Fan của thiên văn học hẳn đã bỏ túi được nhiều bức hình đẹp cũng như chiêm ngưỡng thỏa thích hiện tượng nguyệt thực toàn phần (Trăng máu) diễn ra vào tháng 7 vừa qua.
Thế nhưng, bạn có hay biết, vào cuối tuần này, chúng ta lại có cơ hội chiêm ngưỡng 1 hiện tượng kỳ thú khác - đó là nhật thực 1 phần.
Vào khoảng bình minh sáng ngày 11/8 (giờ Việt Nam), những người dân ở Bắc Mỹ, châu Âu, cũng như Greenland, Iceland, và châu Á sẽ có cơ hội để chiêm ngưỡng nhật thực 1 phần.
Trong thời gian diễn ra Nhật thực, người quan sát sẽ thấy Mặt trăng từ từ che lấp một phần của Mặt trời, trông giống như một chiếc bánh hình tròn bị gặm mất ở một góc.
Địa điểm quan sát rõ nhất hiện tượng Nhật thực một phần này là ở Bắc Cực (theo báo cáo của Earthsky) - ở đó, đường kính của Mặt trời sẽ bị che phủ tới 65%.
Khu vực xem được nhật thực 1 phần ngoạn mục không kém là thành phố ở phía Bắc Yakutsk, Nga khi 57% Mặt trời sẽ bị che khuất. Ở Greenland, mặt trời sẽ được che phủ 50%.
Mọi người ở Seoul, Hàn Quốc và Thượng Hải, Trung Quốc cũng sẽ chiêm ngưỡng được hiện tượng nhật thực một phần này. Mặt trăng sẽ che khuất lần lượt là 35% và 20% Mặt trời.
Tuy nhiên, thật tiếc là Việt Nam ta sẽ cực khó, gần như là không quan sát được hiện tượng này khi vị trí nằm dưới đường xích đạo và hiện tượng cũng chỉ diễn ra vài phút mà thôi.
Dẫu vậy cũng cần nhấn mạnh rằng, nhật thực một phần là hiện tượng nguy hiểm cho người quan sát bởi hiện tượng này có thể dẫn đến những thương tổn cho mắt hoặc thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người quan sát không nên nhìn trực tiếp vào Mặt trời mà cần nhìn qua kính viễn vọng hay thấu kính, mắt kính đặc biệt để quan sát hiện tượng này.
Thế nhưng, nếu bỏ lỡ không xem được nhật thực 1 phần thì bạn cũng đừng buồn nhé, bởi chúng ta sẽ được an ủi khi trận mưa sao băng lớn diễn ra hàng năm ghé thăm kế tiếp luôn.
Cụ thể, vào đêm 12, rạng sáng 13, bắt đầu từ lúc 23 giờ theo giờ Việt Nam - mưa sao băng Perseid thường đạt tần suất 60 vệt/giờ sẽ xuất hiện.
Năm nay dự báo sẽ là năm tốt nhất để quan sát hiện tượng này khi diễn ra trùng thời điểm Mặt trăng không xuất hiện. Vì vậy bạn đừng bỏ qua cơ hội chiêm ngưỡng mưa sao băng này nhé!
Nguồn: BusinessInsider, Earthsky