Đừng hy vọng gì ở trận mưa sao băng khó đoán nhất lịch sử vào đêm nay, vì chúng ta có đến 2 tin buồn

T.O.P, Theo Helino 12:57 08/10/2018

Tin buồn này thực sự khá là buồn đấy. Hội yêu thiên văn nhớ đọc hết nhé.

Đêm nay và rạng sáng ngày mai 9/10, trận mưa sao băng được đánh giá là một trong những sự kiện "đáng mong chờ nhất" mỗi năm mang tên Draconid sẽ đạt cực đại. Và đặc biệt do lần này xuất hiện trùng với thời điểm trăng non (trăng nhỏ và mờ nhất), nên sẽ không gặp cản trở gì ngoại trừ vấn đề thời tiết.

Trận mưa này bắt nguồn từ sao chổi 21P/Giacobini-Zinner với quỹ đạo quanh Mặt trời khoảng 6,6 năm. Khi đi ngang qua Trái đất, chúng ta sẽ nhìn thấy mưa sao băng xuất phát từ chòm sao Draco (Thiên Long).

Trận mưa sao băng nhỏ nhưng có võ, khó đoán bậc nhất

Trên thực tế, Draconid là một trận mưa sao băng khá yếu, với tần suất mỗi năm cao nhất chỉ khoảng 10 - 15 vệt mỗi giờ nên không nhận được quá nhiều sự quan tâm. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người ngóng chờ Draconid, bởi nó được đánh giá là trận mưa "khó đoán bậc nhất" trong năm.

Đừng hy vọng gì ở trận mưa sao băng khó đoán nhất lịch sử vào đêm nay, vì chúng ta có đến 2 tin buồn - Ảnh 1.

Mưa sao băng Draconid năm 2015 (Ảnh Sean Parker)

Nguyên nhân là vì trong quá khứ, Draconid từng đột ngột trở nên nổi bật, tạo ra những trận bão sao băng cực kỳ đẹp mắt. Các năm 1933, 1946, 1985 và 1998, vào thời điểm đạt đỉnh Draconid có thể tạo ra 600 - 800 vệt sao mỗi giờ. Thậm chí như năm 1946, tần suất lên tới 3000 - 6000 vệt/h.

Lần gần nhất Draconid tỏ ra bùng nổ là năm 2011, với tần suất sao rơi vào khoảng 600 vệt mỗi giờ.

Nhưng có tận 2 tin buồn cho bạn đây

Trên thực tế, những trận "bão sao băng" đầy ấn tượng kia xảy ra khi Trái đất băng ngang qua lớp bụi dày nhất trong quỹ đạo sao chổi. Và lớp vụn này có cấu trúc hết sức phức tạp.

Đừng hy vọng gì ở trận mưa sao băng khó đoán nhất lịch sử vào đêm nay, vì chúng ta có đến 2 tin buồn - Ảnh 2.

Những năm trước, con người không thể dự đoán được năm nào thì Draconid tạo bão, năm nào không. Trong khoảng 20 năm gần nhất, những gì chúng ta có thể làm chỉ là biết lúc nào Trái đất đi ngang qua quỹ đạo của sao chổi, và hy vọng có gì đó sẽ xảy ra.

Nhưng giờ thì khác rồi! Với công nghệ hiện đại, khoa học có thể tính toán và xác định được vị trí của lớp bụi sao dày nhất. Và bởi vậy chúng ta có tin buồn đầu tiên, dành cho giới yêu thiên văn nói chung.

Đừng hy vọng gì ở trận mưa sao băng khó đoán nhất lịch sử vào đêm nay, vì chúng ta có đến 2 tin buồn - Ảnh 3.

Tính toán cho thấy vào ngày 9/10, quỹ đạo của chúng ta đã không chạm vào khu vực có mật độ tiểu hành tinh lớn nhất.

Theo các tính toán lần này, lớp bụi sao mà Trái đất đi ngang qua là rất mỏng, còn cách rất xa khu vực từng tạo ra "bão" trong thế kỷ 20. Có nghĩa là lần này, trận mưa sẽ rất ảm đạm, khi đa số chuyên gia tin rằng đỉnh chỉ đạt khoảng 10 - 15 vệt mỗi giờ thôi. Dù vậy một số người tính toán với cách tiếp cận khác thì tin đỉnh có thể mang 20 - 50 vệt sao mỗi giờ -  không tệ, nhưng chẳng là gì so với các trận mưa sao băng đình đám khác như Perseid hồi tháng 8.

Đừng hy vọng gì ở trận mưa sao băng khó đoán nhất lịch sử vào đêm nay, vì chúng ta có đến 2 tin buồn - Ảnh 4.

Tin buồn thứ 2 dành cho hội yêu thiên văn tại Việt Nam. Theo dự đoán của một số chuyên gia thiên văn, thời điểm mưa sao băng đạt đỉnh sẽ rơi vào khoảng... 6h30 - 7h14 phút sáng ngày 9/10. Trời lúc này đã sáng bảnh mắt, nên chúng ta cũng chẳng nhìn được cái gì đâu.

Nhưng dù sao cũng đừng quá buồn. Bạn vẫn có thể thức đêm để ngắm sao, vì mưa sao băng vẫn sẽ rơi dù không đạt đỉnh. Hoặc hãy kiên nhẫn hơn, đợi đến đêm ngày 20, rạng sáng 21/10 sắp tới, chúng ta sẽ được chứng kiến một trong những trận mưa sao băng đẹp nhất trong năm mang tên Orionid, với tần suất trung bình 20 vệt mỗi giờ.

Tham khảo: Space