong những biến chứng thần kinh ngoại biên của bệnh tiểu đường.
Đói là một hiện tượng sinh lý hết sức bình thường nếu buổi sáng không ăn thì buổi trưa bạn sẽ rất đói. Buổi trưa không ăn thì cả buổi chiều sẽ không có sức lực. Mặc dù tình trạng đói là phổ biến nhưng bạn nên cảnh giác nếu cảm thấy đói dữ dội vào đêm khuya.
Bởi mọi chức năng cơ thể sẽ chậm lại vào ban đêm đồng nghĩa với cơ thể chúng ta sẽ cần ít năng lượng hơn nên cơn đói dữ dội vào lúc này sẽ cảnh báo một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, bao gồm đường huyết tăng cao.
Khi đường trong máu tăng cao, do tình trạng kháng insulin hoặc thiếu insulin mà cơ thể không sử dụng được lượng glucose hiện có trong máu một cách hiệu quả. Điều này gây ra tình trạng thiếu năng lượng tại tế bào, khiến cơ thể phản ứng bằng cách gửi tín hiệu đói để tìm nguồn năng lượng mới, dẫn đến cảm giác đói dữ dội.
Ngoài các triệu chứng cảnh báo đường huyết tăng cao kể trên thì lượng đường trong máu quá cao cũng có thể gây ra cảm giác buồn nôn và nôn mửa, đau bụng, nhịp tim nhanh, hơi thở có mùi trái cây, miệng khô,...
Nguồn: Sohu