Bác sĩ Shigeaki Hinohara là một trong những bác sĩ hành nghề lâu năm nhất thế giới, và được người Nhật tôn vinh là huyền thoại y học. Tuy nhiên, hôm 18/7, ông Shigeaki đã trút hơi thở cuối cùng tại Tokyo, Nhật Bản, hưởng thọ 106 tuổi.
Những người dân tại Nhật Bản và trên toàn thế giới ngưỡng mộ ông vì y đức cũng như những bài học, lời khuyên ông dành cho mọi người về phương pháp sống thọ. Trước khi qua đời, ông là hiệu trưởng danh dự của trường đại học quốc tế St. Luke và chủ tịch danh dự của bệnh viện quốc tế St. Luke tại Tokyo.
"Ông là một trong những người đã đặt nền móng cho ngành y học Nhật Bản", Yoshihide Suga, một quan chức chính phủ cho biết.
Điều mà nhiều người nhớ tới vị bác sĩ tài đức này không chỉ ở những danh hiệu, vị trí mà ông từng nắm giữ mà chính vô số lời khuyên hữu ích ông đem đến cho đời. Dù đã ra đi mãi mãi ở tuổi 106, những bài học về sống khỏe và triết lý cuộc đời của ông Shigeaki Hinohara vẫn được hậu thế nhớ mãi.
Năng lượng đến từ sự hạnh phúc, không chỉ từ việc ăn đủ, ngủ kỹ
Trẻ con thường có nhiều năng lượng đến mức chúng có thể quên ăn hay quên ngủ. Chúng ta có thể học tập lũ trẻ và không nên quá cứng nhắc về những điều như giờ ăn, giờ đi ngủ. Một khi chúng ta cảm thấy hạnh phúc, cơ thể sẽ luôn tràn trề năng lượng.
Luôn luôn lên kế hoạch trước
Bác sĩ Shigeaki Hinohara có một khung thời gian biểu chi tiết và đầy đủ, nhiều khi là trước cả một năm ròng. Thời gian biểu của ông luôn được sắp xếp hợp lý với các buổi dạy, công việc tại bệnh viện và những cuộc hẹn khác. Ông cũng thích ra ngoài đi chơi và có dự định tham gia Thế vận hội Olympics Tokyo 2020.
Không nên ăn quá nhiều dẫn đến tình trạng béo phì
Bác sĩ Shigeaki Hinohara nhận ra rằng những người sống lâu thường không bị béo phì. Bản thân ông Shigeaki cũng rất cẩn trọng trong những bữa ăn hàng ngày để tránh béo phì. Với bữa sáng, ông thường uống cà phê, sữa và nước cam với một thìa dầu olive. Ông tin rằng dầu olive rất tốt cho mạch máu và giúp duy trì sức khỏe làn da.
Còn bữa trưa, ông Shigeaki Hinohara chỉ uống sữa với một chút bánh cookies hay thỉnh thoảng, ông bỏ qua bữa trưa vì quá bận rộn. Còn bữa tối, ông ăn nhiều rau xanh, cá và cơm. 2 lần một tuần, ông ăn 1 lạng thịt thăn.
Hãy chia sẻ những điều bạn biết
Bác sĩ Shigeaki Hinohara có khoảng 150 bài giảng một năm với nhiều cuộc nói chuyện với các em học sinh. Bên cạnh đó là các buổi trò chuyện, tọa đàm với cộng đồng doanh nghiệp - ước tính khoảng hơn 4,500 người/năm. Thông thường, mỗi buổi nói chuyện của ông kéo dài tới 90 phút. Ông cho rằng, việc chia sẻ kiến thức của mình cho mọi người biết là cách tốt để giúp cộng đồng.
Không nhất thiết phải nghỉ hưu
Nhiều người cho rằng, chính việc nghỉ hưu sẽ dẫn đến chứng bệnh mau quên và nhiều người sẽ cảm giác cuộc sống của mình không có ý nghĩa gì nữa. Do đó, bạn không nhất thiết phải nghỉ hưu nếu không muốn; hoặc nếu nghỉ hưu thì nên ở một độ tuổi cao hơn. Ông Shigeaki Hinohara cho rằng nghỉ hưu ở tuổi 65 là quá trẻ.
Đừng tin tưởng hoàn toàn vào những gì bác sĩ nói hay khuyên
Trong suy nghĩ của chuyên gia Shigeaki Hinohara, bác sĩ không phải là người có thể chữa tất cả mọi bệnh tật. Lời khuyên của ông thực sự đúng với những căn bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ thành công thấp như ung thư. Đôi khi, lựa chọn giữa việc điều trị và không điều trị gây ảnh hưởng không nhỏ đến cả bệnh nhân và gia đình. Các bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân sử dụng phương pháp điều trị này kia nhưng nó thực sự sẽ gây đau đớn và không biết kết quả ra sao, hoặc rất đắt đỏ. Chính vì vậy, tùy vào nguyện vọng của bệnh nhân và hoàn cảnh của gia đình, mọi người có thể chọn cho mình những phương án phù hợp nhất.
Để khỏe mạnh, luôn luôn đi thang bộ và tự mang hành lý
Nếu muốn đôi chân và trái tim khỏe mạnh, bác sĩ Shigeaki khuyên mọi người nên đi thang bộ và tự mang hành lý. Ông thường đi 2 bậc cầu thang một lúc khi lên nhà.
Nỗi đau là điều kỳ lạ
Cách tốt nhất để vượt qua nỗi đau là quên nó đi và luôn nghĩ mình vui vẻ. Nếu một đứa trẻ bị đau răng và bạn rủ nó chơi điện tử cùng, nó sẽ lập tức quên đi nỗi đau của mình. Tại bệnh viện của bác sĩ Shigeaki Hinohara, họ thường mở nhạc, cho bệnh nhân chơi với động vật hay tham gia các lớp học nghệ thuật. Ông tin rằng bệnh viện cũng cần là nơi để điều trị những vấn đề tinh thần cho các bệnh nhân.
Chỉ riêng khoa học không thể chữa hay giúp đỡ mọi người
Khoa học giúp con người xích lại với nhau. Tuy nhiên, bệnh tật là điều hết sức cá nhân. Bác sĩ Shigeaki Hinohara tin rằng mỗi cơ thể là một điều độc đáo và bệnh tật gắn liền với trái tim. Để giúp mọi người chữa bệnh và làm lành vết thương, chúng ta cần đến những điều khác như thiền, các phương pháp tĩnh tâm, cảm xúc chứ không chỉ điều trị y học.
Cuộc sống khó có thể dự đoán trước và đầy những biến cố
Bác sĩ Shigeaki Hinohara nhắc về một biến cố khi ông 59 tuổi. Trong chuyến bay từ Tokyo đến Fukuoka vào ngày 31/3/1970, khi máy bay bị không tặc khống chế, ông đã bị còng tay suốt 4 ngày trời trên máy bay nóng 40 độ C. Ông coi đó là một thử thách bản thân và rất ngạc nhiên vì cách cơ thể mình có thể thích nghi với biến cố. Chúng ta luôn cần phải đề phòng và chuẩn bị chu đáo trước mọi việc có thể xảy ra trong cuộc sống.